Câu ếch ao làng

Người ở quê thì không làm sao ngủ được vào những đêm mưa đầu mùa vì sau khi mưa tạnh là tiếng ếch kêu vang trên đồng ruộng, ao, đầm.

Nhiều nơi đang vào mùa mưa, đây là thời điểm của họ nhà ếch nhái sinh sôi, phát triển theo quy luật tự nhiên để cân bằng sinh thái môi trường, vì lũ ếch nhái ăn côn trùng phá hoại mùa màng nhà nông. Người ở thành phố không nghe được tiếng ếch kêu mưa nhưng sáng ra xách giỏ đi chợ có thể mua được ếch cột xâu còn sống nhảy loi choi, hoặc làm thịt sẵn về chế biến thành nhiều món khoái khẩu tùy theo sự sành điệu của “đầu bếp” như ếch chiên bơ, ếch xào lăn hoặc đơn giản như ếch nướng mọi. Nhưng người ở quê thì không làm sao ngủ được vào những đêm mưa đầu mùa vì sau khi mưa tạnh là tiếng ếch kêu vang trên đồng ruộng, ao, đầm.

Tiếng ếch kêu vào đầu hôm cho tới tận nửa đêm là báo hiệu mùa sinh sản, tiếng ếch đực kêu gọi bạn tình làm công việc giao phối để sáng hôm sau chúng trở lại ao, đầm, về với thiên nhiên. Ếch cái đẻ trứng, nở con là những bầy nòng nọc bơi lội lăn tăn chờ ngày rụng đuôi, mọc chân nhảy lên bờ tìm hang hốc trú ẩn, trở thành một thế hệ ếch khác. Còn đôi vợ chồng ếch kia cũng chỉ gặp nhau trong một đêm mưa rồi dù còn sống sót bởi may mắn thoát khỏi anh soi ếch để trở về lại ao đầm, cũng… không sống nổi bao ngày bởi tay anh câu ếch.

Câu ếch rất đơn giản, một cây cần câu trúc đủ dài để vươn ra tới giữa mặt ao, đầm, dây câu đủ bền, chắc để ếch vùng vẫy khỏi đứt, lưỡi câu uốn cong, có ngách sắc và hiểm do tay câu ếch có kinh nghiệm chế tác, để ếch cắn câu là… giựt bá phát. Mồi câu ếch lại cực kỳ đơn giản mà rất “nhạy”, đó là mấy cái bông mướp màu vàng sẵn trên giàn ngắt xuống ngâm trong chiếc lon sữa bò có chút nước cho tươi, một cái giỏ giảng (loại giỏ to đan bằng tre) quàng qua vai là có thể xuất hành.

Ao hồ trong làng vào mùa mưa đầy ngập nước, lũ ếch sống trong hang sau mùa sinh sản lại thích ngâm mình trong nước mát khi nắng lên. Do đó, tay câu ếch có kinh nghiệm nên xuất hành vào lúc mặt trời lên khỏi ngọn dừa, lúc lũ ếch rời khỏi hang lao mình xuống ao, hồ ngâm da, tắm mát vì da ếch không chịu được nắng nóng. Nếu để da mất nước, khô, thì chắc chắn lũ ếch sẽ chết.

Tay câu ếch chọn ao, hồ nào có nhiều hang ếch chung quanh bờ và khi xách cần ra đi, lúc quay về là phải nặng giỏ. Ếch không lặn hụp trong nước ao, hồ như… rái cá mà ngâm nửa thân mình trong nước rồi thả trôi từ từ để rình mồi. Mồi ếch là côn trùng, nhưng món ếch thích nhất là bướm, đặc biệt là bướm màu vàng. Lũ bướm vàng thường lượn lờ trên mặt ao, hồ không hiểu để làm gì, chắc là… giỡn nước. Nhưng chúng biết đâu rằng lũ ếch đang ngâm mình trong nước, chỉ ló có chiếc đầu ngụy trang màu rêu giống màu nước ao, hồ đang giương mắt nhìn lên chực sẵn để phóng lên đớp chúng. Đừng tưởng ếch thả trôi, lờ đờ mà lầm chúng chập chạp. Khi phát hiện ra một chú bướm vàng nhởn nhơ bay là đà trên mặt nước, ếch ta phản xạ rất nhanh, lập tức phóng lên, đớp một phát, khó có chú bướm ngây thơ nào thoát khỏi cú đớp nhanh như gió, rất ngoạn mục như làm xiếc này.

Và bởi thế nên lũ ếch trong ao, hồ mới chết bởi tay anh câu ếch. Lúc nhỏ, tôi nổi tiếng là tay câu ếch “thiện xạ” cũng bởi nắm rõ quy luật này. Đứng trên bờ ao, móc bông mướp vào lưỡi câu, vung cần ra giữa mặt hồ, mắt quan sát khắp lượt và tinh ý lắm mới phát hiện một chú ếch “đặc công thủy” đang thả trôi trên mặt hồ xanh xanh gờn gợn như một nhúm bèo tây. Lập tức, tôi lia cần câu về phía trước miệng ếch, bông mướp vàng chấp chới y chang một bóng bướm. Ếch im lặng, bất động, nhưng đôi mắt chớp nhanh ngắm nghía “con mồi” đầy màu sắc hấp dẫn. Vài giây cảnh giác, ếch ta nhoài tới ngoác cái miệng rộng đớp một phát.

Nếu tay câu ếch lơ tơ mơ thấy thế giựt cần ngay là hỏng ăn, bởi ếch rất tinh ranh, đó chỉ là cú ngoạm mồi thử thôi, chú ếch liền nhả ra ngay. Kiên nhẫn… kiên nhẫn… và rồi sự kiên dẫn sẽ mang đến thành công, chú ếch sẵn sàng đớp cú thứ hai và nuốt mồi vào bụng. Lúc này chỉ việc giựt mạnh cần về phía sau, lưỡi câu sẽ mắc gọn vào hàm ếch. Dù ếch rất mạnh, giãy giụa cũng lắm, nhưng hết đường thoát. Người câu ếch chỉ việc một tay nắm eo ếch, một tay bẻ hai chân ếch, gỡ lưỡi câu, bỏ ếch vào giỏ.

Bây giờ ngoài chợ quê người ta cũng bán ếch nuôi, nhưng ếch câu trong ao làng vẫn được giá hơn ếch nuôi. Ít ai câu ếch để bán mà để tăng chất đạm cho bữa cơm gia đình, và trước hết câu ếch là một thú vui thôn dã, một môn… thể thao đơn giản, giải trí, xả stress tuyệt vời.

Và cũng may mắn sao, làng quê bây giờ vẫn còn nhiều ao, hồ. Sau khi những đám mưa đầu mùa trút xuống, làm xong nhiệm vụ sinh sản, duy trì nòi giống, lũ ếch lại trở về ao hồ ngập nước ngâm mình tắm mát, rình mồi để cho ta có được thú vui dân dã ấy.

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-ech-ao-lang-post696687.html