Cậu học trò 'có thể ngủ mọi lúc' nhận ưu ái đặc biệt từ thầy cô và lý do ai đọc cũng khóc

'H.A luôn là ngoại lệ của các thầy cô giáo dạy lớp tôi. Cậu ấy có thể đến muộn nửa tiết học, có thể ngủ mọi lúc và có đôi khi lại được mang theo một ít đồ ăn vào lớp, điều mà cô Ngọc đã nghiêm khắc nhắc nhở chúng tôi không được vi phạm vào. Đôi lúc tôi trộm nghĩ tại sao H.A lại có những 'đặc quyền' mà chúng tôi không có'.

Đó là những chia sẻ trong bài dự thi của em Nguyễn Lê Hải Đăng, lớp 8A7, Trường THCS Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).

Đặt tựa đề cho tác phẩm của mình là “Ngoại lệ của A7”, em Nguyễn Lê Hải Đăng kể về “người bạn đặc biệt” của mình: “Ngay từ ngày đầu gặp H.A., chúng tôi đã nhận ra sự khác biệt của cậu ấy... Ở lớp tôi, H.A viết rất xấu và lười viết lắm! Cậu ấy chỉ khoái làm các phép tính nhân nhưng lại chẳng thể làm phép chia hay các phép tính dài, phức tạp. Nhưng cũng chẳng sao vì H.A luôn là ngoại lệ của các thầy, cô giáo lớp tôi.

Cậu ấy có thể đến muộn nửa tiết học, có thể ngủ mọi lúc và có đôi khi lại được mang theo một ít đồ ăn vào lớp, điều mà cô Ngọc đã nghiêm khắc nhắc nhở chúng tôi không được vi phạm vào. Đôi lúc tôi trộm nghĩ tại sao H.A lại có những “đặc quyền” mà chúng tôi không có… Có lẽ bởi vậy mà đã hơn một lần tôi cảm thấy ghen tị với cậu bạn này”.

“Đỉnh điểm là một tháng sau khai giảng, H.A xô ngã một bạn học sinh lớp 6 xây xước hết đầu gối, cô tôi phải phi như bay từ trường Đại học Quốc gia về để giải quyết. Cô không mắng chúng tôi vì không để ý bạn mà chỉ hỏi được gì ngoài câu: “Ngoan rồi, ngoan rồi”. Vậy là, cô tôi lại lần nữa đi xin lỗi giúp H.A. Sau lần đó cô dặn chúng tôi trông chừng bạn cẩn thận, những ngày nóng quá thì đừng gọi bạn ra sân tập thể dục, H.A do bị di chứng trong một lần sốt cao gây co giật và trí não chỉ dừng lại ở năm mà bạn 4 tuổi thôi. Giọng cô nhỏ dần như không nỡ nói ra cái bí mật ấy và rồi cô tôi vừa kể mà mắt rơm rớm chực khóc…

Tai tôi ù đi vì những tiếng xôn xao của các bạn. Tôi chìm trong sự xấu hổ vì mình đã trót ghen tị với một đứa trẻ đáng thương như H.A, so với cậu ấy chúng tôi quá may mắn vì có thể được học tập, chơi đùa. Sau cùng, cô dặn chúng tôi hãy coi H.A như em của mình ở nhà mà yêu thương lấy bạn, nỗi khổ của bạn và gia đình có lẽ cả đời này các con sẽ không hiểu được, vậy tuổi thơ này hãy cho bạn một chút ký ức đẹp cùng những người bạn chân thành. Lời nói ấy của cô như đã mở ra một cánh cửa mới trong trái tim chật hẹp của chúng tôi - đó là tình yêu thương và sự cho đi”.

“Hạnh phúc là khi ta biết cho đi và không ngừng tìm kiếm những giá trị tích cực mà cuộc sống âm thầm ban tặng. Điều ta cho đi của ngày hôm nay chính là hạnh phúc trong tương lai và tôi thầm tự hào về mái trường THCS Thịnh Liệt”, Hải Đăng viết.

Cuộc thi viết và bình chọn “Trường học hạnh phúc” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) phát động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của các em học sinh trên toàn quốc, thúc đẩy các em hình thành lối sống, suy nghĩ tích cực, lan tỏa giá trị tốt đẹp, nhân văn, xây dựng môi trường học tập an toàn và hạnh phúc của thầy cô và học sinh.

Cùng với đó, Cuộc thi còn vinh danh Top 100 “Trường học hạnh phúc” năm 2024 tiêu biểu do chính các em học sinh, phụ huynh và cộng đồng bình chọn trên Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT VÀ BÌNH CHỌN “TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC” NĂM 2024

Điện thoại: 0816.221166 - 0865.221168

Email: toasoantevn@gmail.com

Bài dự thi viết của cá nhân/tập thể gửi theo đường bưu điện tới địa chỉ: Tạp chí Trẻ em Việt Nam, phòng 804 tầng 8, tòa nhà Tuấn Hạnh Building, số 82 ngõ 116, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ngoài bì thư ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi viết “Trường học hạnh phúc” năm 2024).

Kiều Minh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cau-hoc-tro-co-the-ngu-moi-luc-nhan-uu-ai-dac-biet-tu-thay-co-va-ly-do-ai-doc-cung-khoc-d5363.html