Câu hỏi 'Đi làm lương bao nhiêu' phải trả lời thế nào

Tết Nguyên đán là dịp được mong đợi, khoảng thời gian hạnh phúc đối với nhiều người song cũng là thời điểm căng thẳng, mệt mỏi với không ít cá nhân, theo South China Morning Post.

Theo tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Samaritans Hong Kong, sự căng thẳng gia tăng trong những tuần trước kỳ nghỉ lễ, khi những bức ảnh về các cuộc tụ họp vui vẻ được chia sẻ trên mạng xã hội và các chiến dịch quảng cáo quá đà.

Tổ chức này nhận thấy số cuộc gọi đến đường dây nóng tăng đột biến trong thời gian trước Tết Nguyên đán, giảm dần trong 3 ngày nghỉ lễ sau đó tăng mạnh trở lại khi mọi người rơi vào các cuộc trò chuyện căng thẳng, đôi khi đau lòng với gia đình.

"Nội dung của các cuộc gọi đến không giống nhau: họ nói về bầu không khí trong gia đình, họ lo lắng hơn và nhiều người nói có ý định tự tử", Trish Richards, thành viên tổ chức, cho biết.

Dành quá nhiều thời gian cho gia đình dịp Tết có thể tạo ra nhiều vấn đề, không được ở gần người thân cũng gây ra không ít nỗi đau, đặc biệt là với các gia đình ly tán vì quy định cách ly hoặc đi lại.

"Những người gọi đến nói về cảm giác cô lập, thiếu thốn và thất vọng về hoàn cảnh của mình. Một số người rất giận dữ. Ngay cả với những vấn đề khiến họ xa cách gia đình đã xuất hiện cả năm nay, họ truyền tải lại câu chuyện như thể nó mới xảy ra hôm qua. Họ rất ám ảnh với điều đó", Trish nói.

 Những buổi gặp mặt gia đình dịp năm mới là ác mộng đối với nhiều người. Ảnh: Getty Image.

Những buổi gặp mặt gia đình dịp năm mới là ác mộng đối với nhiều người. Ảnh: Getty Image.

Căng thẳng

Trong dịp Tết Nguyên đán, cũng có một áp lực là phải tận hưởng, vui vẻ và ngay cả khi các mối quan hệ trong nhà không tốt, mọi người vẫn có nghĩa vụ phải tham gia buổi họp mặt gia đình.

"Tất cả bài đăng Instagram và quảng cáo đều nói về việc mọi người có một cái Tết Nguyên đán vui vẻ, lên kế hoạch cho các bữa tiệc và tụ họp. Nếu bạn không có điều đó, bạn thấy bạn bè mình tận hưởng lễ Tết bên gia đình và trông thật vui vẻ, điều đó có thể khiến bạn bị choáng ngợp.

Tất nhiên, Instagram chỉ thể hiện ra mặt vui vẻ mà thôi", nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Li Chiu-Ming, đồng sáng lập tổ chức xã hội StoryTaler, khuyến khích mọi người nói ra các vấn đề sức khỏe tâm thần, cho biết.

 Nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Li Chiu-Ming thấu hiểu cảm giác khó chịu của nhiều người khi bị hỏi han dịp Tết. Ảnh: Winson Wong.

Nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Li Chiu-Ming thấu hiểu cảm giác khó chịu của nhiều người khi bị hỏi han dịp Tết. Ảnh: Winson Wong.

Đối với một số người, Tết Nguyên đán có thể là sự gợi nhắc về điều gì đó đáng buồn xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như tuổi thơ bất hạnh hoặc thiếu vắng người thân yêu.

Cũng có thể là những câu hỏi tò mò, có lẽ xuất phát từ mục đích tốt, nhưng lại bị coi là phán xét như: "Bao giờ kết hôn?", "Khi nào sinh con?", "Lương bao nhiêu?".

"Trong năm, chúng ta không tụ họp nhiều mà chủ yếu gặp gỡ vào dịp lễ Tết, việc nói về những chủ đề này có thể khiến người khác không vui hoặc khó chịu. Mọi người không muốn bị soi mói và đánh giá, liên tục bị nhắc nhở rằng chưa đủ thế này hoặc nên làm thế kia", Li nói.

Sự căng thẳng có thể còn lớn hơn trong những gia đình đông con khi hay xuất hiện sự so sánh giữa các anh chị em. Những người được coi là kém thành công hơn có thể cảm thấy bản thân không đủ tốt; ngược lại, những người có mối quan hệ và sự nghiệp được khen là đi đúng hướng có thể cảm thấy họ đang phô trương và không thoải mái.

Vấn đề này một phần là do giao tiếp: cha mẹ, ông bà thực sự quan tâm đến các mối quan hệ và sự nghiệp của các thành viên trẻ hơn trong nhà, đề cập đến các chủ đề đó trong cuộc trò chuyện.

Theo Li, những người lớn tuổi không biết phải đề cập đến điều gì khác ngoài công việc và các mối quan hệ. Vì vậy, bầu không khí phụ thuộc vào cách khẳng định ranh giới của người được hỏi.

Nếu bạn nghĩ có thể phải đối mặt với những câu hỏi không thoải mái, hãy chuẩn bị trước câu trả lời. Câu hỏi trực tiếp từ ông bà về tiền lương có thể được trả lời chuyển hướng thành "Cháu đủ tiêu" hoặc "Cháu chi tiêu thoải mái". Nếu không muốn trả lời, bạn có thể lịch sự nói: "Cháu chưa sẵn sàng nói về điều đó bây giờ".

Đối phó

Chỉ vì dịp lễ Tết trong năm là thời điểm vui vẻ, không có nghĩa là chúng ta đều phải cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta đều có những câu chuyện khác nhau, có trải nghiệm khác nhau vì vậy không tránh khỏi việc có những cảm xúc khác nhau. Điều đó chẳng sao cả.

Để giảm bớt cảm xúc tiêu cực, hãy nói chuyện với một người bạn, một người thân trong gia đình hoặc các đường dây tư vấn hỗ trợ.

Nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Li Chiu-Ming gợi ý mọi người có thể "vượt qua" kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bằng cách cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc khác nhau nảy sinh trong mùa lễ hội.

 Cảm thấy không thoải mái trước những câu hỏi về cuộc sống riêng tư vào dịp Tết, người trẻ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ người tin tưởng. Ảnh: Getty Image.

Cảm thấy không thoải mái trước những câu hỏi về cuộc sống riêng tư vào dịp Tết, người trẻ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ người tin tưởng. Ảnh: Getty Image.

"Không thích lễ Tết cũng được, vừa thích vừa ghét cũng được, vừa vui vừa khó chịu cũng được. Hãy cho phép bản thân cảm nhận những điều khác biệt này, chúng là điều bình thường".

Tiếp đó, nếu cảm thấy lo lắng về một buổi tụ họp gia đình, hãy tìm sự hỗ trợ.

"Chia sẻ mối lo với một thành viên thân thiết trong nhà, người hiểu hoàn cảnh của bạn và cho họ biết nếu bạn thấy quá tải; hoặc nhắn tin cho một người bạn thân khi cuộc tụ tập diễn ra".

Bên cạnh đó, hãy giảm thời gian sử dụng mạng xã hội. Nếu Instagram khiến bạn thấy choáng ngợp, đừng nhìn vào đó nữa.

Nếu đang ở nước ngoài hoặc phải cách ly, không thể tham gia buổi gặp mặt gia đình, hãy sáng tạo và linh hoạt trong việc kết nối với những người thân yêu.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-di-lam-luong-bao-nhieu-phai-tra-loi-the-nao-post1293452.html