Câu hỏi nước cho phát triển phía Nam tỉnh

Sự ủng hộ đó đã đưa đến vấn đề làm thế nào để điều đó thành hiện thực, tức phải xây dựng công trình thủy lợi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho vùng phía Nam này là xây dựng hồ La Ngà 3.

Câu hỏi nước cho phát triển phía

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019. Ảnh: Đình Hòa

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019. Ảnh: Đình Hòa

1. Trong hàng loạt vấn đề về phát triển kinh tế tại tỉnh nêu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã quan tâm chuyện nước và vấn đề hình thành các khu công nghiệp với xây dựng đô thị, khu dân cư ở phía Nam tỉnh như một sự kết nối đặc biệt. Tưởng chừng không liên quan nhau, vì việc xây dựng hồ thủy lợi để có nước là phục vụ chính cho sản xuất nông nghiệp; còn chuyện hình thành khu đô thị, khu dân cư quanh vùng khu công nghiệp Sơn Mỹ, trung tâm điện khí Sơn Mỹ (Hàm Tân) như nhà đầu tư Becamex IDC đề xuất để tạo thế liên hoàn phát triển các khu công nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai khu vực phía Nam của tỉnh, kết nối phát triển liên kết vùng Đông Nam bộ, cụm cảng Cái Mép, sân bay Long Thành là lĩnh vực khác. Thế nhưng, khi các nhà đầu tư vào cuộc mới nhận ra rất rõ giữa chúng lại liên quan nhau, thậm chí mang tính chất quyết định. Chính phải có nước mới hình thành các khu công nghiệp kéo theo vùng đô thị, dân cư ở vùng đất phía Nam tỉnh vốn có nhiều tiềm năng mọi mặt nhưng lại thiếu nước.

Đến thời điểm này, Tổng công ty Becamex IDC và VSIP, đơn vị từng thành công trong đầu tư phát triển thành công hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị tại Bình Dương và một số tỉnh, thành trên toàn quốc đã tìm đến vùng Hàm Tân, La Gi. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án hỗ trợ Tổng công ty Becamex IDC triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định. Và mới đây, đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho Tổng công ty Becamex IDC phối hợp với UBND tỉnh nghiên cứu lập thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai) trên cơ sở gắn kết mở rộng Khu công nghiệp Sơn Mỹ trình các bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Những thủ tục cần phải làm, nhất là sự đồng thuận của lòng người từ chính quyền cho đến người dân nông thôn về vấn đề mới có sức thu hút này được tiên lượng sẽ diễn ra suôn sẻ. Ngay như Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư hôm ấy đã cho biết là Chính phủ rất ủng hộ. Và sự ủng hộ đó đã đưa đến vấn đề làm thế nào để điều đó thành hiện thực, tức phải xây dựng công trình thủy lợi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho vùng phía Nam này là xây dựng hồ La Ngà 3.

2. Trong bối cảnh, Trung tâm năng lượng sạch quốc gia tại Bình Thuận đã có hình hài rất rõ thì chuyện nhắc xây dựng hồ La Ngà 3 khiến những ai quan tâm đến vấn đề trên càng thấy bức bối. Vì nếu so sánh sẽ thấy đó là một công trình thủy lợi lớn, quyết định sự phát triển của một vùng đất rộng lớn phía Nam tỉnh đang vướng phải một dự án rất nhỏ, dự án thủy điện La Ngâu có công suất hơn 30 MW. Với những gì liên quan đến năng lượng thì Bình Thuận đang có 6.038MW của các dự án điện gió, mặt trời… đã hoạt động, trong khi tổng công suất các dự án đã đăng ký đề xuất đầu tư là khoảng 25.679MW. Nếu dựa vào quy hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000 MW vào năm 2020 thì hiện tại công suất đề nghị đăng ký đầu tư đã vượt quy hoạch. Vì vậy, việc có thêm một Nhà máy điện La Ngâu với công suất nhỏ như thế là không cần thiết và nếu đặt vào vị trí địa lý, nó đang vướng một công trình lớn, quyết định sự phát triển của một vùng đất lại càng không nhất thiết xuất hiện. Không chỉ thế, trong suốt hơn 10 năm giằng co giữa bên có trước, dù nhỏ nhưng đã nằm trong quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ đã ký với bên có sau dù lớn, ý nghĩa nhưng đề xuất sau, khiến những hậu họa người dân ở nơi sẽ hình thành hồ La Ngà 3 phải gánh chịu. Cụ thể, người dân 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh không thể sản xuất ổn định trên vùng đất ven sông La Ngà, do thiếu nước mùa nắng, lũ lụt mùa mưa và bị “kẹt nước” từ chính thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Đập dâng Tà Pao vốn dĩ đã hình thành phần đầu mối nhưng không thể tích nước. Vì vậy, gần nhất 2 năm qua, lúa bị chết nắng, bị ngập úng, thu về sản lượng không được bao nhiêu. Trong khi đó, ở nơi xa hơn là Hàm Tân, nơi sẽ hưởng nguồn nước trên qua kênh Biển Lạc –Hàm Tân vẫn chưa, vì đang thiếu vốn. Do đó, các khu công nghiệp ở đây lấp đầy chậm rãi cũng xuất phát từ lý do lo thiếu nước.

Bây giờ, xuất hiện một dự án lớn, bài bản từ Becamex IDC thì nhu cầu nước càng phải lớn, phải bảo đảm sự ổn định, vì điều đó cũng ít nhiều thể hiện sự văn minh của nơi sầm uất một vùng công nghiệp – đô thị. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng khẳng định rằng phải xây dựng hồ La Ngà 3, cung cấp nước cho 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và tại Bình Thuận là để phát triển vùng phía Nam tỉnh khiến chính quyền và nhân dân các huyện, thị ở khu vực này rất mừng. Nhưng với những ai đã tham gia vào các cuộc họp giằng co giữa 2 dự án trùng nhau vị trí tại xã La Ngâu (Tánh Linh) sẽ hình dung câu chuyện để hồ La Ngà 3 hình thành còn dài. Vì việc điều đình đã ở trạng thái cho chủ đầu tư dự án thủy điện La Ngâu làm điện mặt trời… trên mặt nước hồ La Ngà 3, tức 2 trong 1 dự án nhưng chủ đầu tư này chưa đồng ý.

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/cau-hoi-nuoc-cho-phat-trien-phia-nam-tinh-121085.html