Cầu phao Phong Châu nối lại đôi bờ

Ngày 30-9, xe của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân hòa vào dòng người trên cây cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ). Nhiệm vụ bắc cầu phao do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) thực hiện.

Nhìn dòng người và phương tiện tấp nập qua lại trên cầu phao Phong Châu, ông Hán Minh Dũng, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Nông cho biết: "Cầu Phong Châu nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Phú Thọ. Hằng ngày, lưu lượng người và phương tiện qua lại cây cầu này rất lớn. Khi cầu Phong Châu cũ bị sập do bão số 3, việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Những người từ bên huyện Tam Nông sang huyện Lâm Thao và ngược lại phải đi vòng hàng chục cây số. Nay có cầu phao đi lại thuận tiện. Mong cây cầu mới kiên cố sớm được triển khai xây dựng để phục vụ đời sống nhân dân".

 Cầu phao Phong Châu được hoàn thành tạo thuận lợi cho người dân Phú Thọ và các tỉnh, thành phố lân cận trong tham gia giao thông. Ảnh: TUẤN HUY

Cầu phao Phong Châu được hoàn thành tạo thuận lợi cho người dân Phú Thọ và các tỉnh, thành phố lân cận trong tham gia giao thông. Ảnh: TUẤN HUY

Theo bà Phạm Thị Trà, ở khu 4, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, từ khi cầu Phong Châu cũ bị sập, bà phải di chuyển qua cầu Ngọc Tháp theo Đường Hồ Chí Minh để về xã Hương Nộn, huyện Tam Nông. Học sinh các xã bên huyện Lâm Thao sang học tập tại Trường THPT Tam Nông và Trường THCS Nguyễn Quang Bích cũng phải đi đường vòng, xa gấp hơn 3 lần so với bình thường. Đi sớm về muộn nên cuộc sống của nhân dân, nhất là các em học sinh nơi đây bị đảo lộn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Nguyên Toại, Chủ tịch UBND xã Hương Nộn cho biết: "Việc thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao cơ bản khắc phục được tình trạng đi lại khó khăn của người dân trong xã. Để bảo đảm an toàn, UBND xã chỉ đạo các lực lượng của địa phương phối hợp với cơ quan chức năng phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trong suốt thời gian vận hành cầu".

Theo Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Lữ đoàn đã bắc cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu cũ khoảng 300m về phía hạ lưu. Để bắc cầu phao, Lữ đoàn 249 huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ. Từ chiều 28-9, Lữ đoàn đã hạ thủy khí tài bên bờ hữu ngạn gồm 24 đốt khơi, 2 đốt mố, 10 ca nô chuyên dụng.

Sau khi hạ thủy, bộ đội công binh tiến hành lắp ghép nối thành 5 phà nhịp và 1 cánh cầu 11 đốt với thời gian chỉ khoảng 1 giờ 30 phút. Đồng thời, đưa các phà trọng tải lớn vào các vị trí liên kết trước. Sáng 29-9, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục củng cố cầu, gia cố đường lên xuống bến, cả bờ ta và bờ đối, bố trí các công trình trên bến theo quy định. Đúng 6 giờ ngày 30-9, bắt đầu thông xe để phục vụ nhân dân đi lại.

Để bảo đảm an toàn và sự lưu thông của các phương tiện đường thủy, hằng ngày, từ 6 giờ đến 22 giờ, các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, xe mô tô 3 bánh được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5km/giờ. Đối với xe ôtô, chỉ cho phép ôtô con, xe bán tải (từ 2 đến 4 chỗ ngồi) lưu thông một chiều khi qua cầu, thời gian mỗi chiều lưu thông 10 phút, vận tốc không quá 10km/giờ. Ngoài thời gian trên, đơn vị tổ chức cắt cầu cho các phương tiện thủy lưu thông từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Từ 5 đến 6 giờ hằng ngày, các bộ phận của đơn vị tiến hành khớp nối cầu. Các loại xe trọng tải khác sẽ được điều chỉnh sau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi cầu chính thức đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân, quá trình vận hành, Lữ đoàn 249 tiếp tục khảo sát, nắm chắc lưu lượng, tốc độ, quy luật dòng chảy để có sự điều chỉnh, ứng phó phù hợp. Đặc biệt, đơn vị đã lựa chọn cán bộ, nhân viên, tổ chức lực lượng vận hành khoa học, hợp lý; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân chấp hành quy định, bảo đảm an toàn trong quá trình đi lại trên cầu phao; thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối các hoạt động trong khu vực được phân công.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 249 tiếp tục quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nhiệm vụ để mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm vận hành cầu đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Việc bắc cầu phao Phong Châu phục vụ đi lại của nhân dân trong thời gian ngắn khẳng định năng lực khắc phục sự cố trong điều kiện khẩn cấp của bộ đội công binh; làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

DUY ĐÔNG - THIÊN HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/cau-phao-phong-chau-noi-lai-doi-bo-796777