'Cây cầu cả' - chứng nhân lịch sử

Ngày 28/3/1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định cho khởi công xây cầu Cốc Lếu, sau 4 năm xây dựng, cầu sắt Cốc Lếu bắc qua sông Hồng được thông xe. Cầu Cốc Lếu được ví là 'cây cầu cả' - chứng nhân lịch sử và mang sứ mệnh mở rộng phố Lão Nhai sang hữu ngạn sông Hồng, bao gồm khu phố cũ Lão Nhai và khu mới Cốc Lếu.

Toàn cảnh cầu Cốc Lếu nhìn từ trên cao (cầu Cốc Lếu qua sông Hồng, nối khu Lào Cai với Cốc Lếu do quân đội Pháp quản lý). Ảnh: tư liệu

Toàn cảnh cầu Cốc Lếu nhìn từ trên cao (cầu Cốc Lếu qua sông Hồng, nối khu Lào Cai với Cốc Lếu do quân đội Pháp quản lý). Ảnh: tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt là cuối năm 1950, Lào Cai được giải phóng, thị xã Lao Cai chính thức là trung tâm tỉnh, cầu Cốc Lếu được làm lại lớn hơn để gánh sứ mệnh mới đón nhận, trung chuyển hàng viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN cho cuộc trường kỳ chống thực dân Pháp và củng cố, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, cầu bị đánh sập, thị xã biên ải lùi về phía sau. Khi tái lập tỉnh, thị xã Lào Cai hồi sinh vẫn là trung tâm tỉnh lỵ, cầu Cốc Lếu sớm được làm lại, nối hai bờ sông Hồng sầm uất phía đầu thị xã.

Với 4 lần xây dựng, trải qua thăng trầm vùng biên ải, cầu Cốc Lếu được ví là “cây cầu cả” - chứng nhân lịch sử. Lần đầu tiên khởi công năm 1898, cầu Cốc Lếu là cây cầu sắt thứ 2 bắc qua sông Hồng cuối thế kỷ XIX, sau cầu Long Biên, có thiết kế 2 mố 4 trụ, dài 220 m, mặt cầu lát bằng những thanh gỗ để xe tải nhẹ có thể qua được. Khi xưa, những người lên Lao Cai khi xuống ga bên Phố Tèo, muốn thăm chợ Cốc Lếu thường sải chân đi bộ ngắm cầu Cốc Lếu.

Chuyện về cây cầu được nhiều người xuôi, ngược truyền tai nhau như huyền thoại. Cây cầu cũng gánh trên mình bao phận người, những cu ly đồng bằng Bắc Bộ bị đưa lên làm tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai, rồi làm cầu Cốc Lếu, sau đó mở đường lên khu điều dưỡng Sa Pa đầu thế kỷ trước. Tai nạn do phu phen, ốm đau, bệnh tật, đói khát luôn rình rập để lại trong những câu chuyện truyền khẩu về phận người xưa bên cầu. Đây cũng là cây cầu đầu tiên bị quân Pháp đánh sập khi rút chạy khỏi thị xã Lao Cai cuối tháng 10/1950.

Thuyền bè trên sông Hồng ở Lào Cai (đây là phương tiện được người dân sử dụng để qua lại giữa hai khu Lào Cai và Cốc Lếu). Ảnh: tư liệu

Thuyền bè trên sông Hồng ở Lào Cai (đây là phương tiện được người dân sử dụng để qua lại giữa hai khu Lào Cai và Cốc Lếu). Ảnh: tư liệu

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được khôi phục, các chuyên gia Liên Xô sang giúp ta khôi phục mỏ Apatit Cam Đường, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phố Mới và thiết kế, chỉ đạo thi công lại cầu Cốc Lếu vẫn trên vị trí cũ. Cầu có mặt bê tông cho xe tải nhẹ đi qua, hai bên rộng 1 m dành cho xe đạp và người đi bộ. Cây cầu mang đậm tình hữu nghị Việt - Xô và gắn liền với người dân thị xã tỉnh lỵ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, cầu bị đánh sập, 14 năm biên giới Việt - Trung gián đoạn, cư dân hai bờ sông muốn qua lại phải đi bằng thuyền hoặc phà, rất vất vả.

Tái lập tỉnh, cầu Cốc Lếu lần thứ ba được ưu tiên đầu tư xây dựng trên cơ sở thiết kế cầu do Liên Xô xây dựng gần bốn mươi năm trước ở vị trí cũ, trên Quốc lộ 4D, lý trình Km 140+560 m. Sau 2 năm thi công, cầu thông xe vào năm 1994 trong niềm vui khôn tả của người dân thị xã tỉnh lỵ và sự chứng kiến của du khách đến Lào Cai, trong đó có nhiều cư dân thị trấn Hà Khẩu phía bên kia biên giới.

Khi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hình thành, cầu Cốc Lếu sau 15 năm lưu thông đã quá tải và xuống cấp, năm 2009, lần thứ tư được xây dựng lại trên vị trí cầu cả năm xưa. Do nhu cầu lưu thông của thành phố tỉnh lỵ, những thợ thi công đã có sáng kiến làm trụ tạm, dịch chuyển cây cầu cũ về phía hạ lưu làm cầu tạm cho người dân đi lại. Cầu mới gồm 2 mố, 4 trụ dài 240 m, bề mặt rộng 16 m, gấp đôi cầu cũ và thông xe vào 19/1/2012.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải, khi được hỏi về lịch sử cầu Cốc Lếu và việc xây dựng lại cầu lần thứ tư, xúc động nói: Vì sự phát triển kinh tế và đời sống dân sinh, đòi hỏi kết cấu hạ tầng đi trước một bước. Những người làm giao thông hiểu sâu sắc vấn đề đó và cứ làm xong một cây cầu là góp thêm niềm vui cho người dân, từng bước hoàn chỉnh “mạch máu” giao thông của tỉnh.

Cầu Cốc Lếu hôm nay.

Cầu Cốc Lếu hôm nay.

Công việc cứ hối thúc, qua đi, ngoảnh lại đã 30 năm nhưng kỷ niệm sâu sắc có lẽ là khi hợp long cây cầu cả Cốc Lếu. Bởi đó là thời khắc thiêng liêng của những người thợ làm cầu, sau nhiều công đoạn từ trình duyệt dự án về thiết kế cầu, phương án tối ưu cả về kỹ thuật lẫn yếu tố lịch sử cây cầu. Ba thập niên sau ngày tái lập tỉnh, những người xây cầu Lào Cai đã thi công thêm 9 cây cầu bắc qua sông Hồng: Cầu Cốc Lếu, cầu Kim Thành, cầu Phố Mới, cầu Giang Đông, cầu Làng Giàng, cầu Lu 1, cầu Lu 2, cầu Bảo Hà và cầu An Lạc vừa khởi công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào. Hy vọng có thêm cây cầu thứ 10 bắc qua sông Hồng phía cuối thành phố, nối Thái Bo (xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) với ga Thái Niên, để thành phố rộng đường phát triển.

Cầu Cốc Lếu qua 4 lần xây dựng, vẫn trên vị trí cách đây 120 năm, nối hai bờ sông Hồng. Hôm nay, trung tâm tỉnh lỵ đã dời về Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, cây cầu Cốc Lếu vẫn mang trong mình trọng trách lớn, mang tầm vóc mới trong phát triển dịch vụ, du lịch thành phố vùng biên.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352386-cay-cau-ca--chung-nhan-lich-su