Cây cầu xóa cảnh đò ngang

Sau hàng chục năm cách trở, chịu cảnh lụy đò, nay cây cầu sông Tang (xã Sơn Bao, Sơn Hà) được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã xóa cảnh đò giang, khơi thông cửa ngõ giao thương và mang lại giấc mơ có thật cho người dân phía bên kia bờ sông bao năm ngóng đợi.

Không còn kéo bè, bơi ghe

Những năm trước, mỗi khi vào mùa mưa bão hàng nghìn người dân thôn Nước Bao, Mang Nà, Nước Rinh, Nước Tang (xã Sơn Bao) bị cách trở với bên ngoài do nước sông Tang dâng cao. Để qua sông, người dân phải đi lại trên những chiếc ghe tròng trành hoặc “cưỡi” bè qua sông với bao hiểm họa rình rập. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là hàng trăm học sinh phải đi đò hằng ngày qua sông. Thế nhưng, nay hình ảnh trên đã không còn, bởi cầu sông Tang vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Cầu sông Tang hoàn thành đã xóa bỏ cảnh đò ngang cho hàng nghìn người dân phía bên kia bờ sông.

Từng kéo bè đưa người dân qua lại trên sông và cũng là kế sinh nhai nuôi sống gia đình, từ ngày cầu sông Tang được đưa vào sử dụng, anh Đinh Văn Bỉ trở thành “người thất nghiệp”, thế nhưng anh Bỉ bảo thất nghiệp... mà vui. Bởi từ đây anh không còn phải hốt hoảng mỗi khi bè va phải gỗ, đá trên sông, khiến chiếc bè chao đảo. "Ngày trước nước sông dù cạn hay dâng cao thì cũng phải đi đò, đi bè. Ám ảnh nhất là những lần nửa đêm đưa người bị bệnh lên trạm y tế. Người bệnh nằm co ro, còn mình thì căng người kéo bè giữa màn đêm đen kịt. Nay không còn phải lo lắng nữa, cây cầu đã "mở cửa" mang lại niềm vui rất lớn cho bà con chúng tôi", anh Bỉ tâm sự.

Cầu sông Tang có tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, được khởi công xây dựng vào đầu năm 2015. Theo dự kiến hoàn thành cuối năm 2015, tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên đến tháng 10.2016 công trình mới chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Mở đường phát triển

Cầu sông Tang hoàn thành đưa vào sử dụng còn là “đòn bẩy” để mở cửa giao thương phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Ông Đinh Văn Lang, một hộ dân thôn Nước Rinh bảo ngày trước trồng được củ mì, cây keo lên xanh tốt bà con ai cũng mừng nhưng đến tuổi thu hoạch lại lo lắng bởi đường đi lại quá cách trở, nên muốn bán cũng khó.

“Phí vận chuyển quá cao, nên ít người muốn mua hàng, còn muốn bán được giá thì bà con chúng tôi phải gùi từng bao củ, từng buồng chuối hoặc xuôi keo qua sông thì mới có thêm tiền. Nay có cầu, xe tải vào tận rẫy keo, thương lái chạy xe máy vào tận nhà để thu mua mà giá lại ngang với bên kia bờ sông. Vừa rồi tôi bán rẫy mì hơn 1ha được gần 20 triệu đồng mà không phải cõng qua sông như mấy năm trước. Có cầu sướng lắm, bà con chúng tôi ai cũng vui”, ông Lang phấn khởi bảo.

Theo ông Đinh Văn Phèn - Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, do chia cắt của sông Tang và sông Rinh, nên đời sống của gần 2.500 người dân phía bên kia bờ sông rất khó khăn. “Cầu sông Tang hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ xóa cảnh đò giang, khơi thông phát triển kinh tế - xã hội của các thôn phía bên kia sông Tang, sông Rinh mà còn mang giấc mơ về một cây cầu đã trở thành hiện thực. Tôi tin, cầu sông Tang sẽ là “bàn đạp” xóa nghèo, mang lại cuộc sống mới cho người dân phía bên kia bờ sông”, ông Phèn nói.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201701/cay-cau-xoa-canh-do-ngang-2772458/