'Cây đại thụ' ở ngã ba biên giới A Pa Chải

Tiết trời vào những ngày đầu Xuân năm mới đang tràn đầy sức sống. Những người lính Đồn Biên phòng A Pa Chải, BĐBP Điện Biên thực hiện chuyến tuần tra đầu năm, với sự góp mặt của ông Lỳ Xuyến Phù, dân tộc Hà Nhì - người được ví như 'cây đại thụ' ở vùng ngã ba biên giới.

Ông Lỳ Xuyến Phù (thứ 2 từ trái sang) vận động người dân bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tích cực tham gia phong trào giữ gìn đường biên, cột mốc trên biên giới. Ảnh: Lê Lan

Ông Lỳ Xuyến Phù (thứ 2 từ trái sang) vận động người dân bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tích cực tham gia phong trào giữ gìn đường biên, cột mốc trên biên giới. Ảnh: Lê Lan

Nhà có 3 thế hệ đảng viên

Trung úy Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Pa Chải đưa chúng tôi đến nhà ông Lỳ Xuyến Phù. Đường xuống nhà ông - bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cách đồn Biên phòng khoảng 3 cây số. Ông niềm nở đón chúng tôi vào nhà chơi với câu nói rất đỗi mộc mạc: “Chỉ cần thấp thoáng bộ quân phục màu xanh từ xa là tôi biết ngay các chú biên phòng đến thăm”.

Trước mặt tôi là người đàn ông năm nay gần 70 tuổi có nước da ngăm đen, dáng người quắc thước, khỏe khoắn, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, phong cách nói chuyện dễ gần. Cách nói chuyện của ông thân tình, gần gũi khiến tôi cảm giác những người lính Biên phòng ở đây đều là người thân của ông. Sau một hồi thăm hỏi về sức khỏe, câu chuyện của ông Phù với chúng tôi xoay quanh chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới. Rồi ông kể về chuyện đã gắn kết ông với BĐBP.

Nhấp chén chè nóng, ông Phù trầm ngâm nhớ lại ký ức rồi chậm rãi kể: Cha tôi là Lỳ Nhù Xá, đảng viên đầu tiên của xã Sín Thầu. Từ những năm 60 của thế kỉ trước, tôi còn nhỏ đã theo cha mang muối, gạo nuôi bộ đội để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nơi đây. Những năm trước, ở đây bọn phản động đòi xưng vương, nổi phỉ rất nhiều, tình hình an ninh, trật tự rất phức tạp. Cha tôi kể lại, hồi đó, cha được kết nạp Đảng với Anh hùng Trần Văn Thọ. Buổi lễ kết nạp được tổ chức trong một cánh rừng tại xã Sín Thầu. Tiếp nối ý nguyện của cha, tôi chọn gắn bó với BĐBP trọn cả cuộc đời này”.

Năm 1979, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, ông Phù là Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Sín Thầu, phối hợp với 2 tổ công tác của Đồn 5 Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên) tổ chức phòng ngự và đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân xâm lược ra khỏi biên giới, bảo vệ nhân dân. Trận đánh ấy, 16 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và 2 chiến sĩ dân quân đã anh dũng hy sinh.

Chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục cùng BĐBP tổ chức đẩy đuổi, vận động, tuyên truyền, cảm hóa những toán phỉ hoạt động chống phá chính quyền quay trở lại làm ăn sinh sống lương thiện. Từ đó, ông có 15 năm làm Trung đội trưởng dân quân, sau đó, làm Chủ tịch xã, Bí thư xã, miệt mài gắn bó với BĐBP cho tới tận lúc nghỉ hưu. Năm 2013, ông Lỳ Xuyến Phù được bà con dân bản tin tưởng bầu làm người có uy tín của bản A Pa Chải - 1 trong 7 bản thuộc xã Sín Thầu.

Nhớ lại quãng thời gian công tác đã qua, ông Phù bồi hồi, khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, chính quyền xã Sín Thầu bước vào công cuộc lãnh đạo nhân dân khôi phục cuộc sống, phát triển kinh tế, với sự giúp sức của BĐBP. Thời đó, do tập tục để lại nên khu vực ngã ba biên giới rất nhiều người nghiện thuốc phiện. Ông kể: “Lúc tôi làm Chủ tịch xã, cả xã có gần 100 nóc nhà mà có tới 102 người nghiện. Tôi tự thấy bản thân mình đã không hoàn thành trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân nên trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định tập trung những người nghiện lại, rồi phân ra làm 3 loại. Loại nặng, tôi đưa lên tổ công tác Biên phòng Tả Ló San cai nghiện; loại thứ 2, tôi đưa xuống trung tâm xã cai; loại thứ 3 nhẹ hơn, tôi cho gia đình viết giấy cam kết cai bắt buộc tại nhà. Chỉ sau nửa năm, số người nghiện thuốc phiện không còn nữa”. Kể xong, ông cười rồi vỗ tay lên ngực, tự hào: “Xã Sín Thầu không còn một ai nghiện nữa cho đến bây giờ”.

Tiếp mạch câu chuyện, ông Phù tâm sự: “Bây giờ, cuộc sống của người dân xã Sín Thầu đã khá hơn nhiều rồi. Tôi có 7 người con, con gái làm cán bộ xã, con trai người làm công an, người làm bộ đội, con dâu, con rể cũng đều là cán bộ hết”. Nói rồi, ông chỉ tay vào cậu con trai út giới thiệu: “Nó là Lỳ Lòng Xè, đang học năm cuối của Học viện Biên phòng, cũng sắp ra trường rồi, nay được về nhà ăn Tết”. Ông Phù khẳng định một cách đầy tự hào: “Nhà tôi có 3 thế hệ đều là đảng viên đấy”...

Suốt đời gắn bó với BĐBP

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi sự xuất hiện của bà Phờ Nhù Xé, vợ ông Phù, một người phụ nữ cả một đời tần tảo sớm hôm nuôi nấng 7 đứa con nên người, để ông Phù có thể yên tâm lo việc làng, việc xã. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà tủm tỉm cười, bảo: “Cái ông Phù việc nhà thì nhác, việc nước thì siêng, bao nhiêu năm trời chỉ nắm cơm nhà đi làm việc của bộ đội”. Nói xong, cả hai ông bà cùng cười. Hình ảnh ấy khiến cho chúng tôi thật cảm phục người phụ nữ Hà Nhì chăm chỉ, quanh năm tần tảo nuôi chồng, nuôi con và luôn nhận phiền thiệt thòi về mình.

Thiếu tá Trần Bá Liêm, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Đồn Biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hai tuyến biên giới dài 37,5km. Trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đặc biệt, nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Ông Lỳ Xuyến Phù là một trong những người tích cực nhất trong việc tham gia cùng BĐBP bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn coi ông Phù như người trong gia đình.

Chúng tôi chia tay A Pa Chải khi sắc trời mùa Xuân đang rạo rực lan tỏa khắp thôn bản biên giới. Tôi càng thêm cảm phục và trân trọng những đóng góp của “cây đại thụ” ở ngã ba biên giới với 38 năm tuổi Đảng và cả đời gắn bó với BĐBP, với biên cương đất nước. Chúng tôi tự hào với niềm tự hào của ông khi mang trong mình tình yêu Tổ quốc lớn lao, dành cả cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho quê hương, cho biên giới ngày càng phát triển vững bền.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-dai-thu-o-nga-ba-bien-gioi-a-pa-chai-post437273.html