Cây kim bị

Cây kim bị hay là cây kim găm bị cũng là tên gọi chung của một vật bằng kim loại màu trắng dùng để găm túi áo của các mẹ chị, giữ cho tiền bạc khỏi rơi mất. Nó là vật không thuộc vào loại quý giá gì, nhưng không thể thiếu đối với người phụ nữ ở miền quê ngày xưa.

Hồi đó, cây kim bị được các chợ quán treo bán nhan nhản từ phố đến quê. Là loại hàng hóa tiêu thụ mạnh nhất, dẫu rẻ tiền nhất so với các loại hàng hóa khác. Ở vùng nông thôn, ngoài các quán ở đầu làng, cuối xóm treo bán kim bị, còn có những cái rổ hàng chuyên bán tim đèn, đá lửa, kim bị... của những bà cụ ngồi tạm bợ ở các góc đường vào những lúc chiều về. Các cụ bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu, thi thoảng có tiếng gọi đột ngột của các mẹ chị: “Cô bán cho cháu cây kim bị!” hoặc “khách hàng nhí” thỏ thẻ: “Bà ơi! Bán cho con cái tim đèn và vài viên đá lửa!”. Đó là những cô cậu bé 5-6 tuổi, được cha mẹ, anh chị sai vặt và hứa sẽ cho cái bánh bò, củ khoai luộc, trái chuối chín... làm động lực thúc đẩy đôi chân bước nhanh như gió.

Ngày xưa, phụ nữ ở vùng nông thôn quê tôi thường mặc áo bà ba duyên dáng. Áo bà ba không thể thiếu hai cái túi áo nằm kề bên hông. Cây kim bị là cái chìa khóa an toàn để các mẹ chị găm túi áo giữ tiền bạc và những vật dụng thông thường. Có những bà cụ còn cẩn thận bỏ tiền vào túi của chiếc áo mặc trong cùng, bên trong túi áo còn có một cái túi vải cũng găm bằng cây kim bị cho chắc ăn. Con cháu muốn lấy trộm tiền của bà, của mẹ còn khó hơn người ta cạy két sắt bây giờ, vì túi tiền găm kim bị luôn bỏ vào túi áo mặc trong cùng của các mẹ chị. Khi thay áo đi tắm rửa, các mẹ chị luôn vắt áo một nơi kín đáo rồi mặc vào ngay. Nhiều năm sau, tôi tự vấn: Cái cách tự bảo vệ tài sản của mẹ, của bà mình ngày xưa sao mà chắc chắn thế?

Những cây kim bị của mẹ tôi, chị tôi lúc phơi áo vẫn còn găm cẩn thận ở hai túi áo, có những khi còn găm ở trên màn che phòng ngủ, bỏ trong rổ may, hoặc xâu thành chuỗi giống như sợi dây xích trông đẹp mắt. Cha tôi thi thoảng cũng dùng kim bị găm chiếc ví đựng giấy tờ mỗi lần có việc đi xa, hoặc dùng kim bị để lể những cây gai tre, gai bàn chải đâm dính sâu vào bàn chân, vì dân quê ngày xưa ai cũng đi chân đất. Có những bàn chân quê, chân đất đi nhiều năm tháng da bàn chân dày cộm như đôi dép da. Chỉ có kim găm bị mới lể hết lớp da “bề dày năm tháng đời người” để lấy những cây gai đó ra.

Giờ đây, không còn mấy người dùng kim bị để găm túi áo, trừ một số ít người già. Trai gái hôm nay bỏ tiền, giấy tờ vào ví, nhét sâu vào túi quần, túi áo có dây kéo kéo lại chặt cứng. Có những cô gái đỏng đảnh dùng chiếc xắc xinh xinh bỏ giấy tờ, tiền bạc vào đó mang trên vai cho ra người đi du lịch.

Bây giờ, mỗi khi ra đường, người ta mang giày dép loại xịn, còn lâu mới bị gai đâm. Hơn thế nữa, những con đường nông thôn giờ đã bê tông hóa, không còn chỗ cho gai hại người. Những vồng gai bàn chải ngày xưa mọc đầy ở xóm làng, nay đã biến đi mất, vì nhà nông không còn dùng hàng rào gai để phân chia ranh giới giữa nhà này với nhà kia, do vậy chẳng còn ai phải ngồi tỉ mẩn dùng kim bị để lể gai.

Thế là những cây kim bị còn xuất hiện rất ít ở những quầy hàng tạp hóa của các chợ quán. Câu chuyện của mẹ kể ngày xưa: Họ trai chơi khăm họ gái trong tiệc cưới, len lén dùng kim bị găm các tà áo dài lại với nhau để khi dùng xong bữa tiệc họ gái đứng lên dính chùm nhũng nhẵng chỉ còn trong ký ức tôi khó phai mờ.

TRẦN QUỐC CƯỠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/235052/cay-kim-bi.html