CFO Huawei bị bắt, căng thẳng Mỹ - Trung khó xoa dịu
Cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi đến kết luận sẽ đình chiến trong khoảng thời gian 90 ngày tại Argentina, thì cách đó khoảng 7.000 dặm, chính quyền Canada đã tiến hành một vụ bắt giữ với khả năng khiến các xung đột Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn nữa.
Dưới sự thuyết phục của giới chức Mỹ, phía Canada đã bắt giữ bà Meng Wanzhou, Phó chủ tịch, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei Technologies Co vì các cáo buộc liên quan tới gian lận, có quan hệ thương mại với Iran, chống lại các lệnh cấm vận của Mỹ với quốc gia dầu mỏ này.
Không có gì nói quá khi khẳng định rằng, việc bắt giữ vị CFO này là lời tuyên chiến với Bắc Kinh: Bà Meng là con gái của người sáng lập Huawei và được dự báo sẽ trở thành người kế nhiệm tại tập đoàn kinh tế tư nhân lớn bậc nhất Trung Quốc, có độ phủ sóng rộng nhất trên toàn cầu. Bên cạnh đó, bà Meng luôn được xem là gương mặt tiên phong trong chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ và mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc tại thị trường quốc tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ vẫn thường yêu cầu các đồng minh trợ giúp trong việc bắt giữ các tay buôn ma túy, vũ khí hoặc tội phạm khác, nhưng việc bắt giữ một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc là cực kỳ hiếm có, nếu không nói là chưa từng có tiền lệ. Đây là lý do các thị trường chứng khoán lập tức lao dốc khi bà Meng bị bắt giữ theo yêu cầu của chính quyền Mỹ.
Ngay sau khi thông tin về vụ bắt giữ được đưa ra, chính quyền Trung Quốc yêu cầu cả 2 quốc gia Mỹ và Canada nhanh chóng thả tự do cho bà Meng và coi đây là hành động bôi nhọ danh dự. Với diễn biến này, các thành viên thị trường không khỏi lo ngại, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung còn chưa kịp bắt đầu đã có nguy cơ “lụi tàn”.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, chính quyền Mỹ đã nỗ lực kiềm chế sức mạnh và sự bành trướng của Huawei tại thị trường Mỹ cũng như trên toàn cầu. Theo đó, Huawei đã vượt qua Apple Inc về số lượng smartphone được bán ra và chuẩn bị vượt qua Samsung Electronics Co với doanh thu mục tiêu ở mức kỷ lục 102,2 tỷ USD trong năm nay – nhiều hơn cả doanh thu của Boeing Co. Bên cạnh đó, Huawei đang là doanh nghiệp dẫn đầu với các thiết bị mạng không dây và có ý định mua lại Qualcomm, công ty công nghệ, nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ.
Lấy lý do lo ngại về an ninh, bảo mật, chính quyền Mỹ không sử dụng các thiết bị của hãng này phục vụ hoạt động công, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cũng hạn chế liên doanh với Huawei.
“Điều khiến Huawei trở nên quan trọng là việc nó đang trở thành người dẫn đầu trong phát triển công nghệ, khiến Trung Quốc trở nên ít phụ thuộc hơn vào các nhà cung cấp tại Mỹ và châu Âu”, Graham Webster, giám đốc DigiChina tại Trung tâm New America nhận định.
Trong khi đó, Dennis Wilder, cựu nhân viên CIA, giám đốc cấp cao khu vực châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng: “Hành động này rõ ràng làm phức tạp hơn các cuộc đàm phán thương mại và tôi cho rằng, nó là tín hiệu cho một cuộc chơi mới, được thực hiện để gia tăng áp lực lên các thảo luận trong 90 ngày tới”.