Cha, con và tâm sự người thẩm phán

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Bởi vì, chỉ lát nữa thôi, con trai sẽ đến cơ quan, một tòa án cấp huyện để nhận quyết định bổ nhiệm thẩm phán, còn cha, cha sẽ đến chỗ làm quen thuộc, một tòa án cấp tỉnh nơi cha đã từng gắn bó hầu như cả cuộc đời mình, để nhận quyết định… nghỉ hưu!

Hôm nay là một ngày đặc biệt.

Bởi vì, chỉ lát nữa thôi, con trai sẽ đến cơ quan, một tòa án cấp huyện để nhận quyết định bổ nhiệm thẩm phán, còn cha, cha sẽ đến chỗ làm quen thuộc, một tòa án cấp tỉnh nơi cha đã từng gắn bó hầu như cả cuộc đời mình, để nhận quyết định… nghỉ hưu!

Cuộc đời có những vòng quay thật kỳ lạ và lý thú. Ba mươi năm trước cha trở thành thẩm phán, cũng thời điểm đó, cậu con trai bé bỏng của cha chào đời, bắt đầu cất những tiếng khóc đầu tiên trong dãy nhà tập thể của tòa án. Căn phòng tập thể ấy nằm chếch bên hông phòng xử án, nơi cha vẫn hằng ngày ôm hồ sơ lên ngồi ở chiếc bàn gỗ cũ kỹ, vuông góc với vành móng ngựa, mỗi khi có một phiên tòa được mở, với chức vị của một thư ký.

Ba mươi năm sau, đến lượt con trở thành một “Bao Công” của thời đại mới, rồi đây hằng ngày con sẽ “thăng đường” xét xử, thực thi công lý, phụng sự lẽ phải, bảo đảm sự công bằng của pháp luật, hiện thực hóa những hoài bão mà con từng ấp ủ trong trường Luật ngày nào. Ba mươi năm ấy cha cũng vừa đi hết một quãng nghề thẩm phán, chính thức giã biệt vị trí của một quan tòa để đến với quyết định nghỉ hưu vào ngày hôm nay. Cha sẽ trở lại làm dân thường, và cha thấy vui vì ngay lập tức con đã thay cha, bước lên công đường, nhận lãnh vị trí quan tòa tiếp tục cái nghề cao quý với tám chữ nằm lòng: Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư!

Hôm qua cha đưa con về quê để “bái tông đường trước ngày nhận áo mũ Vua ban” theo cách mà các cụ xưa nay vẫn hay quan niệm. Con cười một cách bẽn lẽn có phần ngại ngùng nhưng nhìn ánh mắt con, cha biết là con cũng không che giấu được niềm tự hào. Thẩm phán ngày nay mặc comple, không mặc quan phục như các triều đại phong kiến, như vậy áo mũ không phải là điều quan trọng nhưng để có thể ngồi dưới quốc huy mà tuyên một ai đó có tội hay vô tội thì chức vị đó phải do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vậy thì khác gì áo mũ Vua ban. Vậy thì khác gì một niềm vinh dự lớn. Phụng sự nước nhà, giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật, vì lẽ phải mà hành xử, loại bỏ cái riêng tư trong công việc, há chẳng phải là một điều rất nên phủ phục trước tông đường mà bá cáo trước tiền nhân hay sao?

Trên xe con hỏi cha, trong suốt những năm làm thẩm phán, cha nhớ nhất vụ án nào, có thể coi là kinh nghiệm truyền đời cho con được không? Cha định kể cho con nghe vụ án đầu tiên mà cha ngồi ghế chủ tọa Hội đồng xét xử. Nhưng rồi cha lại nghĩ đến vụ án khủng khiếp nhất trong cuộc đời xử án của mình bởi bị cáo là một tên giết người hàng loạt. Rồi cha lại nghĩ đến nữ bị cáo đầu tiên trong đời quan tòa mà cha đã phải rất khó khăn khi tuyên bản án tử hình...

Rồi cha đã im lặng. Không phải vì không có vụ án nào đáng nhắc lại như một kinh nghiệm truyền đời mà vì với cha, vụ án nào cũng là những kỷ niệm khó phai, vụ án nào cũng khiến cha thao thức mất ngủ, vụ án nào cũng để lại trong lòng vị quan tòa là cha những nghĩ suy lặng thầm, vụ án nào cũng để lại những dư âm nặng nề, đắng cay và đau xót bởi cái ác diệt mãi không hết, bởi lẽ phải luôn được bênh vực trong muộn mằn, bởi sự công bằng luôn luôn là tương đối và kinh nghiệm không bao giờ là thứ có thể truyền thụ từ vị quan tòa này sang vị quan tòa khác nếu tám chữ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” không cùng một ý hiểu!

Sau buổi cỗ với các cụ cao niên trong họ, cha và con đi dạo ra phía bờ đê cuối làng. Cha đã dừng chân khá lâu trước một bờ rào râm bụt, phân vân nửa muốn bước vào cánh cổng gỗ sát bụi tre ngà, nửa lại e dè bước đi về phía dòng sông loang gió, thổi bạt những ký ức một thời trai trẻ. Thấy cha cứ nhìn mãi cánh cổng gỗ nơi bụi tre ngà, con đã dừng lại và hỏi: “Đây là nhà ai hả cha?”. Cha vội bước đi và trả lời trong gió thoảng: “À, nhà một người bạn thủa thiếu thời của cha”. Con đã nhìn xoáy vào mắt cha và nói: “Cha có muốn vào thăm không?”. Cha bước thẳng về phía con đê làng, đáp vội: “Người bạn ấy đã đi xa rồi, chẳng có ở nhà đâu mà vào thăm. Thôi mình đi”.

Cha dắt con ra ngồi bên bờ đê lộng gió, nhìn dòng nước chảy xuôi mà lòng cha dâng lên bao tâm trạng. Con ngồi cạnh cha, vừa muốn hỏi chuyện lại vừa ngại ngùng khó mở lời, thỉnh thoảng nhặt hòn đá ném thia lia trên mặt nước. Rồi con rút điện thoại ra nghe. Con ý nhị bước ra xa chỗ cha ngồi, nét mặt có vẻ rất vui vẻ khi nhận cuộc gọi từ đâu đó. Cha đoán đó là bạn gái con. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay con sẽ lấy vợ. Con đã đưa cô bạn gái ấy về ra mắt cha mẹ rồi. Thực lòng cha cũng mong con có gia đình vì tuổi ấy cần phải yên bề gia thất.

Nghe điện thoại xong, con lại đến ngồi bên cha. Người cha nào cũng mong có con trai nhưng khi con trai lớn lên thì hai người đàn ông trong gia đình lại khó nói chuyện với nhau, khó chia sẻ những suy nghĩ của mình. Lần về quê này, con đi theo cha cũng là cho phải đạo chứ chắc con đang nóng lòng về bên người con yêu hơn là ngồi bên cha nhìn dòng nước chảy trước mặt với mông lung những ký ức của người cha già. Nhưng cha chưa muốn rời khỏi khúc đê này. Hay là con con trai cứ về trước? Cha muốn ở lại quê mình một đêm, sáng sớm mai nhờ chú út chở xe máy đưa cha về sau? Cha ngỏ ý ấy với con, nhưng con bảo, con cũng muốn ở lại quê cùng cha. Nếu cha muốn con sẽ thức cùng cha hết đêm nay, miễn sao, 8 giờ sáng mai, cả hai cha con mình đều có mặt ở cơ quan là được, chỉ có một thôi đường, đâu có xa xôi gì, ô tô chạy một lúc là đến nơi thôi mà.

“Cái nhà có dậu râm bụt ấy có phải nhà cô Lan không hả cha?”, thấy cha im lặng khá lâu, lặng ngắm dòng nước chảy dưới chân đê, con bỗng hỏi cha câu đó. Cha ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con biết cô Lan?”. Con tủm tỉm cười: “Con nghe mẹ kể rồi. Mẹ còn bảo, đáng lẽ cha lấy cô Lan thì con đã không có cơ hội ra đời”.

Đúng là cha đã không hiểu con. Cha cứ tưởng ký ức của cha chỉ cha mới có thể lặn ngụp trong đó, ai dè con cũng có thể thẩm thấu và cảm nhận được bởi vì con là con trai của cha. Đúng là nếu không có “sự biến” xảy ra hơn 30 năm trước thì cha đã lấy cô Lan chứ không nên duyên cùng mẹ con như bây giờ. “Mẹ bảo cha và cô Lan chơi với nhau từ nhỏ, sau này lớn lên từng yêu nhau, đã chuẩn bị cưới, nhưng rồi lại không thành. Con hỏi vì sao, mẹ không nói, chỉ bảo là tại duyên số đến đấy là hết. Sao cha không vào thăm nhà cô ấy?”

Sao cha không vào thăm nhà cô ấy ư? Đúng là cha và cô ấy đã từng là bạn của nhau từ thủa thiếu thời. Thủa ấy ngôi làng sát chân đê này chỉ có ba người học tới cấp ba trường huyện. Đó là cha, cô Lan và chú Thắng. Có thể nói rằng đó là một bộ ba thân thiết hơn cả anh em ruột thịt trong nhà. Rồi cha và cô Lan yêu nhau. Học hết cấp ba cha vào trường Pháp lý, chú Thắng và cô Lan vào trường Lao động - Tiền lương. Cha và cô Lan hẹn nhau ra trường, khi công việc ổn định, sẽ tổ chức đám cưới. Trước ngày ra trường, ông nội đã mang đồ sính lễ sang nhà cô Lan, chính thức làm đám hỏi cho cha. Cũng trước ngày ra trường, lớp học của cô Lan có ba tháng đi thực tập ở một huyện miền núi. Sau đợt thực tập ấy, cô Lan viết thư cho cha, đột ngột nói lời chia tay mà không hề có lý do cụ thể nào ngoài một dòng ngắn ngủi: “Không còn xứng đáng với anh nữa”.

Cha muốn gặp cô ấy để hỏi cho ra nhẽ nhưng cô ấy nhất quyết không chịu gặp cha. Ở quê gia đình cô ấy cũng mang đồ sính lễ trả lại cho hai cụ thân sinh ra cha. Giữa lúc cha đang đau khổ vì thất tình, vì bị phụ bạc, vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương thì chú Thắng đến trường gặp cha. Chú quỳ xuống xin lỗi cha. Chú thú nhận rằng chú đem lòng yêu cô Lan từ lâu, trong đợt thực tập vừa rồi chú đã không kiềm chế được mình, đã lợi dụng tình cảm bạn bè rồi chiếm đoạt sự trong trắng của cô ấy vào một đêm mưa gió bão bùng, trong khu nhà tập thể heo hút của xí nghiệp chè nơi vùng trung du xa xôi, hẻo lánh. Vậy là cô Lan một mực đòi chia tay cha chỉ vì đã… thất tiết trước người bạn trai đốn mạt là chú Thắng. Cha đã lao vào chú Thắng, đã muốn giết chết con người ấy. Nhưng trước sự tức giận và những nắm đấm của cha, chú Thắng chỉ yên lặng đón nhận đòn thù, như thể chú cũng muốn chết ngay trước mặt cha để trả giá cho những lỗi lầm của mình. Cuối cùng cha đã nói với chú ấy rằng: “Hãy biến khỏi ánh mắt tôi, từ nay đừng bao giờ để tôi nhìn thấy cái mặt của anh nữa”.

Mấy tháng sau cha tốt nghiệp ra trường, về nhận công tác ở Tòa án tỉnh. Cha những tưởng chú Thắng và cô Lan sẽ cưới nhau nhưng khi về quê cha mới hay tin cô Lan đã xin được một suất đi lao động ở Liên Xô, còn chú Thắng thì về nhận việc ở Sở Lao động. Từ bấy đến nay cha không biết tin tức gì của cô Lan, chỉ nghe người nhà nói loáng thoáng rằng cô đã lấy chồng và có cuộc sống ổn định ở nước ngoài, kể cả sau này, khi Liên Xô sụp đổ, cô cũng ở lại bên đó, không về nước nữa. Chú Thắng cũng đã lấy vợ. Tuy cùng sống trong một tỉnh nhưng cha không bao giờ gặp lại con người ấy. Thời gian trôi đi, mọi thứ rồi cũng nguôi ngoai, cho đến một hôm, cha gặp lại chú Thắng. Cuộc gặp diễn ra trong một tình huống khó xử. Có thể nói đó là tình huống khó xử nhất trong cuộc đời làm án của cha…“Chú Thắng phạm tội nên bị truy tố ra tòa à?”, con trai nghe đến đây, bất chợt hỏi xen ngang. Cha móc bao thuốc Thăng Long, rút một điếu ra châm hút. Khói thuốc loang loáng trước mặt làm cha thấy dòng sông phía trước như mờ nhòe đi.

Đúng là chú Thắng đến gặp cha vì có liên quan đến một vụ án. Vụ án khá đặc biệt, đã xét xử qua cấp sơ thẩm, nhưng bị cáo chống án nên được đưa lên xử phúc thẩm. Theo bản án sơ thẩm thì bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích nhưng đọc kỹ vào nội dung thì thấy có những tình tiết phức tạp. Đại thể là có một cậu sinh viên sống trong khu tập thể của Sở Lao động, nhà cậu ở tầng bốn, dưới tầng ba có một cô gái bán hàng nước cùng mẹ, học hết cấp hai, khá xinh xắn. Cậu sinh viên này mỗi khi gặp cô gái thường đùa nghịch, trêu ghẹo.

Buổi tối hôm ấy, khoảng 10 giờ tối, cô gái thu dọn quán hàng xong thì trở về nhà. Cô ta bước chân lên đến tầng 2 của khu tập thể thì gặp cậu sinh viên kia đi chơi về. Cậu sinh viên này đã có hành động trêu ghẹo, quấy rối tình dục khiến cô gái lùi xuống cầu thang và trượt chân ngã. Tất nhiên cậu sinh viên đã cùng người nhà cô gái đưa cô ta vào bệnh viện. Nhưng hôm sau thì gia đình cô gái đâm đơn kiện. Công an vào cuộc. Trung tâm Pháp y được trưng dụng và kết luận pháp y cho rằng, cú ngã của cô gái đã khiến cô bị chấn thương sọ não dẫn đến tổn hại 50% sức khỏe tạm thời. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt cậu sinh viên kia 12 tháng tù giam và yêu cầu bồi thường dân sự 60 triệu đồng. Án tuyên chưa được một tháng thì chú Thắng bất ngờ đến tòa án gặp cha.

“Có liên quan gì đến chú Thắng sao?”, con lại ngắt lời cha. Có vẻ câu chuyện giữa cha và chú Thắng cuốn hút con thực sự. Cũng có thể con đang nghĩ những gì cha kể sẽ mang lại cho con kinh nghiệm truyền đời. Thực ra vụ án không liên quan đến chú Thắng, chỉ có điều cậu sinh viên kia, bị cáo oan khuất kia chính là… con trai út của chú ấy. Con có biết cảm giác đầu tiên của cha khi biết điều này là gì không? Đây có thể là một loại án chuyển hóa từ “Hiếp dâm” sang “Cố ý gây thương tích”. Cái hành động gọi là “quấy rối tình dục” của cậu sinh viên kia làm cha liên tưởng đến cái hành vi bỉ ổi của chú Thắng với cô Lan tại nông trường chè heo hút hơn 30 năm trước. Đúng là cha nào con ấy. Nỗi hận của cha dù sao vẫn còn đó, và ông trời đã cố ý trao vào tay cha vụ án này để cha có thể làm một điều gì đó trả mối hận năm xưa.

Cha đã có thể không nhận vụ án này vì cha đang chuẩn bị nghỉ hưu. Nhưng cha muốn xem qua cái nội dung vụ án nó như thế nào mà chú Thắng lại một mực kêu oan cho con trai như thế? Bản chất của con người chú Thắng là dám làm dám chịu. Mấy chục năm về trước chú ấy đã đến gặp cha chấp nhận sự trừng phạt thì con trai chú ấy cũng sẽ không kêu oan nếu thực sự nó là kẻ gây ra tội lỗi.

Việc đầu tiên là cha đọc lại lá đơn khởi kiện của gia đình bị hại. Cha thấy họ yêu cầu bồi thường tới hơn hai trăm triệu đồng, kèm theo đó là rất nhiều chứng từ khám chữa bệnh cùng các loại đơn mua thuốc đắt tiền. Tuy nhiên, phần kết luận của hồ sơ bệnh án lại không thấy đâu, chỉ thấy mỗi kết luận của Trung tâm pháp y. Việc thứ hai là tại sao sống giữa trung tâm đô thị mà cô bé lại chỉ học hết cấp 2, nhân thân của cô ấy như thế nào, có liên quan gì đến việc gia đình cô quyết liệt khởi kiện và đòi bồi thường cao đến vậy không?

Đọc bản cung thì thấy mức độ va chạm từ cậu sinh viên kia vào người cô gái mỗi lúc một tăng lên. Lần khai đầu bị cáo nhận là có đập hai tay vào vai cô gái từ phía sau và miệng “ú, òa…” để trêu cô như vẫn thường trêu khi gặp nhau ở cầu thang. Đến bản cung cuối thì cậu ta lại nhận là ôm cô gái từ phía sau, hai tay lần bóp ngực, miệng ghé vào mang tai để hôn, hai chân quặp lấy đùi bị hại... Với một người làm án lâu năm như cha, cha hiểu rằng rất có thể đây là dấu hiệu của việc dùng nhục hình để bức cung. Thường thì khi bị bức cung, bị cáo đành nhận tội cho xong và mức độ khai báo cứ “thành khẩn” dần lên theo hướng mà cơ quan điều tra muốn buộc tội.

Không khó khăn gì để xác định lại tất cả những điều còn nghi vấn. Cha đã cử cán bộ nghiệp vụ của Tòa xác minh lại những góc khuất của hồ sơ vụ án. Và phiên phúc thẩm được mở lại ngay sau đó. Cha quyết định nhận tham gia Hội đồng xét xử, cùng hai thẩm phán khác. Tại phiên phúc thẩm, một số chứng cứ mới được đưa ra, trong đó có kết luận trích từ bệnh án của bệnh viện nơi bị hại được đưa đến cứu chữa. Kết luận này xác nhận người bị hại đột quỵ do bệnh lý chứ không liên quan đến sự tác động của ngoại vật. Tại Tòa, các bác sĩ của Bệnh viện tâm thần cũng được triệu tập đến và họ đã xác nhận rằng cô gái có tiền sử mắc bệnh động kinh, vì mắc căn bệnh này nên cô có nước da xanh xao, yếu ớt và ngại tiếp xúc với đám đông, gia đình phải cho cô nghỉ học từ lớp 7. Như vậy cơ quan điều tra đã chủ quan khi cho rằng chỉ có kết luận của giám định pháp y mới là chứng cứ, còn kết luận của bệnh viện không phải là chứng cứ. Đây là cách hiểu sai bởi cả hai đều là chứng cứ, tuy nhiên mỗi chứng cứ có giá trị đến đâu là do tòa thẩm định. Cũng tại phiên xử hôm đó, bị cáo đã phản cung, cho rằng vì bị nhục hình nên đã khai theo ý của điều tra viên, nhận có hành vi quấy rối tình dục với cô gái hàng xóm. Sự thực là tối hôm ấy, khi đi chơi về đến tầng hai của khu tập thể thì cậu sinh viên nhìn thấy cô gái lảo đảo, chực ngã. Cậu chạy lại đỡ thì cô gạt cậu ra, toàn thân co giật, rồi không đứng vững nữa, thân hình đổ gục, lăn nhiều vòng xuống các bậc cầu thang.Vụ án đã được khép lại bằng việc cha và các cộng sự của mình trong Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Cậu sinh viên kia được tuyên vô tội.

Trước ngày cha cởi áo từ quan, cha đã “thăng đường” xét xử một vụ án như thế đấy con trai ạ. Đó không phải là một vụ án gì ghê gớm so với hàng ngàn vụ mà cha đã từng ngồi chủ tọa; Cũng không phải vì đó là vụ án cuối cùng trong đời quan tòa mà cha có nhiều điều để nhớ về nó. Cha muốn kể con nghe một câu chuyện khác, nằm phía sau vụ án ấy. Đó là câu chuyện dang dở từ 30 năm trước giữa cha và chú Thắng. Kẻ bỉ ổi, tên phá hoại hạnh phúc người khác, gã tà dâm, người bạn cùng làng khốn kiếp ấy, hóa ra không phải như cha nghĩ.

Khi con trai chú Thắng được tuyên vô tội và được thả tự do ngay tại phiên tòa, chú Thắng đã khóc. Chú chờ cha ở cổng Tòa án để nói lời cảm ơn. Bất giác cha hỏi: “Lan dạo này thế nào rồi?”. Chú Thắng chớp chớp mắt hỏi lại cha: “Nghĩa là đến giờ phút này ông vẫn không liên lạc gì với cô ấy à?”. Rồi chú Thắng thốt ra một câu: “Lan yêu ông lắm. Vì thế mà cô ấy phải ra đi. Tôi cũng yêu cô ấy. Nhưng không thể nào giữ chân cô ấy lại được”. Cha lạnh lùng nói: “Yêu cô ấy mà ông lại làm thế thì có nghĩa là ông đã đẩy cô ấy rơi vào hố sâu bi kịch của cuộc đời”. Chú Thắng nắm tay cha, nói chân thành: “Vậy là ông vẫn không biết gì sau từng ấy năm sao?”. Cha lắc đầu. Chú Thắng ngắc ngứ mãi rồi cuối cùng cũng kể ra cái tình huống mà cô Lan gặp phải hơn ba mươi năm trước.

Hóa ra người chiếm đoạt cô Lan trong đợt đi thực tập năm ấy không phải là chú Thắng mà là “tay Đội trưởng bị vợ bỏ ở Nông trường chè”. Cô Lan đau khổ quá, đã định tự tử ngay trong cái đêm buồn thảm đó. Nhưng chú Thắng giữ cô Lan lại, với tình yêu mà chú âm thầm dành cho cô Lan lâu nay, chú sẵn sàng chấp nhận tất cả, và chú hứa rằng, nếu cô Lan đồng ý chú sẽ cưới cô Lan làm vợ. Những ngày sau đó, vì đau khổ cô Lan đã tuyệt giao với cha, còn chú Thắng tự nhận mình là người đã chiếm đoạt cô Lan để nhận trách nhiệm về cuộc đời của người phụ nữ mà cả cha và chú ấy đều yêu. Nhưng rồi, như con đã biết đấy, cô Lan lặng lẽ bỏ ra đi, vì cô ấy không muốn gây tổn thương cho cả hai người đàn ông mà cô yêu mến.

Cha không hề biết sự oan khuất của chú Thắng. Cha đã trách giận chú ấy suốt hơn 30 năm trời. Ký ức cha đã lưu giữ một cuộc tình buồn. Lại lưu giữ một tình bạn đầy sân hận. Cho nên lúc này cha muốn dòng sông chảy qua làng kia gột rửa hết những ưu tư không đáng có trong lòng cha. Cha muốn nhìn đời trong trẻo hơn. Cha muốn thanh thản khi soi rọi lại những mảng màu ký ức trong bản thân mình.

Hôm nay con nhận bổ nhiệm thẩm phán.

Hành trang con mang theo sẽ có câu chuyện này của cha.

Đó không phải là một kinh nghiệm truyền đời.

Đó chỉ là một tâm sự của người cha cũng đã từng là thẩm phán như con bây giờ mà thôi.

Con trai ạ.

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/cha-con-va-tam-su-nguoi-tham-phan-34098.html