Cha mẹ cần làm gì khi con quá nhút nhát?
Nhút nhát không phải là điều xấu, nhưng cha mẹ hãy giúp con nắm lấy những điểm mạnh của mình và thoát ra khỏi vỏ bọc một cách lành mạnh.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Hiểu đúng về sự nhút nhát
Hãy nhớ rằng nhút nhát không phải là tính cách vĩnh viễn
Nhút nhát không phải là một điểm yếu
Đừng nuông chiều đứa con nhút nhát của bạn…
Nhưng cũng đừng ép con vào những tình huống đáng sợ
Diễn tập trước những việc cần làm trong các tình huống có khả năng gây căng thẳng cho con
Hãy sẵn sàng hỗ trợ con khi con cần
Đừng lo lắng quá nhiều về sự nhút nhát của con
Khi nào sự nhút nhát của con trở thành chứng rối loạn lo âu
Khi làm cha mẹ, ai cũng đều mong muốn con mình được kết bạn, trở thành những người tự tin, tận hưởng sở thích và vui chơi mà không cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ nhút nhát, các tương tác xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo tờ New York Times, một người mẹ chia sẻ rằng, tháng 7 năm ngoái cô đã đưa con gái 5 tuổi đến dự tiệc sinh nhật người bạn thân nhất của bé, không khí buổi tiệc vô cùng sôi động.
Gia đình đã mời một nghệ sĩ giải trí đến để biểu diễn âm nhạc. Nhưng trong khi 20 bạn nhỏ khác đều hào hứng vui chơi, nhảy múa theo điệu nhạc thì con gái cô lại thu mình sau một cái cây ở góc phòng phía sau. Con bé đã vô cùng sợ hãi.
Cô cho biết, cô thường thấy con gái mình trốn đằng sau những đồ vật vô tri vô giác. Cô rất lo lắng khi con gái mất nhiều thời gian để thích nghi với những tình huống liên quan đến nhiều người. Con bé luôn bỏ trốn như một ninja khi cô giới thiệu bé với những người bạn của cô. Cô không biết phải làm gì để giúp con. Do đó, cô đã liên hệ với một số nhà tâm lý học để tìm câu trả lời và những lời khuyên dưới đây là những gì cô đã học được.
Hiểu đúng về sự nhút nhát
Đôi khi người ta thường sử dụng các từ như “nhút nhát”, “chứng lo âu xã hội” và “hướng nội” để thay thế cho nhau, nhưng tất cả từ này đều có nghĩa khác nhau. Nếu con nhút nhát, con có thể cảm thấy lúng túng hoặc lo lắng trong các tình huống xã hội vì sợ bị đánh giá tiêu cực, hoặc lo lắng mình sẽ bị từ chối.
Trong khi chứng lo âu xã hội lại là một chứng rối loạn gây ra sự sợ hãi tột độ cho người mắc khi tham gia môi trường xã hội. Nỗi sợ hãi này dữ dội và dai dẳng hơn nhiều so với sự nhút nhát, đến mức làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ, những đứa trẻ nhút nhát có thể gặp khó khăn khi chuyển sang trường mới và có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để cảm thấy ổn định. Nhưng những đứa trẻ mắc chứng lo âu xã hội có thể không bao giờ cảm thấy ổn định và sẽ từ chối đi học.
Mặt khác, hướng nội không liên quan gì đến sự nhút nhát hay chứng lo âu xã hội. Điều này đơn giản chỉ phản ánh sở thích của một người khi ở một mình hoặc trong các nhóm nhỏ, dựa trên những gì họ cảm thấy hài lòng và tràn đầy năng lượng.
Người hướng nội thích thời gian ở một mình và yên tĩnh, trong khi người hướng ngoại thích dành thời gian cho người khác và ở trong những tình huống kích thích hơn.
Trong cuốn sách “Quiet”, tác giả Susan Cain đã giải thích rằng: “Người hướng nội và người hướng ngoại khác nhau về mức độ kích thích từ bên ngoài mà họ cần để hoạt động tốt. Trong khi người hướng nội cảm thấy "vừa phải" với những gì ít kích thích hơn, chẳng hạn như khi họ giải ô chữ hoặc đọc sách, thì người hướng ngoại lại thích những hoạt động như gặp gỡ những người mới, trượt tuyết trên những con dốc trơn trượt hay bật dàn âm thanh sôi động”.
Hãy nhớ rằng nhút nhát không phải là tính cách vĩnh viễn
Nhút nhát không phải là một đặc điểm cố định. Trên thực tế, trẻ em thường đỡ nhút nhát hơn theo thời gian vì chúng học được các kỹ năng cần thiết để quản lý các tình huống xã hội.
Vanessa LoBue, Tiến sĩ, nhà tâm lý học ở Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi không muốn nhốt những đứa trẻ trong năm tháng mẫu giáo, chúng sẽ chỉ nhút nhát hoặc là hướng ngoại, bởi vì vẫn còn rất nhiều thay đổi có thể xảy ra.
Đứa con trai 8 tuổi của tôi khi còn là một đứa trẻ mới biết đi luôn bám lấy tôi và gào khóc lên mỗi lần đưa đón nhà trẻ. Nhưng mùa hè năm ngoái, khi tôi cho thằng bé đến một khu cắm trại qua đêm, thằng bé đã vô cùng thích thú và rất quyến luyến khi nói lời tạm biệt ra về”.
Koraly Pérez-Edgar, Tiến sĩ, nhà tâm lý học đang nghiên cứu về sự nhút nhát tại Đại học Penn cũng cho biết: “Hầu hết những đứa trẻ nhút nhát đều học được cách thích nghi. Không cần tới chương trình giảng dạy, sách bài tập hay gặp bác sĩ trị liệu, hãy để trẻ sống cuộc sống hàng ngày, thế là đủ”.
Nhút nhát không phải là một điểm yếu
Xã hội có xu hướng thiên về hướng ngoại. Chúng ta tôn vinh tính thích giao du và thường cau mày với những người thích thu mình lại.
Tiến sĩ Pérez-Edgar chia sẻ: "Chưa bao giờ có cha mẹ nào đến gặp tôi và nói: "Tôi lo lắng về Mary vì con bé có rất nhiều bạn bè, con bé là một người thân thiện và thích nói chuyện, giao lưu với mọi người, bởi chuyện này không được coi là một vấn đề".
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại thường coi sự nhút nhát của con là một khuyết điểm và cho rằng con không nên như vậy.
Tiến sĩ Pérez-Edgar cho biết: “Nhút nhát không phải là một điều xấu. Đó chỉ là phản ứng tự nhiên đối với những điều không chắc chắn hoặc mới lạ, và phần lớn việc này thực sự tốt. Chẳng hạn, khi bạn đến một bữa tiệc tối, bạn có thể nhìn lướt qua căn phòng để cảm nhận năng lượng và những người ở đó. Đó chính xác là điều mà những đứa trẻ nhút nhát thường làm khi đến dự tiệc sinh nhật hay tham gia lớp thể dục dụng cụ mới.
Trẻ nhút nhát sẽ bám lấy cha mẹ khi đang cảm nhận mọi thứ diễn ra xung quanh, bởi trẻ thường có xu hướng tiếp nhận môi trường xung quanh trước khi môi trường đó phản ứng lại với chúng. Những đứa trẻ nhút nhát cũng có lòng đồng cảm sâu sắc và giàu lòng trắc ẩn. Một số nghiên cứu về giáo dục sớm và phát triển ở trẻ chỉ ra rằng, các giáo viên nhận thấy những đứa trẻ nhút nhát ở trường tiểu học sẽ tự chủ hơn và hợp tác hơn".
Đừng nuông chiều đứa con nhút nhát của bạn…
Mặc dù nhút nhát là đặc điểm tính cách bình thường, nhưng cha mẹ cũng không nên nuông chiều hay bảo vệ đứa con nhút nhát của mình khỏi những tình huống khó khăn.
Ví dụ, nếu đứa con 3 tuổi từ chối tham gia cùng các bạn khác trong lớp học múa ba lê đầu tiên, đừng nói với con rằng: "Ôi con yêu, mẹ rất xin lỗi, chúng ta sẽ không bao giờ đến đây nữa đâu” và sau đó cho con rời khỏi lớp học. Vì khi cha mẹ làm điều này, cũng có nghĩa đang gửi đi thông điệp rằng, con đã đúng khi sợ hãi, rằng lớp học múa ba lê đang gây tổn thương con. Điều này cũng sẽ tước đi cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi".
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu SAGE Journals - nơi sưu tập các tạp chí nghiên cứu tổng hợp có chất lượng nội dung cao và tầm ảnh hưởng lớn, nhiều bài báo đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ nhút nhát sẽ trở nên tồi tệ hơn khi có cha mẹ bảo vệ quá mức.
Nhưng cũng đừng ép con vào những tình huống đáng sợ
Tuy nhiên, sẽ thật tồi tệ khi cha mẹ đẩy con vào những tình huống khó, bởi vì làm như vậy sẽ chỉ khiến trẻ thêm đau khổ, choáng ngợp, và càng thêm kinh hãi về những tình huống như thế trong tương lai.
Theo một nghiên cứu về hành vi và phản ứng của trẻ sơ sinh với những điều mới lạ để dự đoán mức độ lo lắng của trẻ vào năm 2 tuổi rưỡi, được lưu trữ tại trang PubMed - giao diện tìm kiếm thông tin về ngành y của thư viện y khoa quốc gia Hoa Kỳ, những loại phản ứng như vậy có thể làm tăng nguy cơ lo lắng ở trẻ em.
Khi này, điều cha mẹ cần làm là thừa nhận cảm xúc của con mình và hỗ trợ con, đồng thời khuyến khích con tiến lên phía trước. Cha mẹ cần biết rằng, tốc độ tiến triển của con có thể chậm, nhưng phải đảm bảo rằng, con luôn duy trì và tiếp tục phát triển.
Ví dụ, khi đưa con đến buổi hẹn chơi với một đứa trẻ xa lạ, con có thể ngồi trong lòng cha mẹ suốt thời gian đó. Và hãy cho con có ngày thứ hai để con có thể nói một vài điều với đứa trẻ kia, thỉnh thoảng có thể con vẫn sẽ nắm chặt vào tay ba mẹ. Nhưng sẽ tốt hơn vào ngày thứ ba, khi con thực sự tin tưởng và vui chơi với người bạn kia.
Diễn tập trước những việc cần làm trong các tình huống có khả năng gây căng thẳng cho con
Những đứa trẻ nhút nhát thường biết được những gì sẽ xảy ra và cách hành động khi ở trong những tình huống căng thẳng mà cha mẹ đã diễn tập cho trẻ trước đó.
Eileen Kennedy - Moore, Tiến sĩ, nhà tâm lý học ở tiểu bang New Jersey giải thích: “Cha mẹ cần biết mình phải làm gì để giúp con đối phó với tình huống dễ dàng hơn. Chẳng hạn, tôi sẽ bàn với con gái mình một kế hoạch trước khi chúng tôi bước vào bữa tiệc sinh nhật đó.
Đầu tiên, tôi sẽ bảo con bé tìm đống quà và thêm quà vào đó. Tiếp theo, để con bé tìm đến người bạn sinh nhật và chào hỏi. Và cuối cùng, xem những đứa trẻ khác đang làm gì và tham gia nếu nó thú vị”.
Tương tự như vậy, nếu cha mẹ muốn con mình giới thiệu tốt hơn, hãy thực hành các bước chào hỏi thân thiện ở nhà. Bước một, nhìn vào mắt người khác (hoặc nhìn vào giữa trán nếu giao tiếp bằng mắt quá nhiều). Bước hai, hãy mỉm cười. Bước ba là chào hỏi.
Tiến sĩ Kennedy - Moore gợi ý thêm, tùy thuộc vào độ tuổi của con, cha mẹ cũng có thể thực hành việc bắt tay với con. Cô chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên một người lớn chìa tay ra với con trai tôi; thằng bé nhìn người đàn ông như thể anh ta là người ngoài hành tinh và đập tay với anh ta”.
Hãy sẵn sàng hỗ trợ con khi con cần
Ngoài ra, cha mẹ hãy cung cấp cho con sự hỗ trợ khi con cần, bởi vì các tình huống xã hội thực sự có thể khiến trẻ nhỏ choáng ngợp.
Tiến sĩ LoBue gợi ý, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Khi chúng ta gặp những người mới, con sẽ chào hỏi, và con có thể nắm chặt tay cha mẹ”.
Hành động này gửi thông điệp tới con rằng: “Cha mẹ sẽ là chỗ dựa an toàn cho con, sẽ ở đó và giúp con vì cha mẹ hiểu rằng, con đang cảm thấy lo lắng”.
Nhưng đôi khi, cha mẹ cũng có thể bế con lên và chạy trốn khỏi tình huống quá sức đối với con. Tiến sĩ LoBue chia sẻ thêm: “Tôi có một kỷ niệm sống động về lần bế đứa con trai đang la hét của mình ra khỏi cửa hàng Chuck E. Cheese. Nơi đó còn quá choáng ngợp ngay cả đối với tôi, chứ đừng nói đến một đứa trẻ mới biết đi”.
Đừng lo lắng quá nhiều về sự nhút nhát của con
Đừng băn khoăn nếu con không phải là một người có vòng tròn xã giao rộng lớn. Con không cần 8.000 người bạn để cảm thấy hạnh phúc và an toàn, đôi khi chỉ cần một hoặc hai người bạn tốt là đủ.
Tiến sĩ Kennedy - Moore cho biết: “Có rất nhiều cách để trở nên hòa đồng và không phải ai cũng phải là người hướng ngoại trong một căn phòng nhiều người. Tôi biết tôi chưa bao giờ như vậy, và hóa ra tôi vẫn luôn ổn. Con tôi cũng sẽ ổn thôi”.
Khi nào sự nhút nhát của con trở thành chứng rối loạn lo âu
Nếu cha mẹ nhận thấy sự nhút nhát của con mình đang cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi học mẫu giáo, chơi ngoài sân chơi, hoặc nếu nỗi sợ hãi của con dữ dội hơn nhiều so với những đứa trẻ khác, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa, hoặc nhà trị liệu trẻ em. Có thể con đang mắc phải chứng rối loạn lo âu xã hội và cần tới sự giúp đỡ và hỗ trợ chuyên nghiệp.