'Cha mẹ khuyên tôi ở lại TP.HCM, không về quê để phòng dịch'
Dù mong chờ các con làm ăn ở xa về nhà đón Tết, song trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, nhiều phụ huynh vẫn khuyên con ở lại để bảo đảm an toàn.
12 ngày trước Tết Tân Sửu, Thu Hà (29 tuổi, đang làm việc tại Bình Dương) nhận được tin nhắn từ mẹ ở quê Quảng Ninh, báo địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây.
Ban đầu, vợ chồng Hà và con gái 4 tuổi đặt vé máy bay ngày 7/2, dự định năm nay ăn Tết nhà ngoại. Tuy nhiên đến 28/1, Hà buộc phải hủy vé vì sân bay Vân Đồn tạm đóng cửa. “Hơn 5 năm lấy chồng xa quê, mình tưởng đâu đây là cái Tết đầu tiên được về với bố mẹ. Ai ngờ cuối cùng vẫn không thể về”.
Hà cảm thấy áy náy khi phải gọi điện thông báo việc hủy vé. Vì cô biết so với nỗi nhớ nhà của mình, bố mẹ cô còn mong mỏi được đoàn tụ con cháu gấp nhiều lần. Thế nhưng, thay vì tỏ ra buồn rầu hay trách móc, bố mẹ cô vẫn rất thông cảm và thậm chí còn trấn an vợ chồng cô yên tâm ở lại Bình Dương ăn Tết.
“Biết mình buồn, mẹ còn nhắn tin động viên cả ngày hôm đó. Mẹ bảo Tết nay không về được thì còn Tết năm sau, năm sau nữa, quan trọng là mọi người đều an toàn, khỏe mạnh. Nhất là khi mình còn đang nuôi con nhỏ, càng không thể vì một cái Tết mà mạo hiểm. Nghĩ kỹ mình thấy mẹ nói rất đúng nên năm nay đã chuẩn bị tinh thần ăn tết xa quê”, Hà nói với Zing.
Không chỉ vợ chồng Hà, nhiều người khác cũng đành gác lịch về quê vì vướng dịch bệnh. Đa số nhận được sự ủng hộ, động viên từ phía gia đình nên ở lại để tránh dịch bệnh lan rộng.
Năm nay sẽ làm một cái Tết đơn giản
Vợ chồng ông Trần Văn Linh (tỉnh Gia Lai) có hai con trai và một con gái hiện đều làm ăn ở TP.HCM. Sau khi Gia Lai ghi nhận 6 ca dương tính với Covid-19 (tính đến sáng 1/2), ông Linh đã chủ động gọi điện động viên các con không về quê ăn Tết như dự tính ban đầu.
“Tết thì ai cũng muốn về nhà đoàn tụ gia đình nhưng đang cao điểm chống dịch nên tôi quán triệt con cái ăn Tết luôn ở Sài Gòn. Không về được cũng không sao, hai ông bà vẫn tự lo được cho nhau, còn có bà con, làng xóm nữa”.
So với con trai lớn đã làm ăn xa nhiều năm, vợ chồng ông Linh thương cô con út đang học năm nhất đại học hơn cả. Mỗi ngày, hai vợ chồng đều gọi điện dặn dò con gái từ việc hạn chế đi lại, tiếp xúc cho đến việc ăn uống, giờ giấc sinh hoạt.
“Dù đang ở vùng dịch nhưng tôi lại thấy lo cho các con hơn. Vợ chồng tôi ở đây ít khi đi lại, chỉ loanh quanh vài ba nhà với nhau, ai cũng ý thức giữ gìn. Còn các con ở thành phố lớn, đông người nên đi đâu cũng phải biết đề phòng”.
Vẫn biết xưa nay Tết là dịp đoàn viên nhưng ông Linh nói tinh thần năm nay phải khác. Không chỉ con cháu ở xa không về được, những hoạt động tụ tập đông người cần phải hạn chế.
“Như gia đình tôi mọi năm đều tổ chức tiệc tất niên lớn nhưng năm nay sẽ chỉ làm một mâm đơn giản cúng ông bà. Thủ tục thăm viếng, chúc tụng cũng phải giảm lại”.
Xuân Quỳnh (huấn luyện viên thể hình tại TP.HCM) chấp nhận sẽ không về nhà đón Tết, bởi cả thành phố cô đang sinh sống cũng như quê nhà Gia Lai cũng đã xuất hiện những ca nhiễm mới.
“Tết năm nay cả 3 chị em mình đều ở lại cùng nhau, không về nhà được. Mình cũng buồn chứ, vì cả năm làm việc bận rộn quá, chưa về thăm nhà được lần nào”.
Quỳnh cho biết tình hình dịch ở quê nhà rất căng thẳng, mọi người đều đề cao tinh thần phòng, chống dịch. Ba mẹ cô cũng động viên các con giữ tinh thần thoải mái khi ăn Tết ở xa.
“Ba mẹ mình gọi điện lên hỏi han nhiều, dặn phải cẩn thận. Dù buồn nhưng ba mẹ kêu 3 chị em phải cố gắng, đợi tình hình ổn định thì về sau. Không có lựa chọn khác vì nếu giờ đi về cũng phải cách ly 21 ngày, không được ăn Tết cùng ba mẹ, hết nghỉ lễ cũng khó quay lại thành phố làm việc”.
Thời gian này, Xuân Quỳnh vẫn tiếp tục công việc làm PT tại phòng tập, song cố gắng cẩn thận và bảo đảm an toàn cho mình lẫn học viên.
Quỳnh nói chưa có kế hoạch gì cho dịp lễ. Do dịch bệnh, chị em cô có thể chỉ ở nhà cùng nhau, không tham gia hoạt động giải trí bên ngoài để tránh nhiễm bệnh.
"Nhớ con lắm, nhưng an toàn là trên hết"
Chị Trung (41 tuổi) có con trai đang học đại học năm nhất tại TP.HCM. Suốt những năm phổ thông đều học trường gần nhà, đây là lần đầu tiên con chị đi xa nhà lâu như vậy. Lần gần đây nhất cậu về chơi là vào dịp hè.
“Tôi có tính hay lo, nên khi con học ở xa tôi thường xuyên gọi điện dặn dò đủ thứ. Nó lên thành phố, tôi bảo vào ở cùng với nhà chú ruột để có người chăm sóc nhưng nó không chịu, muốn tự do hơn nên thuê phòng trọ riêng ở gần trường”, chị kể.
Cách đây một tháng, con trai chị đã đặt vé máy bay về nhà vào ngày 2/2. Cậu định tranh thủ đi chúc Tết sớm một số họ hàng trong thành phố trước khi về quê.
Song chuẩn bị đến ngày con về, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến chị Trung lo lắng.
“Ban đầu tôi định bảo con xin nghỉ sớm để về, phòng trường hợp dịch căng thẳng sẽ khó đi lại được. Nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh và phức tạp, ở TP.HCM cũng có những ca nhiễm trong cộng đồng. Tôi sợ con đi ra sân bay thời điểm này cũng dễ bị lây, nên khuyên con cân nhắc việc ở lại”.
Chị cho biết hiện tại con trai đã hủy vé máy bay và quyết định ở lại ăn Tết ở thành phố. Dù có buồn vì Tết năm nay trong nhà vắng một thành viên.
“Nhớ con lắm chứ, nhưng thời điểm này phải đặt an toàn lên trên hết. Tôi cũng không quá lo lắng vì con có thể đón năm mới cùng gia đình các chú, dì, không sợ phải lủi thủi một mình”.
Về việc phòng, chống dịch trong Tết, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần hướng dẫn nhiều hơn cho người dân về quê ăn Tết theo phương châm an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.
"Tôi thống nhất là khuyên người dân đừng về quê nếu nơi đó đang là vùng dịch, nếu về thì khi vào lại TP.HCM cũng khó. Người dân có thể chọn thời điểm thích hợp trong năm về quê cũng được", Phó chủ tịch đưa lời khuyên.