Cha mẹ và con cái cũng cần không gian riêng tư

Không gian riêng tư không chỉ cần thiết với các cặp đôi. Nếu bạn có từ hai con trở lên, nên sắp xếp thời gian để ở riêng với từng bé, lắng nghe con trò chuyện để tăng sự gắn kết.

 Hãy dành thời gian để ở riêng với con, bạn sẽ hiểu bé hơn. Ảnh: M&C.

Hãy dành thời gian để ở riêng với con, bạn sẽ hiểu bé hơn. Ảnh: M&C.

Từ khi mới được mấy tháng tuổi, trẻ đã tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối từ những người lớn chăm sóc con. Nhìn vào mắt là một cách để phát triển sự gắn bó bền chặt ngay từ khi còn rất sớm. Nhà trị liệu Patti Elledge đã sáng tạo thuật ngữ "mắt long lanh" (beam gleam) để miêu tả ánh nhìn đầy yêu thương giữa cha mẹ và đứa con dấu yêu của họ.

Ánh nhìn ấy như muốn nói với trẻ rằng: “Cha mẹ yêu con biết bao. Con thật đặc biệt với cha mẹ. Con an toàn ở đây.” Bởi lẽ ánh nhìn này diễn ra không biết bao nhiêu lần trong những năm đầu đời của trẻ nên nó đặt một nền tảng quan trọng cho sự phát triển niềm tin yêu và cảm giác yên tâm.

Trong khi ánh nhìn yêu thương của bạn luôn quan trọng đối với sự phát triển tâm lý và cảm xúc của trẻ thì khi trẻ lớn dần lên, chúng bắt đầu tìm kiếm một kiểu gắn bó khác từ cha mẹ. Chúng ta có thể gọi đó là “tôi liên lạc” (I contact).

Thuật ngữ này là để chỉ nhiều cách hỗ trợ khác nhau của cha mẹ đối với các sở thích và hoạt động của con cái, bằng cách tham gia vào nhiều chương trình, nhiều buổi diễn, những trận đấu thể thao và các sự kiện khác của con. Trẻ chắc chắn sẽ phấn khởi hào hứng khi nhìn thấy cha mẹ đang cổ vũ cho chúng trên khán đài.

Trẻ sẽ lướt qua khuôn mặt của từng người tham gia sự kiện cho đến khi tìm thấy cha mẹ. Rồi chúng dường như cảm thấy an tâm và tiếp tục buổi đấu hoặc buổi trình diễn. Cái “Tôi liên lạc” này là một tín hiệu quan trọng, thể hiện bạn quan tâm đến hoạt động của con.

Một lưu ý nữa về việc trẻ khát khao ánh nhìn yêu thương và sự chú ý của cha mẹ là khát khao này sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Dù sau này có trưởng thành và già đi thì chúng ta vẫn khao khát và trân trọng sự ủng hộ của cha mẹ mình cho các sự kiện, hoạt động và thành tựu của chúng ta. Dù có bao nhiêu tuổi chăng nữa, chúng ta cũng không bao giờ thôi khát khao nhận được sự cổ vũ, động viên của cha mẹ.

Có thể với tư cách là người cha/người mẹ bình thường, bạn phải gánh vác trách nhiệm đảm bảo con bạn vẫn duy trì kết nối với họ hàng và bạn bè. Việc duy trì những mối quan hệ này sẽ giúp trẻ có cảm giác về cộng đồng của riêng mình, về cuộc sống như một dòng chảy tiếp diễn, trẻ có cảm giác an yên và duy trì những mối quan hệ tối quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ. Như chúng tôi đã nói lúc trước, một số gia đình có phụ huynh là người ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới có nguy cơ trở thành một gia đình khép kín, không chịu hoặc chịu rất ít tác động từ bên ngoài. Điều này không tốt cho con bạn.

Việc kết nối với họ hàng sẽ cho trẻ cơ hội tiếp cận với những người bà con tử tế, lành mạnh, có thể là người khuyên bảo rất tốt và động viên hỗ trợ con trong cuộc sống. Hãy lên lịch cho những bữa tiệc mừng, những bữa ăn cùng nhau, những chuyến đi chơi, những cuộc nói chuyện qua điện thoại và nhiều hoạt động khác. Như mọi khi, hãy để ý tới những giới hạn đúng đắn và những gì là tốt nhất cho trẻ.

Nếu bạn có hai con trở lên, hãy sắp xếp thời gian riêng với mỗi con, tách rời khỏi các anh chị em của con. Chúng tôi dẫu có nhấn mạnh thế nào cũng không đủ về tầm quan trọng của việc tạo ra một góc an toàn tránh xa khỏi những xung đột, căng thẳng mà người cha/người mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới tạo ra trong gia đình.

Một khoảng thời gian dành riêng với con sẽ cho con cơ hội được nói chuyện và lắng nghe, là lúc để mỗi đứa trẻ cảm thấy bản thân mình đặc biệt, độc đáo và cảm giác được dịu xuống một chút trong không khí trong lành, không vấy nhiễm những cãi cọ và căng thẳng.

Không nhất thiết phải là những sự kiện lớn tốn thời gian, tiền bạc. Đa số các bậc cha mẹ bận rộn không thể nhét thêm được một việc nào nữa vào lịch làm việc đã chật kín của họ.

Thay vào đó, hãy nghĩ nhỏ: một chuyến lái xe cùng nhau trên đường lo mấy công chuyện vặt; giúp đỡ nhau làm việc nhà khi chỉ có hai người, con và bạn; gặp con tại buổi ăn trưa ở trường; theo dõi một buổi tập thể thao và rồi đi ăn kem với con; đi dạo hoặc lái xe cùng nhau, nấu nướng cái gì đó hay ho; lôi đồ nghề vẽ vời và cùng nhau vẽ cái gì đó.

Đó chỉ là một vài ý tưởng. Bạn có thể sáng tạo thêm nhiều hoạt động khác nữa, bạn có thể nghĩ ra rất nhiều cách để có một khoảng thời gian chân thành và vui vẻ riêng với con mà không làm bạn cháy túi hoặc biến thành chuyện lên lịch cho nó trở thành một cơn ác mộng.

Margalis Fjelstad & Jean McBride/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/cha-me-va-con-cai-cung-can-khong-gian-rieng-tu-post1506092.html