Chậm chuyển đổi số sẽ đánh mất cơ hội phát triển

Đây là đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh trong cuộc họp nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình diễn ra vào chiều ngày 21/10 và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Tại điểm cầu trực tuyến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Võ Thành Công báo cáo tại cuộc họp

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Võ Thành Công báo cáo tại cuộc họp

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Võ Thành Công cho biết: Từ khi Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hiện số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số (CĐS) tăng nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Sàn thương mại điện tử Bình Thuận và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP đã được hoàn thiện, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp, quảng bá sản phẩm rộng rãi.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các địa phương

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các địa phương

Đến nay, hầu hết người dân đã có hồ sơ điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 95,2% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 73,5%.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đang hướng dẫn người dân chuyển đổi số

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đang hướng dẫn người dân chuyển đổi số

Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng từng bước phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh có 697 tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương (đạt tỷ lệ 100% thôn, khu phố và 6 tổ tự quản có tổ công nghệ số cộng đồng). Hệ thống bảo mật tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được nâng cấp liên tục. Cùng với đó, UBND tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về CĐS, an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng công cụ số, nhờ đó nguồn nhân lực địa phương được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin về tiến độ thực hiện CĐS của ngành

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin về tiến độ thực hiện CĐS của ngành

Làm rõ hơn kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, tại cuộc họp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thông tin thêm về tiến độ cập nhật số liệu Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận); việc đầu tư hạ tầng và chia sẻ những khó khăn trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tích hợp dữ liệu đất đai, trang thiết bị để giáo viên dạy học trực tuyến…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu chỉ đạo

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị trong công tác đẩy nhanh CĐS của tỉnh 2 năm gần đây. Kết quả đến nay 7/14 chỉ tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra đã thực hiện đạt và vượt; công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai linh hoạt, bằng nhiều hình thức, điển hình nhất là thành lập các tổ CĐS cộng đồng; một số cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh được ban hành tạo điều kiện thúc đẩy CĐS. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như kết quả CĐS vẫn còn chậm so với các tỉnh, thành; đầu tư về hạ tầng chưa đồng bộ…

Nhấn mạnh CĐS là xu thế tất yếu, nếu làm chậm thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 7 chỉ tiêu còn lại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của CĐS và có hình thức bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với các đối tượng. Cùng với đó, phải khẩn trương hoàn chỉnh, ban hành Đề án CĐS tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2025 – 2030 và đề xuất phân bổ kinh phí phù hợp để đảm bảo tính khả thi; Đề án Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia…

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cham-chuyen-doi-so-se-danh-mat-co-hoi-phat-trien-125032.html