Chấm dứt điệp khúc 'chặt - trồng, trồng - chặt', nông dân Bình Phước làm giàu từ những cây trồng mới bằng lối đi riêng

Sau thời gian dài chìm trong vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt, những năm gần đây, nhiều nông dân, HTX ở Bình Phước đã kiên trì chọn lối đi riêng, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế, làm giàu bền vững.

Gần 20 năm trước, ở nhiều địa phương tỉnh Bình Phước rộ lên phong trào trồng dó bầu (loài cây thuộc họ Dó – Aquilaria, có khả năng tụ trầm cao). Nhưng vì thiếu kiến thức, không tiếp cận được kỹ thuật cấy tạo trầm nên giấc mơ đổi đời của hầu hết trong số họ không thành.

Kiên trì lối đi riêng

“Giấc mộng” dó bầu không thành, nhiều hộ canh tác buộc phải lựa chọn chặt bỏ, trồng cây khác. Tuy nhiên, trong vô số những nhà vườn lựa chọn chặt cây thời điểm đó, có một người liều lĩnh lựa chọn “đi ngược dòng” là ông Nguyễn Trung Song, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành.

Nhớ lại câu chuyện cũ, ông Song chia sẻ đó vào khoảng năm 2004, giấc mơ kiếm tiền tỷ từ cây dó bầu, hay dó trầm lan khắp các địa phương tỉnh Bình Phước, trong đó có Chơn Thành. Vì vậy, ông Song cũng đầu tư tiền của để trồng hơn 1.000 cây giống, tuy nhiên, sau đó mọi người dần nhận ra kỹ thuật để dó bầu tụ trầm không dễ, nhiều hộ sau nhiều lần thất bại đã từ bỏ.

Dó bầu đang là cây trồng nhiều tiềm năng ở Bình Phước (Ảnh: BBP).

Dó bầu đang là cây trồng nhiều tiềm năng ở Bình Phước (Ảnh: BBP).

Khi thấy những hộ xung quanh ồ ạt chặt dó bầu để trồng cây khác, ông Song cũng không khỏi hoang mang, nhưng vì đã quyết tâm gắn bó với giống cây trồng mới, đồng thời chuẩn bị đủ hành trang “lấy ngắn nuôi dài”, ông đã giữ lại vườn. Kể từ đó trải qua hơn 10 năm chỉ “lấy công làm lãi”.

“Hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu trồng, có năm tôi chỉ bán được vài cây, tiền thu không đủ bù chi phí. Phải đến năm 2017, khi một doanh nghiệp biết đến và đặt mua số lượng lớn, vườn dó bầu của tôi mới bắt đầu cho thành quả. Năm đó, tôi bán hơn 1 nghìn cây, doanh thu gần 5 tỷ đồng”, ông Song hồ hởi nhớ lại.

Sau thành công của lứa thu hoạch đầu tiên, ông Song như được tiếp thêm “doping”, bắt tay ngay vào triển khai các vụ tiếp theo. Đến nay, gia đình ông có 25.000 cây dó bầu, trồng xen trong 7 ha cao su, cây đang ở tuổi thứ 4. Đường kính trung bình mỗi cây khoảng 10-15cm, cao 3-4m.

Dự kiến, từ năm thứ 7 trở đi, dó bầu sẽ cho thu hoạch. Với quy mô hiện tại, ông Song chỉ cần bán với giá 500 ngàn đồng/cây, thì 7 ha sẽ cho thu hơn 12 tỷ đồng. Đặc biệt, gia đình ông đang xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu trầm để tăng giá trị kinh tế.

Liên kết để mạnh hơn

Nếu ông Nguyễn Trung Song và nhiều người dân ở thị xã Chơn Thành đang gặt hái thành công với cây dó bầu, thì ở huyện Bù Đốp, các thành viên, nông dân liên kết của HTX Phước Thiện lại đang bội thu với mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, nhờ những cách làm mới, hiện đại và an toàn.

HTX Phước Thiện là một trong 5 mô hình thí điểm được tỉnh Bình Phước chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng. Đến nay, HTX Phước Thiện được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT, camera giám sát vườn cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Các HTX ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, trở thành điểm tựa cho nông dân (Ảnh: BBP).

Các HTX ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, trở thành điểm tựa cho nông dân (Ảnh: BBP).

Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết: “Từ khi áp dụng chuyển đổi số, chi phí của HTX đã giảm 15-40%, mang lại hiệu quả tốt hơn. Hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa kiểm soát được độ ẩm của đất cũng như lượng nước phù hợp, từ đó tiết kiệm nhân công, nước tưới”.

Sản xuất theo công nghệ giúp thành viên HTX nắm rõ các thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm, điều chỉnh tưới nước, bón phân từ xa chỉ bằng điện thoại thông minh. Qua đó hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Hiện, dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh, nhưng nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ số, mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với HTX Phước Thiện, HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cũng là đơn vị điểm được tỉnh Bình Phước lựa chọn thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đến nay, HTX được đầu tư máy tính, máy in, camera quan sát, hệ thống tưới, chăm sóc tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT… lắp đặt cho 2 ha hồ tiêu và hoa hồng chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững.

Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX Phước Thiện, cho hay với công nghệ IoT, người nông dân có thể dùng điện thoại hoặc máy tính tưới nước, tưới phân cho vườn cây mọi lúc, mọi nơi, chủ động chăm sóc từ dinh dưỡng đến độ ẩm.

“Sau thời sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, đến nay nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thành viên HTX đã giảm được nhiều chi phí, không phụ thuộc vào nhân công lao động thuê từ bên ngoài, trung bình 1 ha, nông dân giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/tháng”, ông Chung chia sẻ.

Hiện thực hóa mục tiêu

Tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh Bình Phước có 274 HTX nông nghiệp. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 54 triệu đồng/năm. Tổng số thành viên của các HTX nông nghiệp đang hoạt động là 6.418 thành viên với 6.854 lao động.

Với những thành công hiện tại, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, đến năm 2025 hình thành 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với khoảng 1.000-2.000 ha.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu khai thác có hiệu quá các mô hình liên kết giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp với đô thị sinh thái - khu dân cư - du lịch - cảnh quan trên địa bàn Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành. Phát triển khoảng 200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu xây dựng được 955 nhãn hiệu các loại, trong đó có 10 nhãn hiệu sản phẩm có chứng nhận, 600 nhãn hiệu thông thường, 15 nhãn hiệu tập thể, 50 sản phẩm OCOP, được cấp 250 mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cấp được 30 cơ sở…

Hiện, tỉnh Bình Phước đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha. Các loại cây trồng chủ lực như điều, hồ tiêu, cây cao su, cây ăn trái và chăn nuôi lợn, gà, dê... đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, ưu tiên chế biến, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từng bước tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, thế giới đang được thực tỉnh thực hiện quyết liệt.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cham-dut-diep-khuc-chat-trong-trong-chat-nong-dan-binh-phuoc-lam-giau-tu-nhung-cay-trong-moi-bang-loi-di-rieng-1100049.html