Chấm dứt thập kỷ tăng trưởng, ngành điều thận trọng với mục tiêu năm 2023

Năm 2022, dù đã xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu từ 3,8 tỉ đô la Mỹ xuống 3,2 tỉ đô la, nhưng cuối cùng ngành điều chỉ về đích ở mức hơn 3 tỉ đô la. Năm 2023, ngành hàng này đặt mục tiêu khiêm tốn 3,1 tỉ đô la, nhưng những dự báo cho thấy tình hình không mấy khả quan cho tăng trưởng doanh thu.

Toàn cảnh Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ 26-2 đến 28-2 tại TP HCM. Ảnh: Minh Anh

Toàn cảnh Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ 26-2 đến 28-2 tại TP HCM. Ảnh: Minh Anh

Tại Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ ngày 26 đến 28-2, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết năm 2022, nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19, ngành điều Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng chung từ thị trường và xu hướng tiêu dùng quốc tế.

Vinacas dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12-2022, Việt Nam xuất khẩu được 519.782 tấn hạt điều, trị giá 3,08 tỉ đô la. So với năm 2021, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá.

Với kết quả này, ngành điều không hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỉ đô la trong năm qua, đồng thời, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu hạt điều kéo dài trong 10 năm qua (từ năm 2011 đến 2021).

Bước vào năm 2023, thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường xuất khẩu song hành với chú trọng thị trường trong nước sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 54 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Thông tin Vinacas, tính đến tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, ông Công dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, Vinacas thống nhất đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn với 3,1 tỉ đô la, chỉ tăng nhẹ 30 triệu đô la so với năm 2022.

Thực tế khó khăn của nhu cầu thị trường đã được nhìn nhận ở tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1, cho hay trong tháng đầu năm nay, tình hình đơn hàng xuất khẩu của công ty sụt giảm khoảng 17-18% so với cùng kỳ năm ngoái do hạt điều đang phải cạnh tranh với các loại hạt khác như hạt óc chó, hạnh nhân,…

“Các năm trước, những tháng đầu năm là khoảng thời gian hoạt động sản xuất, bán hàng rất sối động, người mua đặt hàng rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay đơn hàng sụt giảm mạnh. Nguyên nhân có thể là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm hơn so với trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, người tiêu dùng không còn tích trữ nhiều thực phẩm”, ông Huyên nói.

Các doanh nghiệp cho hay khoảng thời gian đầu năm cũng là lúc phần lớn nhà nhập khẩu ký hợp đồng mua nhân điều cho cả 6 tháng, có trường hợp khách ký hợp đồng mua hàng cho 9 tháng hoặc hơn. Thế nhưng đầu năm nay, các hợp đồng có thời gian mua hàng dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, với số lượng hạn chế. Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đang mua hàng một cách cầm chừng.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công Thương) ngành điều là ngành có số lượng khá lớn doanh nghiệp có thương hiệu riêng trên kệ siêu thị tại các thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhiều hơn hẳn các loại nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cham-dut-thap-ky-tang-truong-nganh-dieu-than-trong-voi-muc-tieu-nam-2023/