Chăm lo sự học ở vùng cao

Những năm trở lại đây, huyện Hướng Hóa đã chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cộng đồng học tập. Nhiều mô hình học tập trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và tạo điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững...

 Mô hình “Gốc chuối khuyến học” đang phát huy hiệu quả trong việc tiếp sức cho con em bản Cồn đến trường học tập. Ảnh: AP

Mô hình “Gốc chuối khuyến học” đang phát huy hiệu quả trong việc tiếp sức cho con em bản Cồn đến trường học tập. Ảnh: AP

Khi nói về việc bản Cồn (xã Tân Lập) là một trong những thôn, bản đầu tiên xây dựng “Cộng đồng học tập” của huyện Hướng Hóa, Bí thư Chi bộ bản Cồn Nguyễn Trung Hiếu cho biết, khoảng tháng 3/2016 Đảng ủy xã Tân Lập đã điều động anh về bản Cồn để thành lập Chi bộ bản Cồn, đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ bản Cồn. “Những ngày đầu được điều động nhận nhiệm vụ về bản Cồn làm Bí thư Chi bộ, tôi lo lắng, trăn trở nhiều lắm. Lo lắng, trăn trở cũng bởi đời sống người dân bản Cồn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mà một trong những nguyên nhân chính là trình độ dân trí của người dân còn thấp. Nên khó khăn trong việc tiếp cận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Muốn giải “bài toán” ấy không còn cách nào khác là phải xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” tại bản Cồn”.

Ngày 16/5/2016, bản Cồn tổ chức buổi lễ xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” trong niềm phấn khởi, vui mừng của dân bản. Hiệu quả từ mô hình “Cộng đồng học tập” của bản Cồn đã được duy trì và phát triển từ ngày phát động đến nay. Hằng năm, chi bộ ban hành nghị quyết và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên, các tổ chức đoàn thể nhiệm vụ cụ thể. Đơn cử như: Chi hội phụ nữ tiếp tục duy trì và nhân rộng quỹ “Ống tre khuyến học”; Chi hội nông dân phát động quỹ “Gốc chuối khuyến học”. Đồng thời chỉ đạo chi hội khuyến học hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá. Từ mô hình “Cộng đồng học tập” đã góp phần huy động hàng trăm suất học bổng, xe đạp, áo quần, sách vở, xây dựng nhà tình thương… để tiếp sức cho con em bản Cồn đến trường học tập”, anh Hiếu chia sẻ.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Lộc cho biết, những năm qua Hội Khuyến học huyện luôn chú trọng kiện toàn, củng cố công tác tổ chức hội khuyến học và hiện có 21 cơ sở hội, 236 chi hội với 32.290 hội viên. Các tổ chức khuyến học được xây dựng trên khắp các địa bàn dân cư, thôn, bản, khối khóm, trong các dòng họ, các hội đồng hương, hội cha mẹ học sinh, trong các cơ quan, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc rất tích cực từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Nhân dân nên các hoạt động khuyến học, khuyến tài đều đi đúng hướng, sát với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của hội cấp trên. Trong việc thực hiện Quyết định số 281/ QĐ-TTg, ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, từ năm 2016 đến nay huyện Hướng Hóa có 17 xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình “Gia đình học tập” với 11.546 gia đình đăng ký và được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”. Nhiều gia đình đã nỗ lực vượt khó để nuôi con ăn học và trở thành “Gia đình học tập” tiêu biểu…

Đối với mô hình “Dòng họ học tập”, đến nay có 35 dòng họ đăng ký danh hiệu và được công nhận “Dòng họ học tập”. Các dòng họ trên địa bàn huyện đã chú trọng thành lập ban khuyến học dòng họ nhằm chăm lo tốt cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, ngoài việc khen thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, các ban khuyến học dòng họ từng bước quan tâm, chăm lo đến các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ các cháu tiếp tục đến trường… Các ban khuyến học dòng họ luôn nêu cao việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu, nêu gương người tốt, việc tốt, từ đó hướng các thế hệ con cháu nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Mô hình “Cộng đồng học tập” có 115 thôn, bản, khối, khóm đăng ký danh hiệu “Cộng đồng học tập” (có 93 cộng đồng đã được công nhận đạt “Cộng đồng học tập”). Các hoạt động của mô hình “Cộng đồng học tập” phong phú, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương; các nội dung, tiêu chí của mô hình “Cộng đồng học tập” đã thúc đẩy các thôn, khu dân cư đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người dân học tập; quỹ khuyến học thôn, khu dân cư được sử dụng hiệu quả…

Mô hình “Đơn vị học tập” có 110 đơn vị đăng ký (có 79 đơn vị đạt “Đơn vị học tập”). Hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đã bám sát các tiêu chí “Đơn vị học tập” để xây dựng kế hoạch thực hiện. Việc xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” đã góp phần thúc đẩy việc học tập thường xuyên, liên tục của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, trường học… Mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã có 21/21 xã, thị trấn đăng ký (có 8 xã được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã). Các xã đã bám sát 15 tiêu chí để phân công các thành viên trong ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của xã phụ trách từng tiêu chí phù hợp với Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã… Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa cũng đã chú trọng xây dựng và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, nhằm giúp người dân nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, góp phầp xây dựng nông thôn mới...

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150498