Chăm sóc cây vụ đông, đảm bảo nguồn cung cho thị trường tết
Vụ đông năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng hơn 2.800 ha rau, màu các loại, sản lượng ước đạt trên 39.000 tấn, trong đó diện tích rau dài ngày (bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, cà rốt,…) chiếm trên 60% tổng diện tích, còn lại là rau ngắn ngày (các loại cải ăn lá, rau, đậu Hà Lan, hành lá, mùi, xà lách…). Để cung cấp rau xanh phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong điều kiện thời tiết giá rét.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị Phạm Thị Tịnh, thôn An San, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) xuống đồng chăm sóc hơn 1 sào rau, màu của gia đình. Năm nay, giá rau cao hơn mọi năm nên chị trồng các loại rau ngắn ngày. Theo chị Tịnh, trồng các loại rau ngắn ngày sẽ nhanh có sản phẩm, cung ứng nguồn rau cho thị trường đang khan hiếm. Giá rau cao nên chị cũng chăm sóc để nâng cao năng suất, có thêm thu nhập từ vụ sản xuất này. Chị Tịnh cho biết: Năm nay mưa nhiều nên rau dễ bị hỏng, tôi lên luống cao, chăm sóc, để ý trồng dặm, gieo bổ sung sớm, có mưa thì khơi thông để rau không bị ngập. Chăm rau không quá vất vả, làm quen rồi sẽ có nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung vụ rau này sản xuất khá thuận lợi.
Theo kinh nghiệm của chị Tịnh, vụ đông có ngày thời tiết giá rét, có sương muối. Những loại rau ngắn ngày thường là rau ăn lá như cải, xà lách, hành, mùi… rất dễ bị táp lá. Để bảo vệ rau, chị thường phủ một lớp rạ lên luống, bón cho cây bằng phân hữu cơ hoai mục, buổi sáng tưới nước rửa trôi sương mai. Nhờ những cách làm này, diện tích rau của gia đình phát triển tốt.
Xã Cốc San hiện có hơn 50 ha cây vụ đông, chủ yếu là hành, xà lách, mùi, cà rốt, cải, rau ngót, su hào. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, rau, củ khan hiếm nên giá bán tăng mạnh, đó cũng là động lực để bà con đẩy nhanh làm đất, trồng rau gối vụ.
Theo khuyến cáo của ngành trồng trọt, đối với diện tích rau ngắn ngày, bà con tiếp tục mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường giữa các trà rau dài ngày chưa đến kỳ thu hoạch; trồng luân canh, xen canh, gối vụ, rải vụ liên tục; thu hoạch dần bằng cách tỉa thưa, thu non, thu đến đâu trồng tiếp đến đó để có sản phẩm liên tục nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập trên 1 ha đất canh tác.
Đối với diện tích rau, màu dài ngày xuống giống từ giữa tháng 9 (bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, cà rốt, ngô ngọt…) tăng cường chăm sóc, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh; tập trung thu hoạch trong tháng 11 và tháng 12; các trà xuống giống trong tháng 10, tháng 11 ưu tiên nhóm cây ưa lạnh, chủ động chăm sóc, tưới rửa sương cho cây trồng để có rau cung cấp trong tháng 12 và tháng 1/2022. Bà con có thể gieo trồng vụ tiếp theo để có sản phẩm thu hoạch dịp sau tết.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Bên cạnh các biện pháp chăm sóc, bảo vệ tốt cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý, bà con có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như làm nhà lưới, nhà màng hoặc vòm che thấp; tăng cường liên kết sản xuất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, lựa chọn các cây trồng có giá trị, các loại rau đặc sản; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học và thực hiện theo các quy trình sản xuất rau an toàn như VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.