Chăm sóc hiệu quả tạo nên sự khác biệt trong điều trị

Nằm trong chương trình khám chữa bệnh từ xa, tuần qua phòng điều dưỡng Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTW) phối hợp với các khoa điều trị kết nối với các điểm cầu thông qua nội dung về công tác điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân (BN) điều trị nội trú tại bệnh viện về 2 vấn đề rất khó, đó là 'Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp' và 'Chăm sóc biến chứng bàn chân của người bệnh đái tháo đường'.

Qua chương trình đào tạo từ xa này, điều dưỡng tuyến dưới cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc người bệnh của tuyến trên. TS.BS.Phan Hướng Dương - PGĐ BVNTTW cho biết: Nếu chỉ là những bài viết, báo cáo đơn thuần thì sẽ không mang lại hiệu quả lớn. Nhưng qua chương trình khám chữa bệnh từ xa này, khi kết hợp với hình ảnh, clip trong từng ca bệnh cụ thể thì các điều dưỡng ở các đầu cầu vừa lắng nghe vừa được quan sát trực tiếp các thao tác kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả lớn. Vừa không tốn kém chi phí về thời gian, tiền bạc của nhân viên y tế tuyến dưới lên tuyến trên học tập mà vẫn thu được kiến thức hiệu quả cao.

TS.BS.Phan Hướng Dương - Phó giám đốc BVNTTW trao đổi với các điểm cầu trong một buổi khám chữa bệnh từ xa

TS.BS.Phan Hướng Dương - Phó giám đốc BVNTTW trao đổi với các điểm cầu trong một buổi khám chữa bệnh từ xa

Cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân

Khẳng định vai trò quan trọng của người điều dưỡng (NĐD), Ngày đái tháo đường (ĐTĐ) Thế giới năm 2020, Liên đoàn ĐTĐ thế giới đã chọn tiêu đề “ĐTĐ và điều dưỡng”, vì chính sự chăm sóc hiệu quả đã tạo nên khác biệt trong điều trị. Và tiêu đề “ĐTĐ và điều dưỡng” nhằm tôn vinh vai trò của NĐD trong nâng cao chất lượng thăm khám và điều trị cho BN.

Nhưng vai trò của NĐD không chỉ đối với bệnh ĐTĐ mà trong tất cả các bệnh. Theo TS.Phan Hướng Dương, thực tế trong bệnh viện, nhiệm của NĐD là rất rộng. Từ những công việc hành chính như tiếp đón BN, giải thích cho họ về việc thực hiện những nội quy về khám chữa bệnh, thủ tục nhập viện… đến công tác chuyên môn. Mà hiện nay, công tác chuyên môn đòi hỏi ngày càng cao vai trò của NĐD. Nên ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sĩ, thì NĐD còn phải cụ thể hóa nó, nghĩa là phải giải thích, hướng dẫn cho BN kiến thức về bệnh tật, bao gồm việc thực hành cách uống và tiêm thuốc đúng, giải thích biến chứng có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc, đến chăm sóc vết thương, theo dõi nhiễm trùng sau mổ, thực hiện chế độ ăn và luyện tập phù hợp khi đang điều trị tại bệnh viện và sau khi ra viện. Điều này giúp BN tuân thủ tốt hơn việc điều trị bệnh. Ngoài ra, NĐD tiếp xúc gần gũi, chăm sóc bệnh nhân hằng ngày nên sẽ phải có kiến thức để giải thích các thắc mắc của BN cũng như nắm bắt được tâm lý của họ để giúp họ giải tỏa nỗi lo khi đang mang bệnh... Do vậy, chất lượng của điều trị đảm bảo được tốt thì không chỉ có vai trò của bác sĩ mà vai trò của người điều dưỡng là rất lớn. Như vậy, NĐD chính là cầu nối giữa thầy thuốc và BN.

Quang cảnh tại điểm cầu BVNTTW trong buổi tư vấn từ xa về công tác điều dưỡng.

Quang cảnh tại điểm cầu BVNTTW trong buổi tư vấn từ xa về công tác điều dưỡng.

Vai trò giám sát dinh dưỡng

Trong tất cả các bệnh, vai trò của dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục cũng như hỗ trợ điều trị bệnh. Theo TS.Dương, tại bệnh viện, việc cung cấp suất ăn thì phải có các đơn vị dinh dưỡng chuyên nghiệp tính toán cho từng loại bệnh. Nhưng NĐD là cầu nối giữa BN và đơn vị dinh dưỡng để hàng ngày giám sát chất lượng của khẩu phần ăn của BN có đúng quy định hay không. Mỗi BN lại có chế độ và khẩu phần ăn khác nhau và NĐD phải giám sát quy định về chế độ này có đúng và phù hợp từng đối tượng hay không. Giám sát về chất lượng của khẩu phần ăn và chất lượng an toàn thực phẩm và xem BN đánh giá như thế nào về khẩu phần ăn. Từ đó sẽ báo cáo về hệ thống dinh dưỡng của bệnh viện để nâng cao chất lượng phục vụ dinh dưỡng phù hợp.

Ngoài những tư vấn về chế độ chăm sóc như nêu trên tại bệnh viện, thì NĐD còn cần hướng dẫn BN những kiến thức cơ bản về bệnh để họ có thể biết cách sử dụng thuốc và luyện tập an toàn tại nhà.

Chất lượng của người điều dưỡng ngày càng được nâng cao

Đánh giá về chất lượng điều dưỡng hiện nay tại bệnh viện, TS.Phan Hướng Dương cho hay: Hiện tại, số lượng điều dưỡng tại BV NTTW chiếm khoảng 60% nhân viên y tế, điều đó nói lên vai trò cực kỳ quan trọng của NĐD. So với trước đây, sự đòi hỏi và yêu cầu về công tác của NĐD phải nâng cao rất nhiều.

Một yêu cầu của Bộ Y tế tạo ra sự chuyển biến rất lớn trong chất lượng của bệnh viện, đó là thái độ chăm sóc của nhân viên ngành y tế đã thay đổi rất lớn. Đã tạo ra sự hòa nhã, thân thiện, gắn kết giữa nhân viên y tế với người bệnh. Đây là yếu tố rất quan trọng mà bệnh viện đã thực hiện để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Điều đó muốn nói lên tổng thể yêu cầu của NĐD so với trước đây, không chỉ là yêu cầu nâng cao về chuyên môn mà còn phải đáp ứng được công tác tư vấn và hướng dẫn và thái độ hòa nhã, tận tình với BN.

Khi kết hợp với hình ảnh, clip trong từng ca bệnh cụ thể thì các điều dưỡng ở các đầu cầu vừa lắng nghe vừa được quan sát trực tiếp các thao tác kỹ thuật đã mang lại hiệu quả lớn.

Khi kết hợp với hình ảnh, clip trong từng ca bệnh cụ thể thì các điều dưỡng ở các đầu cầu vừa lắng nghe vừa được quan sát trực tiếp các thao tác kỹ thuật đã mang lại hiệu quả lớn.

Nói về yêu cầu công tác của NĐD, CN.Ngô Thị Thùy Dương - trưởng phòng điều dưỡng BVNTTW, chia sẻ: NĐD hiện nay phải có đủ 2 chức năng: phối hợp và chủ động, nên quan điểm như trước đây là “điều dưỡng phụ thuộc bác sĩ” là không còn nữa. Trên thực tế công việc, thì NĐD tiếp xúc và chăm sóc trực tiếp cho BN hầu hết trong thời gian nằm viện. Bác sĩ đóng vai trò khám bệnh và chỉ định điều trị, nhưng điều dưỡng là người nắm bắt tâm tư tình cảm, các dấu hiệu diễn biến bất thường của bệnh nhân nhanh nhất. Vì thế nếu NĐD không làm việc theo tính chủ động thì không thể đáp ứng được kịp thời nhu cầu của BN.

Như vậy, trong suốt thời gian BN điều trị tai bệnh viện, hằng ngày NĐD sẽ phải xuống phòng bệnh nhiều lần để chủ động tìm xem bệnh nhân có dấu hiệu bất thường hay không, kiểm tra dịch truyền và việc thực hiện dùng thuốc của bệnh nhân như thế nào… Nghĩa là người điều dưỡng phải tìm nhu cầu của bệnh nhân để đáp ứng chứ không phải là chờ bệnh nhân yêu cầu rồi mới thực hiện. Do đó tính chất công việc như vậy, nên đòi hỏi chất lượng điều dưỡng luôn phải nâng cao.

Điều dưỡng trưởng Ngô Thị Thùy Dương cũng cho hay: Khi học tại trường điều dưỡng, chúng tôi chỉ được học những kiến thức cơ bản, còn khi thực hành tại bệnh viện, mỗi chuyên khoa lại đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt. Do đó NĐD sẽ được đào tạo và tăng cường kiến thức tại bệnh viện, cập nhật kiến thức thường xuyên, như tại BVNTTW mỗi năm tổ chức 3-4 lần tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức cho NĐD.

Khi vai trò của NĐD được chủ động, thì cần phải nâng cao kiến thức để có thể tư vấn cho BN và người nhà hiểu hơn về bệnh, giúp BN có thể chủ động trong việc tự chăm sóc bản thân tại nhà qua việc dùng thuốc đúng, chế độ ăn và luyện tập phù hợp với sức khỏe.

Thu Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-hieu-qua-tao-nen-su-khac-biet-trong-dieu-tri-n184440.html