Chăm sóc sức khỏe mùa thi

Vào thời điểm mùa thi, sĩ tử cả nước đua nhau 'dùi mài kinh sử' trước khi chạm cửa phòng thi. Bên cạnh khối kiến thức khổng lồ, sức khỏe là yếu tố quyết định cho cuộc đua tài vào giờ chót. Làm thế nào để giữ gìn sức khỏe trong mùa thi?

“Sĩ tử” cần ăn đủ chất để có sức khỏe tốt cho kỳ thi. Ảnh: ITN.

“Sĩ tử” cần ăn đủ chất để có sức khỏe tốt cho kỳ thi. Ảnh: ITN.

Tránh stress

Học để thi là một quá trình khổ luyện đầy nhọc nhằn, lao tâm, lao lực, Đây thật sự là lúc cày cấy cật lực trên cánh đồng chữ nghĩa để mong đạt được kết quả tốt nhất, mang tính chất quyết định cho ngã rẽ của cuộc đời.

Mùa thi là khoảng thời gian mà người học phải chịu nhiều áp lực nhất. Áp lực về thời gian và khối kiến thức khổng lồ. Áp lực về ước muốn của gia đình và khả năng của thí sinh. Ngay cả một thoáng nghĩ suy đến chuyện thi không đỗ của thí sinh cũng tạo nên stress cho chính bản thân mình.

Vì thế trong giai đoạn tập trung ôn thi, các sĩ tử tránh nghĩ lung tung về chuyện nếu... mình thi không đỗ, mà hãy luôn quyết tâm rằng "ra quân là chiến thắng", để có một trạng thái tâm lý lạc quan và tươi vui nhất. Điều này sẽ tạo nên sự hưng phấn và nhờ thế mà kiến thức sẽ được "nạp" vào bộ não mau hơn, tốt hơn, nhớ dai và nhớ chắc.

Các bậc phụ huynh cũng cần phải thể hiện qua sự chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các con tập trung ôn thi. Không khí gia đình ấm cúng, vui vẻ... điều này góp phần làm giảm stress cho các sĩ tử. Nhờ vậy sẽ có được một không gian yên tĩnh để có thể giúp các em tiếp thu kiến thức một cách có hiệu quả nhất.

Nếu có điều kiện, gia đình hãy bố trí một góc học tập thoáng mát và yên tĩnh, biệt lập với mọi người để tránh bị "làm phiền" bởi tiếng nói hoặc guốc dép đi lại...

Những người thân trong gia đình cần tôn trọng không gian riêng tư cho "kẻ sĩ", kịp thời động viên chia sẻ, chắc chắn sẽ là liều thuốc tăng lực cho người đang ngày đêm đèn sách.

Ăn uống đủ dinh dưỡng

Trái cây chứa nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng.

Trái cây chứa nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng.

Vào mùa thi, các sĩ tử cần có một chế độ ăn đặc biệt hơn so với bình thường. Tăng cường chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn, vì khoảng thời gian học thi tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể có đủ các chất cần thiết cho hoạt động tế bào của tất cả các cơ quan trong cơ thể, nhất là bộ não đang "căng", vì hoạt động hối hả và hết công suất... Nên ăn các thức ăn quen thuộc và phù hợp với khẩu vị.

Tốt nhất là ăn chín uống sôi để bảo đảm điều kiện vệ sinh. Nếu không sẽ xảy ra tiêu chảy hay ngộ độc thức ăn thì việc học sẽ bị gián đoạn.

Bữa ăn sáng rất quan trọng đối với cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bữa ăn sáng còn quan trọng hơn cả bữa trưa và bữa tối. Ấy vậy mà nhiều em chỉ ăn qua quýt và thậm chí là... nhịn. Giai đoạn học thi rất cần tăng cường cho các em bữa ăn phụ ngoài cơm ngày 3 bữa ra.

Các thức ăn cần cân đối, đa dạng giữa các thành phần bột (gạo, nếp, bắp, khoai, sắn), đạm(thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu…), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), rau xanh và trái cây (chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng).

Việc dùng "đệm" những cốc sữa, nước đường, nước ép trái cây hay ngậm kẹo lúc dạ dày "bắt đầu lên tiếng" sẽ nhanh chóng giúp cho tế bào hấp thu nhanh và tăng hiệu suất "ôn bài". Chỉ cần ăn uống điều độ và đầy đủ là cơ thể có đủ các chất để hoạt động. Điều cần lưu ý là không nên ăn nhiều loại gia vị cay như tiêu, ớt.

Không có loại thuốc nào gọi là thuốc giúp cho tăng cường trí nhớ cả. Chỉ có học tốt thì mới nhớ tốt mà thôi. Việc dùng bất cứ loại thuốc nào, kể các vitamin cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng an toàn và hợp lý nhất.

Cơ thể con người cũng giống như một cỗ máy, khi năng lượng cạn kiệt thì nó sẽ bắt đầu ì ạch, trơ ra và thậm chí là hỏng hóc.

Nghỉ ngơi, thư giãn

Nếu có cảm giác mệt và nhất là cơn buồn ngủ ập đến, hãy nghỉ ngơi, thư giãn. Việc nghỉ ngơi, thư giãn không phải là thời gian mất đi, mà là thời gian để cho não bộ phục hồi và tái tạo khả năng làm việc của các tế bào thần kinh. Cần xen kẽ việc học với thể dục, thể thao hợp lý để đầu óc được thanh thản sau những giờ tập trung căng thẳng cho bài vở.

Việc ngồi học liên tục mà không có khoảng nghỉ sẽ làm cho cơ thể dễ mỏi mệt, thiếu sức bền hơn là sự xen kẽ giữa học tập và giải lao tích cực. Cần ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya. Luôn nhớ rằng, một khi cơ thể thèm ngủ, cũng có nghĩa là nó từ chối sự nạp thêm kiến thức, tính linh hoạt và nhạy bén suy giảm bội phần.

Một số sĩ tử dùng trà, cà phê nhằm mục đích tăng cường sự hưng phấn, tỉnh táo để học bài. Nhưng hãy luôn nhớ rằng điều này có hại nhiều hơn là có lợi. Trà và cà phê đúng là những chất làm cho thần kinh sảng khoái, có thể tỉnh táo để làm việc, nhưng nếu bị lạm dụng và sử dụng kéo dài để thúc ép não bộ và cơ thể làm việc sẽ dẫn đến sự kiệt quệ trong giờ phút mang tính quyết định nhất.

Việc học trong trạng thái mệt mỏi, "gà gật" kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ không có hiệu quả bằng 15 phút sau khi thức giấc nhờ một giấc ngủ ngắn rồi tiếp tục học.

Dưới góc nhìn y học, một giấc ngủ tốt sẽ giúp não bộ đưa các thông tin quan trọng tiếp thu được vào lưu trữ trong kho dữ liệu để đến khi cần có thể gọi ra sử dụng dễ dàng, nhanh chóng và chính xác.

Một điều cần lưu ý là não bộ chia ra nhiều vùng ngôn ngữ khác nhau. Do vậy, không nên học cố định một môn mà cần học xen kẽ giữa các môn khác nhau một cách hợp lý. Để khi học môn này thì vùng não "phụ trách" môn kia được nghỉ ngơi. Trong khoảng thời gian học 60 phút, nên "trích" ra 5 - 10 phút để vận động chân tay, thư giãn và... hít thở sâu!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cham-soc-suc-khoe-mua-thi-1595403109784.html