Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

Sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên được tỉnh quan tâm thực hiện.

Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) tìm hiểu kiến thức
về chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên.

Trẻ vị thành niên thuộc lứa tuổi từ 10 đến dưới 18 tuổi. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên rất cần trang bị các kỹ năng cần thiết để các em bước vào giai đoạn trưởng thành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, bị xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn… là do các em thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục, thiếu kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình.

Nâng cao nhận thức ở lứa tuổi này cần có sự thường xuyên và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trường học. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, ngoại khóa về kiến thức sức khỏe sinh sản cho hàng nghìn lượt học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Chi cục tổ chức 6 buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS, mất cân bằng giới tính khi sinh cho gần 700 nam nữ thanh niên tại các xã vùng sâu, vùng xa. Chủ đề tập trung vào các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; kỹ năng ứng xử trước thay đổi về tâm, sinh lý lứa tuổi; biện pháp phòng tránh lạm dụng tình dục, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Em Triệu Thị Thương, học sinh lớp 9A, trường THCS Hùng Đức (Hàm Yên) chia sẻ, em và các bạn thường xuyên được tham gia ngoại khóa do nhà trường tổ chức về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên”. Tại buổi ngoại khóa, chúng em được phát tờ rơi, được các chuyên gia giải đáp những thắc mắc mình đang gặp phải về vấn đề giới tính, SKSS. Nội dung tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa nên không gây nhàm chán, mang tính thực tế cao. Qua đó, giúp em tự tin, biết cách bảo vệ mình trước những hành vi có hại.

 Học sinh trường THCS Đội Bình (Yên Sơn) thi vẽ tranh về phòng chống xâm hại trẻ em.

Học sinh trường THCS Đội Bình (Yên Sơn) thi vẽ tranh về phòng chống xâm hại trẻ em.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học, ngành dân số tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền ngoài cộng đồng về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; xã hội hóa các phương tiện tránh thai; tảo hôn và hôn nhân cận huyết... cho hàng nghìn trẻ vị thành niên, thanh niên chuẩn bị kết hôn 2 buổi/1 tháng tại các xã, phường, thị trấn về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Các mô hình, CLB đã trở thành kênh thông tin hữu ích, làm thay đổi nhận thức của đại đa số thanh niên và người dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đây còn là nơi cung cấp thông tin giúp các bậc cha mẹ định hướng đúng cho con em mình; tác động mạnh đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác DS/KHHGĐ.

Chị Ma Thị Diệp, Chủ nhiệm CLB Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, mỗi tháng 1 chủ đề, với hình thức sinh hoạt phong phú xoay quanh các kiến thức về giới, về chăm sóc SKSS và các vấn đề xã hội đã giúp các thành viên CLB trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, kỹ năng sống. Đồng thời, rèn luyện các kỹ năng sống tích cực, giúp các em biết cách phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhờ đó CLB ngày càng có đông thành viên đến tham gia, hiện CLB có 50 thành viên sinh hoạt đều đặn.

Đồng chí Nguyễn Huy Phòng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, với 1.739 cộng tác viên dân số ở 138 xã, phường, thị trấn đã giúp gần 2.065 lượt đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên được tiếp cận các thông tin về SKSS mỗi năm. Hằng năm, Chi cục cũng biên soạn và cung cấp tài liệu cho các xã, phường tuyên truyền trên loa truyền thanh và phát 12.420 tờ rơi tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ đó, số trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên giảm từ 502 trường hợp (2017) xuống còn 180 trường hợp cuối năm 2020; số vụ xâm hại tình dục cũng giảm qua các năm.

Nâng cao kỹ năng ứng xử và trang bị cho thanh thiếu niên những kiến thức về giới và chăm sóc SKSS luôn là vấn đề quan trọng. Do đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh để việc giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS được triển khai một cách hiệu quả, giúp trẻ trưởng thành lành mạnh.

Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/cham-soc-suc-khoe-sinh-san-vi-thanh-nien-140196.html