Chán chường với Brexit

Người Anh đã rất thất vọng và chán chường khi phải chứng kiến những cuộc đàm phán rời Liên hiệp châu Âu (EU) không hề tiến triển suốt hai năm qua. Giờ đây, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn chót, Anh vẫn chưa thể dàn xếp được trong nước về việc sẽ ra đi như thế nào.

 Người dân Anh biểu tình ở London đòi xem xét lại vấn đề Brexit.Ảnh: Getty Image

Người dân Anh biểu tình ở London đòi xem xét lại vấn đề Brexit.Ảnh: Getty Image

Ba năm trước, khi người Anh chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên rời EU (Brexit) hay không, nghị sĩ Đảng Bảo thủ John Redwood đã đề xuất: Thay vì trông đợi vào việc đàm phán một thỏa thuận thương mại thuận lợi với EU, Anh nên sẵn sàng cho việc đơn giản là “phủi áo ra đi”.

Nhưng khi đó ông Redwood chỉ là ngoại lệ, là một trong số ít những người phản đối EU một cách cực đoan trong Đảng Bảo thủ. Nhiều nhân vật khác, trong đó có những vị đã “lãnh đạo” thành công chiến dịch Brexit, hứa với công chúng rằng tất cả các thỏa thuận cần thiết sẽ được chuẩn bị đúng lúc cho Brexit.

“Nước Anh vẫn có thể tiếp cận thị trường chung EU”, ông Boris Johnson, người sau này trở thành Ngoại trưởng Anh (và đã từ chức năm ngoái vì bất đồng với kế hoạch Brexit của Thủ tướng May), cam kết. Thậm chí, ông Nigel Farage, nhân vật dẫn đầu phong trào Brexit còn quả quyết rằng, ngay sau ngày chính thức rời EU, nước Anh sẽ thấy mình là một phần của khu vực kinh tế châu Âu với một thỏa thuận thương mại tự do.

Sau đó, khi các cuộc đàm phán với Brussels bắt đầu trở nên sa lầy, chính Thủ tướng Theresa May lại thừa nhận “Brexit không thỏa thuận” cũng là một lựa chọn của nước Anh. Trong bài phát biểu cứng rắn hồi tháng 1-2017 tại Lancaster House, bà May cảnh báo châu Âu không nên dồn nước Anh vào chân tường để buộc London phải chấp nhận một thỏa thuận theo kiểu “bị trừng phạt”. Theo bà May, châu Âu mới là phía phải chịu tổn thất nặng nề nếu cuộc chia ly xảy ra trong hỗn loạn.

“Mặc dù tôi tự tin rằng kịch bản này sẽ không bao giờ xảy ra, dù tôi tin chắc rằng hai bên có thể đạt được những thỏa thuận tích cực, song tôi muốn nhấn mạnh rằng với nước Anh, thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi”, bà May nói. Đó là một trong những bài phát biểu gây tiếng vang nhất của bà May, khiến bà được ví với “Người đàn bà thép Margaret Thatcher”.

Và kết cục là, sau hơn hai năm đàm phán, Anh đang đứng trước nguy cơ ra đi mà không có thỏa thuận nào cả. EU tuần trước đã phải gia hạn thêm hai tuần cho Thủ tướng Theresa May để bà có thêm thời gian dàn xếp nội bộ. Nếu trước 12-4 mà quốc hội Anh vẫn không nhất trí với kế hoạch của Thủ tướng thì nước này có thể rời EU “tay trắng” bất cứ lúc nào.

Nhiều người ở Anh từng hoảng hốt với viễn cảnh này. Ít nhất, nó sẽ khiến phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó bao gồm thực phẩm và thuốc men, sẽ phải qua một quy trình kiểm soát mới chỉ sau 1 đêm. Ngân hàng trung ương cảnh báo, đất nước có thể lâm vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1920.

Nhưng giờ đây, một bộ phận lớn dân chúng Anh đã không còn quan tâm tới mối đe dọa đó nữa. Một thăm dò do Opinium thực hiện và công bố tuần trước cho thấy, nếu quốc hội tiếp tục bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May, lần thứ ba, thì 46% người được hỏi muốn Anh ra đi tay trắng. 39% người khác muốn trì hoãn Brexit để trưng cầu dân ý lần 2.

Sự thay đổi này cho thấy, người dân đã thất vọng với quá trình đàm phán đang diễn ra. Cuối tuần trước, hàng trăm ngàn người đã biểu tình ở thủ đô London để đòi chính phủ của Đảng Bảo thủ phải tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Trang mạng của Quốc hội Anh cũng lập kỷ lục khi có 4 triệu chữ ký của người dân yêu cầu xem xét lại vấn đề Brexit.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286683/chan-chuong-voi-brexit-.html