Chân dung ứng viên nữ bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ

Việc bổ nhiệm bà Michele Flournoy vào chức vụ cao nhất ở Bộ Quốc phòng sẽ giúp ông Joe Biden giữ lời hứa về việc xây dựng một nội các đa dạng.

Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến chọn một phụ nữ làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng. Bước đi lịch sử này sẽ phá vỡ những rào cản ngầm đối với những nữ quan chức trong Lầu Năm Góc nói riêng và các cơ quan chính phủ Mỹ nói chung.

Bà Flournoy, một cựu quan chức quốc phòng có tư tưởng chính trị ôn hòa, đang được coi là lựa chọn hàng đầu cho vị trí này.

Nếu được đề cử, bà sẽ tiếp quản Lầu Năm Góc sau 4 năm đầy biến động. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bộ Quốc phòng trải qua 5 đời bộ trưởng khác nhau.

Người gần đây nhất phải ra đi là ông Mark Esper sau khi bị ông Trump sa thải vào ngày 9/11. Ông Esper có quan điểm bất đồng với tổng thống về việc rút quân và sử dụng quân đội để dập tắt tình trạng bất ổn dân sự.

Nếu tiếp quản, bà Flournoy sẽ đối mặt với một Lầu Năm Góc có ngân sách thu hẹp và khả năng quân đội phải tham gia vào việc phân phối vaccine Covid-19.

Cái tên sáng giá

Các đảng viên Dân chủ từ lâu đã muốn đưa một phụ nữ vào vị trí cao nhất trong Bộ Quốc phòng. Bà Flournoy từng là người được mong đợi sẽ đảm nhận vị trí đó nếu bà Hillary Clinton thắng cử năm 2016.

Nhiều nguồn tin của AP khẳng định Flournoy là cái tên sáng giá ngay từ đầu cho một vị trí cấp cao trong nội các của ông Biden.

Bà Flournoy, 59 tuổi, là người ủng hộ hợp tác quân sự mạnh mẽ ở nước ngoài. Bà có thời gian dài làm việc trong Lầu Năm Góc, bắt đầu từ những năm 1990 và gần đây nhất là vị trí thứ trưởng phụ trách chính sách giai đoạn 2009-2012.

 Bà Flournoy trong buổi họp chuẩn bị cho một cuộc gặp song phương với Trung Quốc vào năm 2011. Ảnh: AP.

Bà Flournoy trong buổi họp chuẩn bị cho một cuộc gặp song phương với Trung Quốc vào năm 2011. Ảnh: AP.

Bà cũng nằm trong ban giám đốc của Booz Allen Hamilton, một nhà thầu quốc phòng. Điều này có thể khiến một số nhà lập pháp lo ngại. Tuy nhiên, quan điểm ôn hòa của Flournoy có thể giúp bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ lưỡng đảng.

Một vài cái tên khác cũng được nhắc đến cho ghế lãnh đạo ở Lầu Năm Góc, bao gồm cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson. Tuy nhiên, việc chọn một người phụ nữ sẽ phù hợp với cam kết của ông Biden về xây dựng nội các đa dạng.

Trong năm qua, bà Flournoy rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ. Bà ủng hộ việc hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, sau bốn năm Nhà Trắng thực hiện chính sách "Nước Mỹ trên hết" và xa lánh các đồng minh chủ chốt.

"Dù tổng thống tiếp theo là ai, cho dù ông Trump có nhiệm kỳ thứ hai hay cựu phó tổng thống Biden đắc cử, hay bất cứ ai, tôi nghĩ một trong những vấn đề hàng đầu là cố gắng sửa chữa nhận thức rằng Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy”, bà phát biểu hồi tháng 3.

Bà Flournoy cũng cảnh báo về việc tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, tức thời khi chuyển đổi chính quyền.

“Một trong những xu hướng nguy hiểm nhất là sau khi thay đổi chính quyền, đặc biệt là khi có sự thay đổi đảng cầm quyền, là việc chính quyền mới sẽ thay đổi mọi thứ”, bà Flournoy phát biểu tại diễn đàn của Viện Hudson.

Arnold Punaro, cựu tướng thủy quân lục chiến, nói ông coi bà Flournoy là người “có trình độ cực kỳ tốt” để lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Bộ Quốc phòng là một trong ba bộ của Mỹ chưa bao giờ có nữ bộ trưởng. Hai cơ quan còn lại là Bộ Tài chính và Bộ Cựu chiến binh.

Trong số 28 người đàn ông từng đứng đầu Lầu Năm Góc từ năm 1947, một số người từng là quân nhân. Dưới thời ông Trump, Bộ Quốc phòng có đến ba bộ trưởng từng tham gia quân đội là ông Jim Mattis, Mark Esper và quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới bổ nhiệm Christopher Miller.

Bà Flournoy không phục vụ trong quân đội.

Người phụ nữ có quan điểm ôn hòa

Giống như hai cựu Bộ trưởng Mattis và Esper, bà Flournoy coi Trung Quốc là thách thức lâu dài và quan trọng nhất đối với vai trò dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế. Vào tháng 7, bà nhận định Mỹ đang đánh mất lợi thế về công nghệ quân sự trước các đối thủ cạnh tranh chính như Trung Quốc. Bà khẳng định việc đảo ngược xu hướng này phải là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo không nên từ bỏ Trung Đông và ủng hộ “sự hiện diện quân đội liên tục với mức độ khiêm tốn hơn” ở khu vực này. Bà ủng hộ việc Mỹ giữ vai trò hạn chế hơn ở Afghanistan, chú trọng vào việc chống khủng bố hơn là hỗ trợ đất nước này hồi phục.

“Chúng tôi muốn rút quân dần, nhưng chúng tôi muốn làm điều đó theo cách thông minh và bảo vệ lợi ích của chúng tôi trong suốt quá trình”, bà Flournoy nói về Afghanistan vào tháng 3. Cựu thứ trưởng cũng hy vọng “Mỹ không rút quân hoàn toàn và chạy mất”.

 Bà Flournoy, khi còn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói chuyện với trung tướng thủy quân lục chiến John Paxton vào năm 2010. Ảnh: AP.

Bà Flournoy, khi còn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói chuyện với trung tướng thủy quân lục chiến John Paxton vào năm 2010. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump đã hối thúc việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn chưa thực hiện nguyện vọng này của ông Trump.

Về tình hình ở bán đảo Triều Tiên, bà Flournoy khẳng định giải trừ hạt nhân vẫn là mục tiêu cuối cùng, nhưng cũng thừa nhận khó có khả năng ông Kim Jong Un đồng ý từ bỏ tất cả vũ khí nguyên tử. Bà Flournoy nói Bình Nhưỡng xem những vũ khí này như "lá bài sống còn" của chính quyền.

Về Iran, bà Flournoy kêu gọi có cách tiếp cận mới thay cho việc đưa thêm lính Mỹ tới vùng Vịnh để đáp trả các hành động khiêu khích. Đây là việc chính quyền ông Trump đã làm vào tháng 5/2019, sau những động thái Mỹ gọi là đe dọa lợi ích của nước này trong khu vực.

Như Trần
Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-dung-nguoi-co-the-la-nu-bo-truong-dau-tien-o-lau-nam-goc-post1153313.html