Chấn hưng văn hóa - cần cách tiếp cận mới

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm coi trọng phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Đầu tháng 8.2023, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước về thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm coi trọng phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tránh tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế, ít quan tâm đến văn hóa.

Đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Thị trường văn hóa

Tinh thần đó đòi hỏi một tư duy mới về quản lý văn hóa, theo đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Nhà nước chỉ điều tiết thị trường văn hóa thông qua định hướng về nội dung, tư tưởng theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; quản lý, điều chỉnh thị trường bằng pháp luật qua các công cụ kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cơ bản ở những lĩnh vực quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Quan tâm tới các dịch vụ văn hóa công ít có lợi nhuận, những tầng lớp xã hội chịu thiệt thòi... nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Chưa bao giờ vấn đề chấn hưng văn hóa được quan tâm nhiều như giai đoạn phát triển vừa qua. Nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý có chung nhận định, văn hóa nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Vị trí, vai trò của văn hóa từng bước được xác định đúng đắn và được quan tâm đầu tư đúng mức.

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn được quan tâm, chăm lo đầu tư và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên thực tế triển khai các quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa bộc lộ tồn tại, hạn chế của hoạt động văn hóa.

Hạn chế về nhận thức, không nhận thức đầy đủ và không đưa đường lối, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước vào hoạt động của các ngành, các địa phương. Vai trò của văn hóa chưa được xác định đúng tầm, các cấp, các ngành chưa nhận thức một cách sâu sắc và quan tâm đến đầu tư cho văn hóa đúng mức, tương xứng với kinh tế và chính trị. Chính sách phát triển văn hóa của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa còn hạn chế, thiết chế văn hóa và di sản văn hóa trên cả nước tiếp tục bị xuống cấp, mai một.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật không theo kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, kinh tế số, công dân số hiện nay. Hoạt động văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng và chưa vững chắc, chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi đất nước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động sáng tạo, sản xuất, phổ biến, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta đều phải đáp ứng được hai yêu cầu: phải khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần để xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp và phải khai thác văn hóa như một động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa không chỉ có chức năng bồi đắp về tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ cho xã hội, văn hóa là động lực, là nguyên nhân, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Sản phẩm văn hóa chất lượng kém có dấu hiệu gia tăng

Đội ngũ nhân lực bị đứt gãy thế hệ, thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ chuyên nghiệp, trẻ, xứng tầm với nhiệm vụ, bao gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý cho tới cán bộ chuyên môn, sáng tác, biểu diễn. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phải đối mặt với thị trường, trả lời các câu hỏi của đời sống, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng đa dạng, sinh động của các tầng lớp xã hội khác nhau.

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của nhân dân tác động mạnh mẽ đến quá trình sáng tạo, sản xuất, quảng bá các sản phẩm này. Đây là thời cơ để đội ngũ văn nghệ sĩ, những doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này phát huy tài năng, sức sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của công chúng, đồng thời đặt ra không ít thách thức trước sự biến đổi thường xuyên của nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của công chúng.

Hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của người nghệ sĩ phải bám sát vào đời sống, đối diện thường xuyên với thị trường văn hóa, vừa phải chú ý đến hiệu quả tư tưởng, thẩm mỹ, nghệ thuật, vừa phải chú ý cả về hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động này đến nay chưa thực sự được vận hành đồng bộ trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều sáng tác đã không còn đi theo những giá trị văn hóa chuẩn mực truyền thống mà càng ngày càng pha trộn các giá trị văn hóa ngoại lai, tác động không đúng tới giá trị của cái đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Nhiều người hoạt động văn hóa nghệ thuật chạy theo xu hướng thương mại hóa, chạy theo thị hiếu thấp kém, tạo ra các sản phẩm văn hóa kém chất lượng làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.

Ngày càng nhiều các sản phẩm dễ dãi, thiếu giá trị nghệ thuật, thậm chí cổ xúy cho những xu hướng lệch lạc, ảnh hưởng tới định hướng thẩm mỹ của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Nước ta thiếu những sản phẩm văn hóa có giá trị đặc sắc, có tầm vóc xứng đáng với những thành tựu lịch sử của dân tộc trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI; chưa tạo được nền tảng vững chắc cho những phát triển đột phá về công nghiệp văn hóa để góp phần chuẩn bị hành trang văn hóa cho dân tộc Việt Nam hội nhập để tỏa sáng.

Tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn hóa ngày càng trở nên đa dạng. Quần chúng nhân dân được tiếp cận các sản phẩm văn hóa không chỉ thông qua các phương thức truyền thống (như đi tới rạp xem phim, tới triển lãm xem tranh…) mà còn được tiếp cận nhanh chóng thông qua môi trường mạng.

Thông tin trên môi trường mạng tạo ra sự ưu việt vượt trội về tốc độ và phạm vi, không biên giới tạo ra những thách thức to lớn đối với việc quản lý văn hóa, trong việc chọn lọc tác phẩm có giá trị, ngăn chặn sản phẩm độc hại, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, phản động chống phá thành tựu cách mạng, tác động không nhỏ tới an ninh văn hóa.

Nguồn lực còn hạn chế

Hạn chế về nguồn lực chưa cho phép chúng ta truyền bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao của Việt Nam ra nước ngoài. Điều đó hạn chế sự hiểu biết của thế giới về con người, đất nước Việt Nam, tạo kẽ hở cho các lực lượng chống phá cách mạng tuyên truyền, quảng bá sai lệch về giá trị văn hóa truyền thống, bôi nhọ giá trị lịch sử của dân tộc.

Vấn nạn này trở nên vô cùng cấp bách. Cũng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị di sản văn hóa, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã bị xâm phạm hoặc trùng tu, sửa chữa dưới hình thức xã hội hóa tùy tiện, không giữ được các giá trị ban đầu.

Các thành quả cho đầu tư tôn tạo các di tích thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 và 2012-2015 dần bị mai một do nguồn kinh phí duy trì, bảo tồn không bảo đảm. Đầu tư ít, manh mún, không thể đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư, khiến cho mọi hoạt động của lĩnh vực văn hóa đều gặp khó khăn, hiệu quả không cao.

Đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Chương trình này kết thúc vào năm 2015, hiện nay nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp Trung ương và địa phương và từ kinh phí nguồn sự nghiệp hằng năm còn hạn chế (cụ thể, giai đoạn 2017-2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước) nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa, bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…

Một số chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt thời gian qua có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể, không hướng tới các sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chan-hung-van-hoa-can-cach-tiep-can-moi-a163023.html