Chặn 'làn sóng' bán tài sản, vực dậy niềm tin cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp. Có thể thấy khó khăn về thị trường, vốn, bất cập thủ tục hành chính… khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình trạng hoang mang, mất niềm tin để duy trì sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp bán tài sản” là thực trạng được Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra ngay đầu kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Bán tài sản, mất niềm tin kinh doanh

Hiện tượng DN phải bán tài sản, "bán mình" không chỉ diễn ra ở khu vực bất động sản, du lịch… mà đang lan tới ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Đơn cử, ngành chăn nuôi gia cầm thời gian qua liên tục “kêu cứu” cơ quan quản lý về kiểm soát gia cầm nhập lậu, trong bối cảnh sức cầu tiêu thụ giảm, chi phí đầu vào tăng lên khiến cả người nuôi nhỏ lẻ và DN rơi vào tình cảnh thua lỗ.

Rao bán tài sản là bước đường cùng mà nhiều DN đã lựa chọn khi họ không biết có giải pháp gì để kinh doanh hiệu quả (Ảnh minh họa).

Rao bán tài sản là bước đường cùng mà nhiều DN đã lựa chọn khi họ không biết có giải pháp gì để kinh doanh hiệu quả (Ảnh minh họa).

Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết, DN này chủ yếu nuôi dòng gà ri lai 95 – 100 ngày, cung cấp cho các nhà hàng, bến ăn công nghiệp. DN tự chủ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thành với loại dòng gà này khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg nhưng giá bán ra cao nhất chỉ được 47.000 đồng/kg, thậm chí có giai đoạn rơi xuống 35.000 đồng/kg.

Chi phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, kèm theo các khoản lãi ngân hàng, vận tải, khâu phân phối, trung gian đã "ăn" hết lợi nhuận của người chăn nuôi. Ông Huyên chia sẻ: "DN đã phải bán đi hai nhà máy gần 80 tỷ để bù lỗ, nếu tình trạng này kéo dài thêm 6 tháng, chúng tôi có thể phá sản”.

Tương tự, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều, nguồn tài chính thiếu hụt khiến nhiều DN ngành chế biến gỗ và lâm sản rơi vào tình thế thu hẹp sản xuất, tạm ngừng sản xuất. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho DN làm ăn chân chính.

Đáng lo hơn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thông tin, khảo sát của Ban IV về niềm tin kinh doanh của DN liên quan tới vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, nội tại mà DN gặp phải… cho thấy, nếu nhìn theo loại hình, DN tư nhân có tín hiệu bi quan hơn DN FDI và DN nhà nước. Rõ ràng đây là nhóm chủ thể cần được quan tâm.

Đáng chú ý, "những DN nằm ở đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM tỏ ra “bi quan” hơn so với các tỉnh thành khác… là tín hiệu cho thấy đây không thuần túy là câu chuyện nhỏ mà là bài toán lớn cần suy nghĩ", bà Thủy cảnh báo.

Bên cạnh vốn, thị trường, khảo sát của Ban IV cũng cho thấy, nhiều DN phản ánh công tác thực thi chủ trương chính sách cho DN kém hiệu quả, câu chuyện về thủ tục hành chính, quy trình thủ tục như phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế… còn nhiều bất cập.

Thêm "nút thắt" về thủ tục hành chính

Vừa qua, Ban IV đã gửi các kiến nghị cộng đồng DN lên Thủ tướng Chính phủ và nhận được phản hồi rất nhanh như vướng mắc về visa, hoàn thuế, phòng cháy chữa cháy, căn cứ tính đóng BHXH… Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thực thi chỉ đạo đó. “Văn bản chỉ đạo của Chính phủ chỉ rõ khoảng thời gian mà các đơn vị liên quan cần báo cáo lại… nhưng khâu thực thi dường như vẫn chưa được tháo gỡ, không đi đến đích”, bà Thủy đánh giá.

Liên quan tới thủ tục hành chính, ngày 4/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg về việc khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành; trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách trước ngày 15/5/2023 về những đề nghị của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết.

Tuy vậy, đến ngày 17/5/2023, Văn phòng Chính phủ mới chỉ nhận được báo cáo của 4/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phải khẩn trương báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 25/5/2023 về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, giải quyết; trường hợp không có kiến nghị, đề xuất nào chưa được bộ, cơ quan giải quyết thì cũng phải báo cáo rõ là không có.

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, rõ ràng DN Việt đang bị suy kiệt, trong khi thế giới đang có sự dịch chuyển, mà chúng ta yếu đi thì sẽ đối mặt khó khăn hơn nhiều. Từ cuối năm ngoái tới nay, nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN các ngành đã được Chính phủ tổ chức, nhưng việc hỗ trợ trên thực tế cần phải đẩy mạnh nhanh hơn nữa.

Cụ thể, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ kéo giảm lãi suất cho vay nhưng quan trọng hơn nữa là cần giảm thủ tục, quy trình cho vay.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, cần phải trao cho DN quyền, tránh tình trạng hoàn thuế xuất khẩu kéo dài quá từ 6 tháng tới cả năm thì DN khó khăn.

“Trong bối cảnh khó khăn thế này, tại sao không đơn giản thủ tục hoàn thuế theo quy định như sau 2 tuần nếu DN hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu thì được hoàn thuế, nếu sai thì sẽ bị phạt”, ông Thiên nêu.

Ông Trần Hoàng Ngân

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Muốn có được sự hỗ trợ tổng thể tới DN thì phải hiểu họ đang gặp khó ở đâu. Cái khó của DN không chỉ ở vấn đề lãi suất ngân hàng mà còn là những khó khăn khác mà các DN đã trải qua trong một quãng thời gian từ khi COVID-19 xuất hiện đến nay. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm, xuất khẩu giảm đã và đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Rất cần phải quan tâm đến kiểm soát độ mở của nền kinh tế vì quốc gia có độ mở lớn sẽ dễ bị “rung lắc" bởi tác động từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh, DN không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp. Cuối năm ngoái, đầu năm nay, DN còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, giờ thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng DN không biết nên làm gì cho hiệu quả. Hiện, khoảng 50% DN trên địa bàn đang gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng ngành xây dựng giảm 65%, dệt may và da giày giảm 40-50%, lương thực thực phẩm giảm dưới 10%...

Ông Nguyễn Cường

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang

Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho DN trong giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn… Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hành chính, gỡ khó kịp thời cho DN. UBND các địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành sớm cụ thể hóa những chính sách của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chan-lan-song-ban-tai-san-vuc-day-niem-tin-cho-doanh-nghiep-1092787.html