Chặn lỗ hổng kiểm soát nguồn gốc gỗ
Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên việc kiểm soát nguồn gốc gỗ và hiện tượng nước ngoài đầu tư trá hình đang là thách thức lớn để ngành gỗ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025...
Cơ hội lớn từ thị trường EU
Tại Hội nghị Thủ tưởng Chính phủ với doanh nghiệp tư nhân toàn quốc tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM phấn khởi cho biết: “ Kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu. Vượt qua nhiều cảnh báo rủi ro từ trước đó, cả những thách thức về nhân lực, thị trường, các DN trong ngành một lẫn nữa khẳng định bản lĩnh và khả năng ứng biến để có thể làm chủ cuộc chơi”.
Về xuất khẩu và chế biến gỗ, Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Ông Khanh tự tin ngành gỗ Việt Nam sẽ vẫn giữ ngôi vị số 02 thế giới trong vòng 5 năm tới.
Ông Khanh tự tin vì Việt Nam có thế mạnh về nhân công, về tay nghề… hơn nữa là có nhiều cơ hội khi các Hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được thực thi.
Hơn nữa, châu Âu là thị trường là một thị trường tiềm năng cho ngành gỗ Việt. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết nhập khẩu đồ gỗ nội thất của EU trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4 triệu tấn, trị giá gần 11 tỷ Euro, tương đương với 12 tỷ USD.
Theo Eurostat, Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường ngoài khối cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho EU. Trong đó Việt Nam là một trong 4 thị trường cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chính cho EU, là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn thứ 8 của EU.
VNTLAS- Phải được ”dùng chung”
Theo Hiệp định VPA/FLEGT đã có hiệu lực từ 01/6/2019, chỉ những sản phẩm gỗ chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp mới được nhập khẩu vào EU. Trong khi việc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp vẫn đang là thách thức đối với ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ. Cùng với đó là hiện tượng nước ngoài đầu tư trá hình vào ngành này để gian lận xuất xứ. Chính vì vậy, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp là biện pháp quyết định để gỗ Việt rộng đường sang Châu Âu,
Để thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) dựa trên Luật lâm nghiệp Việt Nam.
VNTLAS nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.
Tuy nhiên, về nội dung Nghị định này cũng còn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho ràng VNTLAS chỉ áp dụng với gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu, với doanh nghiệp xuất khẩu.
Các ý kiến ở chiều ngược lại nhấn mạnh rằng không chỉ EU, mà Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… những thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam cũng đều có những yêu cầu về gỗ hợp pháp. Ở trong nước càng phải làm nghiêm để ngăn chặn buôn lậu, phá rừng…
Hơn nữa, gần đây đã rộ lên hiện tượng doanh nghiệp có vốn từ Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ. Hiện tượng này được phản ánh khá rõ nét trong báo cáo “Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam” của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends.
Và đã có nhiều cảnh báo đây là hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trá hình để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, sang EU. Trong khi đó Việt Nam đang có một lỗ hổng đối với việc kiểm soát nguồn gốc gỗ tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Vì thế phạm vi áp dụng của Hệ thống VNTLAS, và tất cả các nội dung liên quan trong Dự thảo nghị định phải bảo đảm rằng hệ thống VNTLAS này bao trùm toàn bộ các chuỗi cung gỗ ở Việt Nam.
Đại diện cho phía ý kiến này là Ban Pháp chế của VCCI, Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) …, cùng nhiều chuyên gia khác.
Thuyết minh cho quan điểm VNTLAS phải “dùng chung”, bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED cho biết: theo quy định của VPA/FLEGT và Điều 69 Luật Lâm nghiệp thì Hệ thống VNTLAS này là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các loại gỗ và sản phẩm gỗ tham gia chuỗi cung ứng mà không căn cứ vào mục tiêu hay thị trường khách hàng (tức là không chỉ bao gồm các trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu, mà cả các trường hợp tiêu thụ nội địa).
Vì thế, VNTLAS phải áp dụng chung cho cả gỗ và đồ gỗ xuất khẩu và sản xuất nội địa. Và nếu Nghị định chậm ban hành, VNTLAS chậm đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gỗ sang EU.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chan-lo-hong-kiem-soat-nguon-goc-go-487872.html