Chặn nội dung xấu trên YouTube: Cần sự chung tay của cộng đồng

Việc ngày càng có nhiều người đứng ra tố cáo các YouTuber đăng tải nội dung trái với thuần phong mỹ tục, kể cả ở những kênh dành cho trẻ em... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với lĩnh vực này. Tuy nhiên, không dễ quản lý nội dung trên mạng xã hội 'hái ra tiền' này nếu thiếu sự chung tay của cộng đồng.

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nội dung xấu trên mạng YouTube.

Nhiều sự việc đáng báo động

Có thể kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền từ YouTube nên hiện có rất nhiều người tham gia vào việc sản xuất nội dung trên mạng xã hội này. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối năm 2020, có khoảng 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng YouTube, trong đó có 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Con số này tăng lên không ngừng bởi mạng xã hội có hơn 2 tỷ người dùng toàn cầu này là một “mỏ vàng khổng lồ”!

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà cuộc cạnh tranh tìm kiếm người xem trở nên vô cùng khốc liệt, khiến cho các YouTuber (người làm nội dung trên mạng YouTube) không ngừng tìm kiếm ý tưởng, kể cả những ý tưởng điên rồ. Là một kênh nội dung dành cho trẻ em nhưng gần đây, kênh YouTube Thơ Nguyễn đã nhận vô số chỉ trích của các bậc phụ huynh bởi nội dung nhiều clip bị coi là phản giáo dục, ngôn ngữ phản cảm. Chẳng hạn như các clip lấy ô tô nghiến lên bim bim, bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, đun bia, nước ngọt trên bếp... được coi là dạy cho trẻ những trò nghịch dại. Gần đây nhất, khi đăng tải một số clip ngắn lên mạng TikTok về “búp bê ma mập”, Thơ Nguyễn đã vấp phải làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh vì cho rằng nội dung, hình ảnh ma mị gây liên tưởng đến chuyện bùa ngải, ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ.

Bên cạnh nội dung về "giang hồ mạng", những ý tưởng ăn uống kinh dị, làm những thứ “siêu to khổng lồ” phản cảm, những trò nghịch dại... thì còn một nội dung đáng lên án nữa trên YouTube, đó là việc ngang nhiên xâm hại đời tư của người khác. Thông tin thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh lao đao. Cha mẹ cố nghệ sĩ Vân Quang Long vừa phải gửi đơn kêu cứu vì bị hàng chục kênh YouTube “chửi rủa, vu khống”...

Gần đây, trước một sự việc bất thường nào đó, tại hiện trường một vụ tai nạn, đánh ghen, đám cháy, đám tang người nổi tiếng, thậm chí là vây bắt tội phạm..., dễ thấy sự xuất hiện của các YouTuber. Họ thoải mái đăng tải hình ảnh, nội dung chưa được kiểm chứng, không cần biên tập, tạo nên những góc nhìn méo mó, sai lệch cho cộng đồng.

Cơ chế phòng vệ từ cộng đồng

Không thể phủ nhận rằng, hiện có nhiều kênh YouTube bổ ích, được đầu tư thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng có vô số kênh chọn kiểu thông tin giật gân, nhảm nhí để câu view. YouTube đưa ra nhiều tiêu chí về cộng đồng song thực tế cho thấy cơ chế kiểm soát nội dung tự động của YouTube không thể dọn hết “clip rác”, và những người làm nội dung dễ dàng “lách luật”.

Tháng 11-2020, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ đã nâng tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc, đã đạt được thỏa thuận với YouTube, là khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh vi phạm pháp luật thì nền tảng này sẽ dừng việc chia tiền quảng cáo. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm những cá nhân sản xuất nội dung xấu độc. Người dân và tổ chức khi phát hiện video xấu, độc có thể thông báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý. Bộ trưởng khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, vai trò của cộng đồng là hết sức quan trọng. Đa số các vụ việc vi phạm được xử lý nhanh chóng là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là với những nội dung vi phạm khó có thể phát hiện bằng công cụ tự động. Chẳng hạn, bài viết chỉ trích việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip búp bê bùa ngải của Facebook Bố Con Sâu đã nhận 6.000 lượt tương tác, 4.400 lượt bình luận và 1.600 lượt chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn. Việc tẩy chay của cộng đồng chính là cái giá đắt mà YouTuber phải trả cho những nội dung nhảm nhí của mình bởi cộng đồng chính là người tạo ra nguồn thu nhập cho họ.

Là một phụ huynh có con nhỏ, anh Phạm Tuấn (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ rằng anh thường xuyên kiểm tra nội dung trước khi cho con xem trên YouTube. Anh kêu gọi: “Người dùng cần chủ động, mạnh mẽ nói không với những clip phản giáo dục, phản cảm. Khi không có người xem, không kiếm được tiền từ các nội dung này thì những YouTuber sẽ buộc phải chuyển hướng, thay đổi cách làm”.

Bảo Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993846/chan-noi-dung-xau-tren-youtube-can-su-chung-tay-cua-cong-dong