Chăn nuôi lợn địa phương theo hướng an toàn sinh học

Nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhiều hộ ở vùng cao đã phát triển mô hình nuôi lợn địa phương hiệu quả, tránh được ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ những hộ chăn nuôi an toàn, cộng đồng chăn nuôi an toàn về phòng dịch dần hình thành, giảm rủi ro cho người nuôi.

Những năm qua, chăn nuôi lợn chịu nhiều ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Đây là bệnh dịch nguy hiểm chưa có vắc-xin phòng và thuốc điều trị hiệu quả, nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người chăn nuôi lợn. Ngành chăn nuôi khuyến cáo các trang trại đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm, môi trường nuôi. Những năm qua, các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn đã thích nghi với dịch bệnh trên đàn lợn nhờ làm tốt phương pháp chăn nuôi này. Thiệt hại về dịch bệnh chủ yếu ở những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi lợn địa phương không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Người dân xã Na Hối (Bắc Hà) chăm sóc lợn.

Người dân xã Na Hối (Bắc Hà) chăm sóc lợn.

Theo thống kê của ngành chăn nuôi, tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 380 nghìn con, trong đó quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 40% - 45%. Lợn địa phương thường được nuôi với quy mô hộ gia đình, mỗi hộ nuôi vài con đến vài chục con, nuôi theo hướng tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt để tăng thu nhập. Cũng bởi quy mô nhỏ nên những hộ chăn nuôi lợn địa phương thường ít quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học, nguy cơ thiệt hại từ dịch bệnh rất lớn.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, Dự án “Kinh doanh hiệu quả cùng phụ nữ dân tộc thiểu số, tự tin làm giàu từ lợn địa phương” được triển khai tại 5 xã thuộc huyện Mường Khương và huyện Bắc Hà. Mục tiêu chính của dự án là nâng cao quyền năng, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị lợn bản địa. Tham gia dự án, các hộ chăn nuôi, trong đó chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, được tập huấn, tư vấn, truyền thông và hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học có sự giám sát của cộng đồng. Theo đó, mỗi thôn là một tổ, nhóm được hướng dẫn sinh hoạt định kỳ, tự bàn bạc, hoạch định kế hoạch chăn nuôi, kế hoạch xuất chuồng và chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc đàn lợn giữa các thành viên trong tổ, nhóm.

Chị Vũ Thị Duy, thôn Na Áng A, xã Na Hối (Bắc Hà) cho biết: Trước đây nuôi lợn, chúng tôi chưa bao giờ tiêm phòng hoặc tẩy giun cho lợn, cũng không biết việc tận dụng thức ăn thừa của gia đình cho lợn ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Tham gia dự án, được hướng dẫn, chúng tôi biết vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin cho lợn, cách tận dụng chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi... Không những thế, người dân trong tổ, nhóm không mua lợn giống hoặc thịt lợn ở ngoài vào những lúc có dịch. Nhờ làm tốt nhiều biện pháp, tự theo dõi, giám sát nhau mà những năm qua, thôn chúng tôi không có dịch tả lợn châu Phi dù những khu vực lân cận bị thiệt hại rất nhiều.

Nhận xét về mô hình, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Na Hối (Bắc Hà) cho biết: Hiệu quả mang lại từ chăn nuôi an toàn sinh học đối với những hộ chăn nuôi lợn nói chung và người nuôi lợn địa phương nói riêng là rất lớn. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về việc cải tạo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, phối hợp triển khai phòng bệnh chung trên địa bàn toàn xã, xây dựng được khối đại đoàn kết trong các tổ, nhóm, nhất là khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Dự án “Kinh doanh hiệu quả cùng phụ nữ dân tộc thiểu số, tự tin làm giàu từ lợn địa phương” được triển khai từ năm 2019, thời điểm này, dự án đã kết thúc với những đánh giá tích cực từ người dân tham gia dự án, cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương. Từ hiệu quả của dự án, các mô hình chăn nuôi an toàn đang là cơ sở để nhân rộng trong cộng đồng.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định: Những hộ tham gia dự án đã làm rất tốt vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học cộng đồng. Để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, không thể chỉ có 1 hộ chăn nuôi an toàn mà phải cả cộng đồng an toàn. Tại các tổ, nhóm, người dân sản xuất khép kín, chủ động con giống, làm tốt việc hạn chế nguồn lây từ ngoại cảnh, có sự theo dõi, giám sát trong cộng đồng nên giảm nguy cơ dịch bùng phát và lây lan. Việc nhân rộng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cộng đồng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi lợn địa phương nói riêng và người chăn nuôi lợn nói chung.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349423-chan-nuoi-lon-dia-phuong-theo-huong-an-toan-sinh-hoc