Chẳng tội gì người phải đẹp như hoa

Một hôm, cô cháu gái bé nhỏ của tôi trỏ tay sang bên nhà hàng xóm rồi bảo: 'Dì ơi, sang nhà bên kia con thấy ở phòng khách có treo ảnh cô dâu xinh lắm chứ... không phải chị Lan hàng xóm nhà mình'. Tôi bật cười vì sự ngây ngô ấy của con trẻ, nhưng biết đâu hằng ngày, mỗi khi ngắm lại ảnh cưới, cô bé Lan ấy cũng rất mãn nguyện vì mình đã được đẹp như là... cô dâu.

Một lần trên xe bus, tôi được nghe mấy cụ già thắc mắc, cái cây lan bé xíu trong chậu cớ sao lại có giá tiền tỉ. Có người nhà xây to đẹp cũng thế chấp sổ đỏ để đầu tư trồng mấy giò lan. Bất giác tôi nghĩ đến dòng status của của Lan trên trang facebook sáng nay: “Lan này mét năm tám lại sắp cán mốc sáu chục cân nên không cần tưới, chỉ lo tưới em Điệp (lan phi điệp) cánh trắng thôi, vomoicuachong”.

Lúc ấy đọc xong, tôi ngoái nhìn sang sân hàng xóm, quả thật sau một lần sinh nở, giờ thân hình Lan đã không còn eo ót, cô đang cố kiễng chân lên để xịt nước tưới cho mấy giò phong lan của chồng vắt vẻo kiêu sa trên giàn. Có lẽ ở nhà bên ấy vừa có cuộc đổi ngôi về cái đẹp?

Thót tim với hình ảnh các em học sinh đi qua chiếc cầu hỏng.

Thót tim với hình ảnh các em học sinh đi qua chiếc cầu hỏng.

Tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ, ngoái cổ lên trên để “thuyết giảng” cho mấy cụ già một hồi về giá trị của loại hoa quý này. Nào là từ sắm chậu, mua giá thể, chọn phân bón, rêu phủ, lưới che, cách tưới hoa… nhưng chỉ một lát đã nghe tiếng các cụ gáy “o o” phía ghế trên. Đúng là thế hệ của “bon sai”, của “tùng, trúc, cúc, mai”, san hô đá… luôn có sự lệch pha với thệ hệ của những hot trend hôm nay.

Có một lần, tôi được nghe ai đó nói; thời buổi kinh doanh phập (phù bởi đại dịch COVID 19), có khi nhập được lô thực phẩm rẻ thì nhà hàng phải đóng cửa mấy tháng rồi đành phá sản. Mọi lĩnh vực kinh doanh đều chỉ được một thời, nhưng chỉ có vàng và đất đai là giữ được giá.

Bất giác, tôi lại nhớ đến câu chuyện của bà tôi từng kể ngày xưa. Trong quá khứ, vào một năm trước khi xảy ra mất mùa, bà tôi đã bán số vàng của mình đi để mua thóc. Bà mua được khá nhiều thóc nên khi xung quanh mọi người thiếu đói bà cho họ vay mượn, thậm chí còn cứu tế những người nghèo khó. Còn khi ấy, những người có vàng mới bán ra thì chẳng mua được bao nhiêu bởi giá thóc đã bị đẩy lên khá cao. Lớp người sinh sau thắc mắc sao lúc đó cụ không bán thóc ra để rồi mua lại vàng. Nắm bắt được cơ hội ấy cụ sẽ thành người giàu có. Bà tôi móm mém nhai trầu rồi bảo: “Thóc cũng màu vàng đấy nhưng lúc nguy có ai nhai vàng được đâu?”.

Có lần, tôi đem câu chuyện ấy kể với các sinh viên của mình. Có bạn trẻ nảy ra thắc mắc: Tại sao con người lại khéo vẽ ra những thứ mơ hồ: nào là đẹp như tiên, quý như vàng? nhiều người liều lĩnh leo lên vách đá chênh vênh để bắt một tổ chim quý, đào hầm sâu để khai thác đá quý coi nhẹ tính mạng của mình trong khi sự sống là vô giá?

1. Con người chưa bao giờ phải tôn thờ điều gì quý giá hơn chính con người. Bởi, trong tâm thức dân gian, đến cả hình ảnh ác quỷ hay thần tiên đều vẫn phải mang hình dạng, tính cách, thậm chí là khiếm khuyết của con người. Nhưng khác với ác quỷ và thiên thần, bên trong nội tâm, con người còn phải bận bịu với cuộc mưu sinh để rồi quay lại nâng cao mức sống của mình. Nhưng hình như càng bị hút vào guồng quay ấy, người ta càng thấy mình thiệt thòi, xấu xí, hèn yếu.

Nhiều người đàn ông có tiền, sau khi có được những tài sản giá trị cao là những thú vui làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Và rồi, họ lại bắt đầu hành trình gìn giữ, tô vẽ cho những mảnh vụn của một chiếc bình vỡ là con cái, là một người tình đáng tin. Ngược lại, nhiều phụ nữ sau khi đã có tiền thường hay lo cho nhan sắc của mình. Càng tô điểm họ càng thấy thời “bà hoàng” bây giờ vẫn thua kém so với cái thời “công chúa lọ lem”. Biết đâu, nhiều người phụ nữ đang thầm ước mình được như một chú chào mào, một giò lan, một khóm hồng… để được đàn ông nâng niu. Chẳng biết, đến bao giờ người mới được bằng hoa?

Hoa lan tiền tỷ.

Hoa lan tiền tỷ.

2. Thật ra, tất cả đến từ việc con người ta thiếu chính kiến. Nói cách khác, đó là khi ta chưa trở thành “ông chủ” của chính tâm hồn mình. Học vấn, tiền bạc đã dư dả nhưng tâm hồn vẫn là đầy tớ cho những sự suy tôn ùn ùn như đám đông xem xem tai nạn, xem đánh lộn. Ta có gì trong đám lộn xộn đó, tìm kiếm gì trong ấy? Sự lạ, sự nhẫn tâm, khốn khổ hay lừa lọc?

Tôi không có ý chê trách các thú chơi công phu, đó là vẻ đẹp của cuộc sống, thậm chí đó còn là sự bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Nhưng ta đừng quên giới hạn của nó ở nhóm đam mê, ở điều kiện, sở trường. Nó như một nhiếp ảnh gia săn tìm khuôn hình đẹp, người hoài cổ sưu tầm đồ cổ, một cô gái đẹp chọn trang phục tôn dáng hình mình. Điều ấy cần được tôn trọng nhưng không thể thành thước đo, thành bảng giá trị chung cho cộng đồng.

Như câu nói của đức Khổng Tử: “nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy” (Người thông minh thích nước, kẻ nhân đức yêu núi. Người thông minh tính tình hoạt bát như nước, kẻ nhân đức lại an tịnh như núi). Niềm vui ở sự cộng hưởng, ở sự lan tỏa hạnh phúc hơn là ôm khư khư vật báu để áp đặt vào người khác niềm khao khát về cái duy nhất ấy. Độc, lạ, thời nào cũng thể hiện đẳng cấp vượt trội của kẻ mạnh nhưng không bao giờ được đánh đồng với siêu việt, kiệt xuất. Ở một góc phố, người ta trầm trồ ca ngợi anh thợ khéo tay nhưng để cả nhân loại phải lưu danh thì phải như James Watt (1736-1819) mở ra cả cuộc cách mạng công nghiệp.

3. Có một người làm thơ từng nói với tôi: hoa đẹp bởi vì hoa còn phải kết quả để thực hiện sứ mệnh duy trì giống nòi. Cũng như con chim có giọng hót hay là bởi nó chỉ nghĩ đến việc tỉ thí với địch thủ để bảo vệ lãnh địa và thu hút bạn tình. Nếu như hoa chỉ nghĩ đến mình đẹp, con chim chỉ nghĩ đến chất giọng của mình liệu còn được như thế không?

Mỗi mùa xuân nhìn những cánh rừng thưa dần sắc hoa đào, hoa mận, lắng nghe những cánh rừng lặng câm tiếng chim trời rồi lại bàng hoàng nhận ra trong những ô chuồng cọp phố mình những tiếng chim hót trong lồng son, những phố la liệt cành đào khô dưới nắng chờ người ngã giá. Cái đẹp như kẻ có tội bị đầy đọa.

Nhưng ngẫm ra, thú chơi chim cảnh, thú săn đào rừng ấy cũng làm chính con người khốn khổ. Cố sắm cho bằng được để có đẳng cấp nhưng rồi khi đã có những thứ độc, lạ đó, lại thấy nó trở nên nhàm chán bởi hình như bên hàng xóm, trong nhóm bàn bè ai ai cũng có. Hình như đó là hàng VIP mang tính phổ thông.

4. Con người đâu cần quá câu nệ vào đôi mắt của số đông. Một ngày đẹp trời là ngày ta làm được điều mình thích chứ đâu phải hôm ấy mây thế nào, nắng ra sao. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ so với những thứ đã từng mệt nhoài mới có được thì đã đủ để ta giúp một em bé có sách vở đến trường. Biết đâu lại mở ra cơ hội thay đổi cuộc đời em. Một nhóm bạn chụm đầu lại góp sức biết đâu sẽ giúp người dân có một cây cầu qua suối hay một đoạn đường bê tông cho thôn cùng, xóm vắng để nông sản không bị ế ẩm…

Làm được những điều ấy đã gọi là để đời chưa? Ta đã thành vĩ nhân chưa? Thực tế là, có thể chẳng biết đến tên ta, nhớ đến ta, nhắc đến ta. Suy cho cùng, điều ấy hết sức bình thường và đâu có gì quan trọng. Chỉ cần ta cảm thấy toại nguyện và niềm vui ấy lại không hề phương hại đến những người xung quanh.

Người xưa vẫn thường nói, “sông có khúc người có lúc”, không ai dám chắc cuộc đời, sự nghiệp và sức khỏe đều bất biến. Khi ấy, mọi thứ trở nên bình thản, cái được và mất, đẹp và xấu, sang quý và bình dị đều chỉ như những gam màu của những chiếc áo thay đổi theo từng ngày. Tất cả tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống.

Tôi nghĩ đến những giò lan đang xanh tươi và bắt đầu khoe những cánh hoa đẹp bên hiên nhà hàng xóm. Cô gái tên Lan bên đó vẫn ngày ngày kiễng đôi chân để tưới hoa như thể không có gì để thắc thỏm, bởi cuộc đời có muôn vàn vẻ đẹp, đẹp tự trong lòng. Chẳng tội gì người phải đẹp như hoa…

Lâm Việt

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chang-toi-gi-nguoi-phai-dep-nhu-hoa-606041/