Chàng trai đi bộ 48.000 km vòng quanh thế giới trong 7 năm
Rất ít người từng nghĩ tới việc đi bộ vòng quanh thế giới và càng ít hơn những cái tên thực sự cố gắng hoàn thành mục tiêu này.
Vào ngày 21/5/2022, Tom Turcich, đến từ New Jersey (Mỹ), đã trở thành người thứ 10 trên thế giới đạt được thành tích đáng nể này. Trong khi "người bạn đồng hành" bốn chân của anh, Savannah là chú chó đầu tiên làm được điều này.
Savannah là chú chó đầu tiên đi bộ vòng quanh thế giới. Ảnh: CNN
Cặp đôi đã được chào đón khi trở về nhà bằng một tiệc lớn với sự tham dự của nhiều bạn bè và thanh viên trong gia đình Turcich. Đó là khoảnh khắc đánh dấu hành trình dài bảy năm băng qua 48.000 km mà cặp đôi đã thực hiện.
"Không thể tin được. Trước đó, tôi đã thử tưởng tượng cái kết của hành trình dài này. Nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc, khi mọi thứ dần đi tới hồi kết đã có hàng dài người trên đường cùng đồng hành với tôi. Cảm xúc ban đầu là nhẹ nhõm. Hành trình này đã đeo đẳng tôi suốt 15 năm qua và giờ cuối cùng đã có thể hoàn thành nó", Turcich nói với CNN Travel từ nhà của cha mẹ anh ở Thị trấn Haddon.
Khởi nguồn của hành trình
Chuyến đi bắt nguồn từ một mất mát đau buồn vào năm 2006, khi người bạn lâu năm Ann Marie của Turcich qua đời trong một tai nạn mô tô nước ở tuổi 17.
“Cái chết của Ann tác động rất nhiều tới tôi. Cô ấy là một người tốt. Và điều đó khiến tôi nghĩ rằng, bất cứ lúc nào, chuyện xấu cũng có thể xảy ra. Tôi bắt đầu suy ngẫm lại mọi thứ", Turcich chia sẻ.
Sau đó, chàng trai trẻ nhận ra rằng mình cần những chuyến đi và phiêu lưu để khám phá cuộc sống của mình và bắt đầu tìm hiểu tất cả những cách thức khác nhau mà anh ta có thể thực hiện.
Sau khi đọc về Steven Newman, được Kỷ lục Guinness Thế giới vinh danh là người đầu tiên đi bộ vòng quanh thế giới và nhà thám hiểm đi bộ Karl Bushby, người đã đi bộ vòng quanh thế giới từ năm 1998, Turcich bắt đầu nuôi hy vọng tự mình sẽ thực hiện thử thách này.
"Đi bộ dường như là cách tốt nhất để hiểu thế giới và không ngừng đến những nơi mới. Tôi không chỉ muốn đến Paris hay Machu Picchu mà muốn thực sự hiểu về thế giới và xem mọi người đang sống như thế nào hàng ngày", Turcich cho biết.
Ngay lập tức, Turcich bắt đầu lên kế hoạch cho lộ trình, đồng thời cố gắng gây quỹ cho chuyến đi này. Anh đã cố gắng tiết kiệm để đủ tiền trang trải trong khoảng hai năm bằng cách cố gắng làm thêm trong mùa hè thời sinh viên và chuyển về sống với bố mẹ sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, không lâu trước khi Turcich bắt đầu hành trình, chủ một công ty địa phương có tên là Philadelphia Sign, đã biết được kế hoạch này và quyết định tài trợ cho chuyến đi của Turcich.
"Anh ấy là một doanh nhân và có biết Ann Marie cũng như gia đình cô ấy. Vì vậy, anh ấy muốn hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể", Turich chia sẻ với CNN.
Gần chín năm sau khi nảy ra ý tưởng này, Turcich đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong hành trình chinh phục thế giới.
Anh khởi hành vào ngày 2/4/2015, ngay trước sinh nhật lần thứ 26 của mình, đẩy theo một chiếc xe đẩy trẻ em chứa đồ đi bộ đường dài, túi ngủ, máy tính xách tay, máy ảnh DSLR và một chiếc thùng nhựa mà anh ấy dùng để đựng thức ăn.
Turcich nói rằng muốn lộ trình của mình được thực hiện dựa trên hai yếu tố chính là "đến được mọi châu lục và gặp càng ít rắc rối hành chính càng tốt".
Người bạn đồng hành trung thành
Toàn bộ hành trình kết thúc mất bảy năm, chủ yếu là do hai lần phải trì hoãn. Lần đầu tiên xảy ra khi Turcich bị ốm vì nhiễm trùng do vi khuẩn, khiến anh mất vài tháng để hồi phục và lần thứ hai là do đại dịch Covid-19.
Anh đã trải qua nhiều kỷ niệm thăng trầm khác nhau trên đường đi như được mời đến các đám cưới địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ (hoặc Türkiye) và Uzbekistan hay bị cầm dao truy sát khi ở Panama.
Trước khi bắt đầu hành trình khó khăn này, Turcich rất ít khi đi du lịch ngoài việc từng đến thăm Anh, Ireland và xứ Wales trong một chuyến đi trao đổi của trường trung học hay đến Canada và Cộng hòa Dominica trong những kỳ nghỉ ngắn.
Anh cũng không có nhiều kinh nghiệm đi bộ đường dài, mặc dù trước đó từng hoàn thành một chuyến đi bộ đường dài 10 ngày cùng bạn hay thỉnh thoảng đi bộ đường dài vào cuối tuần.
Savannah được Turcich nhận nuôi từ một trạm cứu hộ dành cho động vật ở Austin, Texas. Ảnh: CNN
Chặng đầu tiên của chuyến đi, Turcich đi bộ từ New Jersey đến Panama. Khoảng bốn tháng sau, Turcich có thêm một người bạn đồng hành là chú chó con Savannah, anh nhận nuôi từ một trạm cứu hộ dành cho động vật ở Austin, Texas.
Mặc dù, ban đầu không có ý định nuôi chó nhưng Turcich đã từng phải vật lộn để trải giường tại các khu cắm trại hay thường xuyên thức giấc trong đêm vì nghĩ rằng mình "nghe thấy tiếng động lạ".
Anh nghĩ có một người bạn bốn chân bên cạnh, giúp mình "canh chừng" vào ban đêm sẽ tạo nên sự khác biệt và Turcich đã đúng.
Từ đây, cặp đôi đã đồng hành cùng nhau trên mọi cung đường. Ảnh: CNN
Khi đến được Panama, cặp đôi bay qua Darien Gap, một khu rừng nguy hiểm nằm giữa Panama và Colombia. Sau năm đầu tiên đi bộ trên đường, Turcich đã lập một tài khoản trên nền tảng quyên góp Patreon để những người theo dõi của anh ấy có tùy tâm tài trợ cho chuyến đi này.
Phần lớn thời gian của năm thứ hai, cặp đôi đi bộ từ Bogota, Colombia đến Montevideo, Uruguay rồi đi thuyền đến Nam Cực.
Trong khoảng thời gian này, Turcich cũng trở về nhà một thời gian ngắn để lấy các thủ tục giấy tờ cần thiết để đến châu Âu với Savannah.
Sau khi đến châu Âu, cặp đôi đã đi khắp Ireland và Scotland, nhưng buộc phải nghỉ một thời gian dài khi Turcich bị ốm và không thể tiếp tục.
Thách thức thời gian
Turcich đã tiếp tục chuyến đi bộ đến Copenhagen vào tháng 5 năm 2018, nhưng phải mất một thời gian dài sau đó mới có thể hoàn toàn hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc dù, Turcich thừa nhận rằng nhiều lúc anh tự hỏi bản thân có thể tiếp tục đi nữa hay không nhưng chưa bao giờ muốn từ bỏ.
Dù trải qua nhiều khó khăn và biến cố về sức khỏe nhưng Turcich chưa khi nào muốn từ bỏ. Ảnh: CNN
Chỉ khi sải bước trên Camino de Santiago, qua một số tuyến đường ở Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, Turcich mới bắt đầu cảm thấy sẵn sàng hòa vào chuyến đi một lần nữa.
Sau đó, anh và Savannah băng qua Bắc Phi, nơi họ đi bộ qua Maroc, Algeria và Tunisia. Từ đây, cả hai di chuyển qua Ý, Slovenia, Croatia, Montenegro, Albania và Hy Lạp. Sau Hy Lạp, họ đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Turcich trở thành công dân nước ngoài đầu tiên được phép đi bộ qua Cầu Bosphorus.
Sau đó, họ đến Gruzia, nằm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trên Dãy núi Caucasus và tới Azerbaijan, một quốc gia xuyên lục địa nằm ở ranh giới Đông Âu và Tây Á, ngay khi đại dịch xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã phải ở lại Azerbaijan trong ít nhất sáu tháng.
Đường về nhà
Turcich ban đầu định đi qua Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mông Cổ, trước khi bay đến Australia và sau đó quay trở lại Mỹ, cho biết: "Thật không may, những hạn chế du lịch nghiêm ngặt được áp dụng vào thời điểm đó khiến tôi phải từ bỏ kế hoạch đến thăm Australia và Mông Cổ - cả hai điểm đến này đều đóng cửa với du khách quốc tế trong khoảng hai năm - cùng với Kazakhstan".
Cặp đôi đã cùng nhau đi qua sáu lục địa và 38 quốc gia. Ảnh: CNN
Sau khi đi bộ qua Kyrgyzstan, một quốc gia nhỏ bé ở Trung Á giáp với Trung Quốc, anh và Savannah bay đến Seattle vào tháng 8 năm 2021 và bắt đầu về nhà ở New Jersey.
Trong tất cả những nơi anh đã đi qua trong chuyến hành trình, Turcich nói rằng Wyoming, tiểu bang ít dân nhất của Hoa Kỳ, là cung đường khó khăn nhất.
Trong chuyến đi bộ vòng quanh thế giới này, cặp đôi đã cùng nhau đi qua sáu lục địa và 38 quốc gia. Sách Kỷ lục Thế giới Guinness đặt ra các yêu cầu cho các chuyến đi bộ vòng quanh thế giới là khoảng 30.000 km và băng qua bốn lục địa - đều được Turcich chinh phục.
Trung bình một ngày, anh và Savannah đi bộ khoảng 29 đến 38 km.
"Bảy năm là một khoảng thời gian dài. Khi ở điểm đến cuối cùng, tôi rất háo hức để về nhà, đi chơi cùng bạn bè và sống cùng gia đình mà không phải dọn hay thu lều mỗi sáng", Turcich chia sẻ.
Đỗ An (Theo CNN)