Chàng trai mù Thái Lan có tình yêu lạ kì với tiếng Việt từ thuở nhỏ, một mình sang Việt Nam học chữ
Sinh ra tại một vùng quê tại Đông Bắc Thái Lan, chàng trai khiếm thị Apichit Mingwongtham (hay còn gọi là Aun) đã có một tình yêu lạ kì với tiếng Việt ngay từ khi còn nhỏ. Chông gai xen lẫn ngọt ngào, hành trình một mình sang Việt Nam để học tiếng Việt của Aun là một câu chuyện đẹp đẽ và phi thường.
Ngày nhỏ, cậu bé Aun hay quanh quẩn bên mẹ. Nhà cậu ở vùng Đông Bắc nước Thái (giáp Lào) nên thỉnh thoảng chiếc radio trong nhà vẫn bắt được sóng của các đài phát thanh Việt Nam. Aun chăm chú nghe và hỏi mẹ:
– Đây là tiếng gì hả mẹ?
– Là tiếng Việt Nam con ạ
– Thế Việt Nam ở đâu hả mẹ?
– Việt Nam ở giáp Lào đấy con.
Một cách khó lí giải, cái tiếng nói hay hay và khái niệm mang tên “Việt Nam” đã khắc ghi vào đầu đứa trẻ 6 tuổi từ đó. Aun thích thú đến mức luôn lắng nghe và bắt chước giọng nói của các phát thanh viên Việt Nam.
Năm 12 tuổi, cậu bé được ba mẹ gửi lên thủ đô Bangkok để theo học một trường khiếm thị, từ đó Aun không còn được nghe tiếng Việt nữa.
Nhiều năm sau, Aun đã trở thành chàng sinh viên khoa Luật của trường Đại học Thamasat (Thái Lan). Tuy nhiên, Aun vẫn đau đáu muốn được khám phá Việt Nam nhưng rào cản lớn nhất là anh hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Anh chia sẻ: “Năm 2011, tôi cố gắng thuyết phục em trai, em gái và “dụ dỗ” thêm vài người bạn cùng nhau khăn gói đi Việt Nam một chuyến cho thỏa lòng mong ước. Dù lúc đó trình độ tiếng Việt của tôi chỉ đạt tới mức “xin chào” là hết cỡ. Tôi ước rằng mình có thể nhìn thấy tà áo dài thướt tha, chiếc nón lá mộc mạc.Trong tâm tưởng của tôi Việt Nam thật đầy màu sắc, là những nụ cười trải dọc đất nước hình chữ S. Sau chuyến đi, tôi ước có thể trở lại Việt Nam một lần nữa, bằng mọi giá”.
Aun tự học tiếng Việt qua internet, kết bạn với người Việt. “Tiếng Việt đối với tôi là thứ ngôn ngữ mà càng học càng thấy thú vị, các thanh điệu lên xuống trầm bổng như một khúc nhạc khiến tôi không muốn khả năng tiếng Việt của tôi chỉ dừng lại ở mức độ “học bồi”. Và rồi tôi bắt đầu suy nghĩ: Chẳng nhẽ, tôi cứ học bồi không có hệ thống như này mãi sao ? Không học thì thôi, còn đã học thì phải học cho đến nơi đến chốn chứ”.
Bước ngoặt quan trọng của cuộc đời Aun bắt đầu vào năm 2013, anh lấy hết can đảm để xin nghỉ việc, gom hết tiền bạc, khăn gói đồ đạc “mò đường” sang Việt Nam một mình với mục đích duy nhất là học tiếng Việt một cách chỉn chu nhất.
Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Aun được chào đón bởi những người bạn anh đã nói chuyện qua internet. Dù chỉ lần đầu gặp gỡ, họ vẫn nhiệt tình giúp anh đi tìm nhà trọ, đăng kí học…
Anh bạn người Thái Lan đã lần dò được khắp cách ngõ ngách trong thành phố bởi sự giúp đỡ của người Việt Nam. Sau kì thi kiểm tra năng lực, Aun chính thức trở thành sinh viên của trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Người bình thường học ngoại ngữ đã khó, đối với người khiếm thị còn khó khăn bội phần. “Tôi bị khiếm thị nên không thể đọc sách như người bình thường. Những quyển sách của tôi bao giờ cũng cần bản mềm để mang đi in thành sách chữ nổi, bạn bè người Việt luôn giúp đỡ tôi hoàn thành khâu này. Dù họ bận rộn đến đâu nhưng vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí một số bạn còn thức đêm gõ bài cho tôi, mỗi người giúp một chút để kịp có sách trước khi khóa học bắt đầu” – Aun xúc động nhớ lại.
Khi đi học, Aun luôn mang theo máy ghi âm để thu lại những gì thầy cô giảng trong lớp rồi mang về nhà ôn tập. Với đôi mắt mù lòa, Aun chỉ có thể cảm nhận tiếng Việt qua đôi tai, từ đó mà mường tượng ra thanh điệu, ngữ âm.
Một ngày của Aun bắt đầu ở con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1). Cô chủ trọ tốt bụng sẽ mua cho Aun một phần ăn sáng, giúp đỡ anh sang đường hoặc đặt grab đi học. Đường đến lớp cũng trở nên dễ dàng hơn với sự dìu dắt của những người bạn cùng lớp.
Aun chia sẻ: “Dù không nhìn thấy gì nhưng tấm lòng của người Việt đối với tôi như một món nợ mà tôi phải khắc ghi trong lòng, thật khó để trả hết. Họ hiếu khách, chân thành và chẳng bao giờ phân biệt đối xử với người khuyết tật như tôi. Tôi được bồi đắp tình yêu, văn hóa Việt Nam mỗi ngày qua câu chuyện của họ”.
Ở giữa lòng Sài Gòn, có một lớp học thật đặc biệt của thầy giáo mù người Thái Lan và những học trò Việt Nam. Thầy dùng dụng cụ để gõ chữ, học viên sẽ nhận thông tin qua group chat. Có khó khăn, có bất tiện nhưng lớp học này ngày càng đông người tìm đến.
Lớp học đó chính là thành quả cố gắng của Aun.
Ban đầu, để trang trải thêm tiền học phí Đại học, Aun đã nghĩ đến chuyện đi dạy tiếng Thái.
Anh tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ dám dạy online và giấu hoàn toàn chuyện mình là người khiếm thị. Tôi sợ họ không tin tưởng vào khả năng giảng dạy của mình. Thậm chí những hình ảnh trên Facebook tôi vẫn phải che mắt lại. Sau một thời gian, khi tham gia vào cuộc thi viết về Việt Nam dành cho người nước ngoài, tôi buộc phải xuất hiện trước nhiều người nên không thể giấu mình là người khiếm thị nữa.
Điều bất ngờ chính là vẫn có nhiều bạn liên lạc để tham gia lớp tiếng Thái của tôi. Từ online tôi chuyển sang các lớp offline, các bạn học viên đều không ngại người khiếm thị giảng dạy.
Tôi biết trong lớp học này có nhiều điều bất tiện hơn so với việc học cùng giảng viên bình thường, nhưng ít ra tôi biết được mình đang truyền cho họ niềm đam mê ngoại ngữ, bất kể con đường phía trước có khó khăn thế nào”.
Lớp học không tới 10 thành viên vào mỗi ca học. Có lúc, học viên phải giúp đỡ thầy bước đi, ngồi vào đúng vị trí, lấy vật dụng… Aun chưa bao giờ thấy học trò của mình, nhưng họ luôn thấy anh cùng những nghị lực phi thường phía sau.
“Tôi biết thầy Aun là giáo viên khiếm thị trước khi đăng kí tham gia lớp học. Đối với tôi, giáo viên không chỉ là người giảng dạy mà còn là người truyền cảm hứng. Một mình đến Việt Nam học tập không phải là câu chuyện dễ dàng, và Aun đã cho chúng tôi thấy sức mạnh của nghị lực mạnh mẽ”– một học viên chia sẻ.
Không phải bao giờ tình yêu cũng có lí do, cũng giống như câu chuyện của Aun, anh không biết tại sao mình lại thích tiếng Việt, nhưng mỗi ngày được học, được dạy, được nói chuyện với người Việt, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.