Chàng trai 'thổi hồn' lá sen vào nón Huế, thành công xóa tan mọi nghi ngờ
Nguyễn Thanh Thảo đã 'thổi hồn' tuyệt đẹp vào những chiếc nón bài thơ. Tuy nhiên trước đó, mọi người đều ghi ngờ vào việc thành công của công việc này.
"Nón lá làm gì mà xanh lè như vậy, đó là câu nói của một chủ cơ sở khiến tôi nhớ mãi khi mang nón lá sen đi giới thiệu đến từng nơi bán hàng lưu niệm".
Ban đầu khi chàng họa sĩ trẻ mới làm ra những chiếc nón bằng lá sen đầu tiên cũng có nhiều lời khen chê, nhưng về sau nhờ chất lượng sản phẩm được công nhận mà nhiều người đã tin tưởng sử dụng và đưa nón lá sen vào quảng bá du lịch.
Cảm hứng từ những chiếc lá sen bình dị mọc lên từ bùn lầy
Từ lúc còn trên giảng đường Đại học Nghệ thuật Huế (Thừa Thiên – Huế), chàng sinh viên Nguyễn Thanh Thảo (SN 1988, phường Hương Sơ, TP.Huế) đã say mê khám phá các chất liệu từ thiên nhiên và nguồn cảm hứng của anh bắt đầu từ những chiếc lá.
Trước khi tìm được ý tưởng từ lá sen, anh đã thử qua nhiều vật liệu khác nhau như lá bồ đề, lá tre… Tuy nhiên, sau thời gian dài miệt mài sáng tạo với lá bồ đề, anh đã cạn kiệt ý tưởng và bắt đầu cảm thấy chán nản.
Từ đó anh bắt đầu tìm một chất liệu tự nhiên khác có thể khiến bản thân thăng hoa hơn trong nghệ thuật. Cảm hứng từ lá sen cũng bất ngờ được nghĩ ra khi anh cảm nhận được hồn quê hương qua chiếc lá sen dung dị, âm thầm làm nền cho những cánh hoa sen rực rỡ tỏa hương thơm ngát trong bùn lầy.
Từ những chiếc lá sen vốn không được quan tâm quá nhiều, qua bàn tay khéo léo và một tâm hồn bay bổng, anh đã mang lá sen thổi hồn vào nón bài thơ tạo ra sản phẩm độc đáo và ấn tượng.
Vốn đã có sẵn kiến thức cũng như kỹ thuật xử lý chất liệu tự nhiên, anh rất tự tin về điều đó, nhưng mỗi loại lá lại có tính chất khác nhau không thể đưa hoàn toàn kỹ thuật cũ vào để áp dụng.
Bản chất lá sen khi được làm khô thì sẽ giòn và dễ vỡ vụn, vì thế anh đã tự mày mò nghiên cứu để xử lý lá sen. Phải mất quá trình gần 2 năm thì anh tạo ra thành phẩm chiếc nón lá sen đầu tiên.
Một sản phẩm nón lá sen hoàn chỉnh phải trải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên đó là thu hoạch lá, bản thân hoa sen chỉ nở vào mùa hè khoảng tháng 5-6 và phải đợi người ta thu hoạch hoa sen thì mình mới có thể lấy được lá sen.
Sau khi đã có nguyên liệu và tuyển chọn lại những chiếc lá đẹp đáp ứng nhu cầu, anh sẽ ủ lá bằng nước Javel, phơi khô, ủi lá để cho ra một lá sen đáp ứng khâu chằm nón...
Nón lá sen khô sẽ có màu sắc không được đẹp, để tăng độ thẩm mỹ cho nón thì phải phủ sơn lên để tạo được sắc xanh nguyên bản như màu lá sen tươi, ngoài ra phải xử lý cẩn thận để những đường vân lá độc đáo hiện lên một cách tinh tế khiến người nhìn ấn tượng, đồng thời anh cũng phủ chất liệu để đảm bảo độ bền khi nón tiếp xúc với mưa nắng.
Cùng với sự duyên dáng của thiếu nữ trong tà áo dài, kết hợp với nón lá sen dân dã mà cũng toát lên vẻ đẹp tinh khôi của người con gái đất Việt, chiếc nón lá sen đã góp phần tạo dấu ấn riêng biệt mà chỉ truyền thống Việt Nam mới có.
Quảng bá hình ảnh về sen Việt đi xa hơn
Anh Thảo cho biết, nón lá sen ban đầu không được nhiều người biết đến, để đứa con tinh thần của mình phát triển, anh đã mang nón lá sen đi đến từng cơ sở bán hàng, giới thiệu đến từng tiểu thương… khó khăn là thế nhưng anh không bỏ cuộc vì anh tin tưởng vào sản phẩm của mình sẽ tạo ra đột phá.
Tuy nhiên, các tiểu thương cũng như khách hàng rất e dè với sản phẩm vì họ cho rằng lá sen thì không làm được nón và độ bền không bằng nón lá truyền thống. Thế nhưng, anh đã chứng minh được sản phẩm của mình đáp ứng được hai yếu tố đó là chịu được nắng mưa, độ bền và cả thẩm mỹ.
Dấu ấn Festival Nghề truyền thống Huế 2019 chính là cơ hội để chiếc nón lá sen vươn xa hơn và được nhiều người quan tâm.
Sau khi chiếc nón lá sen nhận được sự yêu mến của người dân xứ Huế cũng như khách du lịch thập phương, anh Thảo không để bản thân "ngủ quên trong chiến thắng" mà bắt đầu tìm tòi sáng tạo từ nguồn cảm hứng lá sen đã có sẵn.
Những năm gần đây, văn hóa truyền Nguyễn đang được các bạn trẻ yêu thích, đặc biệt là cổ phục. Để chiếc nón lá sen có thể "song hành" với cổ phục sao cho đẹp và phù hợp nhất, anh đã tìm hiểu về nón lá triều Nguyễn để "khai sinh" một lần nữa cho nón lá sen.
Nón lá bài thơ xứ Huế sẽ có 16 vành tượng trưng cho tuổi 16 đẹp như trăng tròn của người thiếu nữ, còn về dáng nón triều nguyễn thì sẽ thấp và bành, đỉnh chóp của nón cũng nhọn và dũng mãnh hơn.
Sau khi tìm hiểu anh đã phác họa lại dáng nón triều Nguyễn để áp dụng lên nón lá sen. Khi kết hợp với cổ phục sẽ điểm nhấn và tạo nên vẻ uy nghiêm, gợi nhớ được nét đẹp của một triều đại vua chúa. Như vậy vừa góp phần bảo tồn, quảng bá tinh hoa văn hóa xứ Huế, lại tạo nên sản phẩm độc đáo không nơi nào có được.
Anh Thảo chia sẻ: "Nón lá sen không thể làm giàu cho bản thân tôi nhưng làm giàu cho nét đẹp văn hóa Huế cũng như Việt Nam".
Hiện tại, nón lá sen không chỉ làm đẹp thêm cho Huế mà nó còn khôi phục phần nào đó làng nghề của địa phương, giúp các o các dì có công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập. Đây là điều mà anh luôn trăn trở sau quá trình phát triển và làm nghề.
Làng nghề làm nón Đốc Sơ (thuộc phường An Hòa) vốn từng là nơi tấp nập tiếng cười nói của những người phụ nữ khéo tay, thế nhưng theo thời gian đã có một giai đoạn làng nghề có dấu hiệu mai một, từ 100 hộ làm nón chỉ còn lác đác 15 - 20 hộ và chỉ làm nhỏ lẻ.
Từ ý tưởng của chàng trai xứ Huế - Nguyễn Thanh Thảo, làng nón Đốc Sơ nay đã nhộn nhịp và được khách du lịch đến tham quan tìm hiểu nhiều hơn.
Sen thanh cao mà cũng rất mộc mạc, nếu như hoa sen là quốc hoa của Việt Nam thì lá sen cũng có vẻ đẹp rất riêng. Chàng họa sĩ trẻ đã mang hình ảnh lá sen giữa đời thường để sáng tạo nghệ thuật, làm ra chiếc nón mang trọn nét đẹp và màu xanh nguyên sơ của lá sen.
Giờ đây, nón lá sen không chỉ phổ biến trong du lịch ở Huế mà còn vươn ra ngoài biên giới quốc gia đến với du khách của nhiều nước trên thế giới.