Chánh án TAND huyện Châu Thành (Tiền Giang): Vị Thẩm phán đơn thân 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà'

Gần 3 thập niên gắn bó với ngành Tòa án, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng dù ở cương vị nào, Thẩm phán Trương Thị Tuyết Linh luôn hoàn thành nhiệm vụ cả việc cơ quan lẫn việc nhà.

Trụ sở TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Trụ sở TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Gian truân để trở thành Chánh án

Chánh án Trương Thị Tuyết Linh, sinh năm 1972 tại xã Phú Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật thuộc Phân viện Đại học Luật TP.HCM, năm 1994 chị được tuyển vào công tác tại TAND huyện Châu Thành của tỉnh nhà với chức danh Thư ký.

Năm 1998, đơn vị cử chị đi học lớp thẩm phán ở Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp Hà Nội. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ chi phí theo học nên chị phải gác lại. Năm sau, cơ hội lại đến nữa, chị nhất quyết theo học dù phải vay mượn khắp nơi, cầm cố những gì có thể.

Chị nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trong cuộc đời, gia đình đông anh em, tôi là con út, ba mất khi tôi mới 2 tuổi, 1 mình mẹ phải tảo tần nuôi các con khôn lớn. Thời gian trôi qua, các anh chị đã có gia đình riêng, mỗi người phải lo cuộc sống cho mình. Lương thư ký thời đó 1 tháng chỉ khoảng 150 ngàn đồng. Lương thấp nên không thể vay ngân hàng, tôi phải mua đồ trả góp, sau đó bán lại để lấy tiền đi học, hàng tháng lấy lương góp trả sau”.

Năm 2000 chị được cấp bằng nhưng mãi đến năm 2002 mới được bổ nhiệm chính thức làm Thẩm phán. Năm 2009, sau 15 năm vô ngành chị được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh án TAND huyện Châu Thành. Trãi qua nhiều sống gió, năm 2017 chị được bổ nhiệm giữ chức Chánh án TAND huyện Châu Thành cho đến nay.

Trong nhiều năm qua, trên các cương vị công tác khác nhau, chị vừa là Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn vừa giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý đơn vị. Dù ở cương vị nào chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tính từ năm 2017 đến nay, TAND huyện Châu Thành thụ lý 8.464 vụ, việc, giải quyết 7.707 vụ, việc. Riêng Thẩm phán Trương Thị Tuyết Linh làm chủ tọa phiên tòa 330 vụ, việc; tham gia xét xử 322 vụ, việc, bị hủy án 0,5 vụ; không có án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ không đúng quy định pháp luật; không có án oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Chánh án Trương Thị Tuyết Linh

Chánh án Trương Thị Tuyết Linh

Là một Thẩm phán - Chánh án Tòa huyện Châu Thành chị chia sẻ, bản thân luôn thường xuyên trau dồi kiến thức, cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xét xử thận trọng các vụ án. Việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, tương xứng mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Về kỹ năng điều khiển phiên tòa Chánh án Trương Thị Tuyết Linh chia sẻ, để đạt được kết quả tốt, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải có bản lĩnh nghề nghiệp, nắm vững các bước tiến hành tố tụng để phiên tòa được uy nghiêm, đúng pháp luật. Lắng nghe, tôn trọng ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, tránh định kiến sẵn. Đảm bảo những người tham gia tố tụng được tranh luận, sau đó đưa ra những nhận định chính xác, đúng pháp luật.

Với sự nỗ lực và cống hiến của bản thân, trong nhiều năm liền, chị được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang trao tặng nhiều bằng khen khi chị phụ trách Công đoàn của đơn vị. Năm 2014, nguyên Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”. Mới đây, năm 2019 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phong tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” và nhiều Danh hiệu khác do UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng.

Nói về lãnh đạo của mình, Thẩm phán Nguyễn Ngọc Hồ - Chánh tòa hình sự huyện Châu Thành cho biết, chị Linh là một Thẩm phán có trình độ chuyên môn cao, trong mỗi vụ án Thẩm phán Trương Thị Tuyết Linh đều nghiên cứu kỹ và xét xử thận trọng. Ngoài ra, chị Linh là người có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, là tấm gương sáng để tập thể cán bộ, công chức trong cơ quan noi theo.

Lấy khó khăn làm điểm tựa phấn đấu

Cuộc đời là vậy, chị thành công trong công việc bao nhiêu thì lại bất hạnh trong gia đình nhỏ bấy nhiêu. Hiện tại chị đang là bà mẹ đơn thân nuôi con ăn học. Năm nay cháu học lớp 10, cháu là học sinh giỏi 10 năm liền. Điểm tựa duy nhất của chị là cậu học sinh Trường PTTH chuyên Tiền Giang này.

Nói về người chồng quá cố chị cho biết, chị quen anh Nguyễn Hùng Chương năm 1997, anh là sinh viên K13 Trường Luật TP.HCM. Khi ra trường anh Chương làm thư ký tại TAND tỉnh Long An. Vì chung sở thích nghiên cứu lĩnh vực hình sự nên 2 người dễ đồng cảm rồi đến với nhau. Dạo đó ngành tòa án khổ lắm, lương thấp anh theo được vài năm thì phải nghỉ, ra ngoài làm Luật sư mong cuộc sống khấm khá hơn, còn chị trụ lại, cố gắng nuôi hoài bảo của mình.

Năm 2005, anh chị có với nhau 1 đứa con trai, cùng lúc đó anh quay trở lại công tác tại VKSND huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 2008 anh phát bệnh, mọi người cứ nghĩ bệnh tiểu đường phải là người lớn tuổi, mập. Còn anh thì trẻ, người ốm lại sinh hoạt và đi làm bình thường, không ai ngờ anh mắc căn bệnh như vậy nên không chữa đúng bệnh, tình trạng anh ngày càng nặng thêm. Đến năm 2011, anh không thể tiếp tục công việc, buộc phải nghỉ ở nhà để chị tiện chăm sóc.

Chánh án Trương Thị Tuyết Linh tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Châu Thành

Chánh án Trương Thị Tuyết Linh tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Châu Thành

Kể từ đó, chị phải vừa chăm sóc anh, vừa đưa rước con đi học, tự tay lo lắng gia đình nhỏ của mình. Do biến chứng của bệnh tiểu đường, ban đầu chị nói anh còn nghe, về sau không nghe được, khi giao tiếp phải viết giấy. Khó khăn chồng chất khó khăn, cả gia đình chỉ dựa vào đồng lương còm cõi của chị nên nợ nần chẳng những không trả được mà còn tăng thêm. Vậy mà chị vẫn cố níu kéo, lo cho anh được ngày nào hay ngày đó. Cuối cùng thì việc gì đến cũng đến, tháng 8 năm 2019 anh ra đi, bỏ lại chị cùng đứa con bơ vơ.

Hiện tại con trai chị đang học Trường PTTH chuyên Tiền Giang. Gia đình đơn chiếc, chỉ có 2 mẹ con, chị thì công việc cơ quan nhiều, không đưa rước hàng ngày đành để cháu học nội trú. Mỗi tuần, cứ vào tối thứ 3 và tối thứ 5, chị tới trường đưa cháu đi học thêm. Tiện thể mang quần áo đến và lấy quần áo cháu dùng xong đem về giặt. Riêng tối thứ 7 chị sớm rước cháu về, mẹ con ngủ với nhau 1 đêm để rồi chiều chủ nhật chị lại đưa cháu trở lại trường tiếp tục học.

Đau buồn là thế, cực khổ là thế, nhưng chị vẫn cố vượt qua để nuôi dạy con thành tài và làm tốt nhiệm vụ người quản lý đơn vị, trên cương vị Chánh án TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Huỳnh Minh Đức

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/chanh-an-tand-huyen-chau-thanh-tien-giang-vi-tham-phan-don-than-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-70677.html