Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 - Bài 5: Đại hội V: Đại hội phát huy tinh thần yêu nước
UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Đại hội V (nhiệm kỳ 1999-2004), họp từ ngày 26 đến ngày 28/8/1999 tại Thủ đô Hà Nội). Đó là Đại hội chuyển tiếp từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, là Đại hội 'Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu chính thức và 138 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế.
Dự Đại hội có các đồng chí là Cố vấn BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam - Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt; Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ. Nhận định về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động của Mặt trận, báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IV trước Đại hội nêu rõ: Năm năm qua, nhân dân ta đã ra sức phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, duy trì trong nhiều năm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, chuyển biến và tiến bộ, vẫn còn nhiều vấn đề làm cho nhân dân ta băn khoăn, lo lắng. Đó là những khó khăn trong phát triển kinh tế, trong việc giải quyết những nhu cầu bức xúc của nhân dân về việc làm, đời sống và nhiều vấn đề xã hội; về việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chưa nghiêm; trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, tuy có nhiều đổi mới so với trước, song vẫn còn thái độ phân biệt đối xử ở mức độ khác nhau giữa các thành phần kinh tế, giữa các tầng lớp nhân dân nên chưa động viên được mạnh mẽ nguồn lực của mọi tầng lớp nhân dân cho sản xuất; chưa có kế sách lâu dài để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân thuộc các thành phần kinh tế. Do đó, trong xã hội vẫn còn tình trạng chưa thật an tâm mang hết tài năng, trí tuệ, của cải vật chất ra để phát triển sản xuất, kinh doanh và làm những việc ích nước, lợi nhà. Khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức đang trải qua nhiều thử thách mới của nền kinh tế thị trường; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn ngày càng xa, nhất là với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cũ của cách mạng, giữa lao động trí thức và lao động chân tay, giữa một số người có chức quyền nhưng thoái hóa, biến chất với đa số người lao động đã làm cho nhân dân băn khoăn, lo lắng.
Thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội IV MTTQ Việt Nam đề ra, 5 năm qua, UB MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã ra sức phấn đấu, tiếp tục tạo thêm những chuyển biến mới.
Cụ thể, MTTQ đã tích cực, chủ động mở rộng tổ chức bằng nhiều hình thức thích hợp; số lượng tổ chức thành viên tăng lên. Cùng với việc phát triển các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp đã chú trọng thu hút người cao tuổi, các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng… tham gia công tác Mặt trận, làm cho công tác Mặt trận càng ngày càng mang tính quần chúng sâu sắc và thể hiện rõ hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Cùng với việc tập hợp lực lượng bằng tổ chức, UB MTTQ và các tổ chức thành viên đã chú trọng mở rộng đoàn kết, tập hợp lực lượng thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Các phong trào có quy mô toàn quốc và mang tính toàn dân ngày càng nhiều và có tác dụng thiết thực, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng quan hệ sản xuất mới, tạo việc làm, khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng… tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Do đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân, được nhân dân đồng tình, nên chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc vận động đã lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng, giám sát và bảo vệ Nhà nước được UB MTTQ các cấp coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhằm góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận đã tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật: tham gia xây dựng Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Hình sự, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Quốc tịch, Luật Khiếu nại, tố cáo… và nhiều pháp lệnh, văn bản pháp quy thuộc những lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều kiến nghị của Mặt trận đã được Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu và đánh giá cao.
Việc Quốc hội thông qua Luật MTTQ Việt Nam đã đặt cơ sở pháp lý cho toàn bộ hoạt động của MTTQ, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của xã hội đối với vị trí, vai trò của Mặt trận trong xã hội.
MTTQ nhiều địa phương đã tăng cường chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật việc sử dụng đất đai, nhà cửa, nguồn vốn… UB MTTQ và tổ chức thành viên các cấp đã phối hợp với chính quyền cải tiến nội dung và quy trình tiếp dân, bước đầu triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở nhằm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội cũng thẳng thắn thừa nhận: Tuy đạt được những kết quả như đã nêu trên, song hoạt động của MTTQ vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu to lớn của sự nghiệp đổi mới, chưa đáp ứng được những yêu cầu quan trọng của quốc kế dân sinh.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có bài phát biểu quan trọng, thể hiện rõ đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng về khối đại đoàn kết dân tộc, về tiếp tục phát huy vai trò và nhiệm vụ lịch sử của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài phát biểu của Tổng Bí thư là tiếng nói xuất phát từ tình cảm sâu sắc, chân thành và từ những bài học quý giá của những người Cộng sản về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện với nhân dân Việt Nam trong suốt những năm qua. Sự gắn bó giữa Đảng với dân, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là điều kiện quan trọng để củng cố khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Đó chính là một trong những nguyên nhân làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Đại hội đã thảo luận sôi nổi Báo cáo sửa đổi Điều lệ và thông qua Điều lệ (sửa đổi) của MTTQ Việt Nam cho phù hợp với Luật MTTQ Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua. Đại hội đã hiệp thương cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm 253 vị, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, có khả năng đảm nhiệm những trọng trách mà Đại hội và nhân dân giao phó, thể hiện tính liên tục, tính kế thừa và từng bước đổi mới.
UBTƯ MTTQ Việt Nam đã họp cử Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị và bầu Ban Thường trực gồm 9 vị, trong đó, đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Trần Văn Đăng được bầu làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội VIII của Đảng đề ra, cùng Chiến lược đại đoàn kết toàn dân và Chương trình 12 điểm đã được Đại hội IV UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ chung nhiệm kỳ V (1999-2004) là: “Tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, mở rộng tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam, tích cực, chủ động, sáng tạo, tập hợp ngày càng rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương và ổn định xã hội, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước”.
(Còn nữa)