Chào thị trấn Đa Phước!
Sáng nay (21/4), Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện An Phú long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang). Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Đa Phước, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn của tỉnh và huyện An Phú.
Đô thị cửa ngõ
Thị trấn Đa Phước nằm ở phía Tây của huyện An Phú, tiếp giáp với TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, là cửa ngõ giao thương quan trọng nhất về đường bộ lẫn đường thủy của huyện An Phú với cả nước, cũng là cửa ngõ của tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với Vương quốc Campuchia.
Đa Phước có đầy đủ các điều kiện để phát triển và đang phát triển đúng định hướng: Phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ; phát triển du lịch (DL) văn hóa tín ngưỡng, DL sinh thái, mua sắm và phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Do có vị trí thuận lợi về điều kiện kinh tế - xã hội, nên nơi đây từ lâu đã thu hút dân cư đến sinh sống; có quy mô dân số lớn nhất huyện An Phú, với 17.590 người.
Đi dọc bên Quốc lộ 91C, theo những con đường ra các khu dân cư ở thị trấn Đa Phước sẽ cảm nhận được sự đổi thay trong từng nếp nhà, khoảng sân. Đường sá xanh - sạch hơn với hàng rào cây xanh thẳng tắp, điểm xuyết từng khóm hoa hoàng yến vàng tươi trong nắng, tô cho bức tranh đô thị trẻ đang thay da, đổi thịt.
Địa bàn nằm dọc theo Quốc lộ 91C, Tỉnh lộ 957, ven sông Hậu và sông Châu Đốc, nên thuận lợi giao thương thủy - bộ. Điểm nhấn là Khu đô thị Cồn Tiên sẽ được tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và quản lý quỹ đất bãi bồi cặp bờ sông, để mời gọi đầu tư DL và dịch vụ; xây dựng công trình xứng tầm, tạo động lực phát triển nhanh.
Được sự quan tâm của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội. Phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt kinh doanh, thương mại - dịch vụ và DL; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Lao động phi nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên 71,4 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,87%; có 4.553/4.620 hộ gia đình văn hóa… Ngày 23/11/2018, Đa Phước đã được công nhận đô thị loại V, đây là bước đệm vững chắc để địa phương tập trung nguồn lực nâng chất diện mạo thị trấn.
“Mấy năm nay, Đa Phước phát triển rất rõ. Từ xã nông thôn mới, xã văn hóa nông thôn mới, được công nhận đô thị loại V và nay nâng lên thị trấn. Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm chúng tôi luôn được quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Chúng tôi luôn tin tưởng và tự hào về quê hương mình” - chị Mary Dam (khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước) phấn khởi.
Định hướng phát triển
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước Nguyễn Ngọc Huynh cho biết, việc thành lập thị trấn Đa Phước là mong ước lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; là kết quả của quá trình nỗ lực xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và xây dựng hạ tầng đô thị. Thị trấn Đa Phước được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo thuận lợi cho các ngành nghề thương mại - dịch vụ, DL phát triển và thu hút đầu tư trong thời gian tới…
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, Đa Phước có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất quan trọng; nằm giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, giáp ranh thị trấn An Phú, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Đặc biệt, nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống. Suốt thời gian dài, Đa Phước phấn đấu phát triển toàn diện. Năm 2018, Đa Phước được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V, huyện đã có kế hoạch phát triển Đa Phước lên thị trấn.
Năm 2021, UBND huyện An Phú phối hợp đơn vị tư vấn, tiến hành khảo sát, quy hoạch, xây dựng Đề án thành lập thị trấn Đa Phước. Quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành, qua đó, đề án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thành lập thị trấn Đa Phước, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Một đô thị cửa ngõ nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của huyện được thành lập sẽ là động lực để thị trấn Đa Phước nói riêng và huyện An Phú nói chung, mở ra cơ hội phát triển mọi mặt. An Phú có 3 thị trấn, trong đó thị trấn An Phú nằm giữa và thị trấn Long Bình - thị trấn Đa Phước nằm ở 2 đầu “đòn gánh”, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của huyện An Phú và tỉnh An Giang.
“Việc thành lập thị trấn Đa Phước không chỉ là vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đa Phước, mà còn là tự hào, phấn khởi của huyện An Phú. Kết quả này là công lao của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm của nhân dân đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí, phong trào” - Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chao-thi-tran-da-phuoc--a360823.html