Chào xuân mới 2023: Tự tin, trách nhiệm!

Năm 2022 (Nhâm Dần) đã khép lại. Năm mới 2023 (Quý Mão) đang đến. Đất nước đã đi qua một năm với nhiều nỗ lực, quyết tâm hồi phục toàn diện sau 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19. Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, năm Nhâm Dần 2022 đã chứng minh được những tất yếu của sức mạnh từ sự đoàn kết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công'.

Đương đầu với muôn vàn khó khăn của cuộc sống là đặc điểm của năm 2022, không chỉ với Việt Nam chúng ta mà là của toàn nhân loại khi cánh cửa của giao thương sau hơn 2 năm đình trệ đang cần thời gian để tìm lại nhịp thở sôi động vốn có. Kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề không chỉ từ sự đình trệ của giao thương mà còn là những khó khăn của bài toán nan giải về sự hồi phục sản xuất, đặc biệt trên 3 phương diện: Lao động - việc làm - đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Đời sống có những lúc phải xáo trộn vì giá cả, sự mất cân đối về nhiên liệu sản xuất - tiêu dùng.

Khó khăn thì nhiều, nhưng điều mà toàn dân cảm nhận rất rõ chính là những nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc vững tin chèo lái con thuyền sự nghiệp trong bối cảnh như thế để khắc phục những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chính sách đúng hướng giúp kinh tế Việt Nam giảm tác động tiêu cực.

Chính sách đúng hướng giúp kinh tế Việt Nam giảm tác động tiêu cực.

2022 cũng là năm mà Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tích cực rà soát, sửa đổi và đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với 9 phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 39 dự án, đề nghị xây dựng luật, Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, trong đó 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến, với chất lượng xây dựng luật nhìn chung được nâng lên một bước. Chính phủ cũng đã ban hành 106 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 quyết định quy phạm pháp luật.

An ninh chính trị được giữ vững. Quan hệ ngoại giao, đối ngoại được tiếp tục phát triển lên tầm cao mới với nhiều kết quả. Kinh tế dần hồi phục với sự bắt nhịp trở lại nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp. Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tăng trưởng khá cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; GDP năm 2022 tăng trưởng khoảng 8,0%, cao nhất từ năm 2005 đến nay, quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt khoảng 400 tỷ USD. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất. Chủ trương bảo đảm sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được triển khai nhất quán. Cùng với đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng được tiếp tục với sự quyết liệt cao nhất.

Lòng tin của nhân dân vào Đảng đang được thể hiện rõ nhất bằng việc chung tay với Đảng, Nhà nước nỗ lực khắc phục vượt khó.

Một năm 2022 qua đi với nhiều thành tựu đạt được hơn dự kiến.

Quý Mão - 2023 đã đến, khó khăn vẫn còn nhiều trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh chưa từng có tiền lệ, vượt khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Kinh tế vẫn đương đầu với nhiều điểm nghẽn cần nhanh chóng khai thông.

Trong bối cảnh như thế, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị toàn Đảng, toàn dân phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn.

Đây chính là lúc mà mỗi người dân cần tiếp tục truyền thống đoàn kết, chung tay, nỗ lực vượt khó dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chao-xuan-moi-2023-tu-tin-trach-nhiem--i679265/