Chặt keo trồng sầu riêng và những cú 'quay xe' giúp nông dân Quảng Ngãi đổi đời

Cú 'quay xe' chuyển đổi từ các loại cây trồng cũ hiệu quả thấp, sang trồng sầu riêng, cây ăn quả, rau hoa hữu cơ, dược liệu… đang giúp hàng nghìn nông dân, HTX ở Quảng Ngãi ăn nên làm ra.

Cứ ngỡ sầu riêng là loại trái cây đặc trưng ở các vùng đất Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… nhưng tại Quảng Ngãi, loại “trái cây vua” cũng đang sống khỏe, trở thành một trong những cây trồng kinh tế chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho các nhà vườn.

Cây ăn quả cho “trái ngọt”

Đứng giữa khu vườn rộng chưa đầy 0,5 ha, anh Đinh Văn Hạnh, thôn Phú Lâm Tây, huyện Nghĩa Hành tự hào chia sẻ, vườn nhà anh tuy không lớn, nhưng năm nào cũng cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Bên cạnh cau, hồ tiêu, sả, thì sầu riêng chính là nguồn thu nhập chính.

Chỉ cách đây khoảng 6 năm, toàn bộ khu vườn này được anh Hạnh trồng keo, sau đó anh quyết định phá bỏ toàn bộ để chuyển sang trồng sầu riêng, bởi nhận thấy tiềm năng của loại cây đang được mệnh danh là “cây tỷ đô” này. Ở thời điểm đó, ai cũng bảo anh “khùng”.

Sầu riêng đang cho thấy tiềm năng nhân rộng ở Quảng Ngãi (Ảnh: BQN).

Sầu riêng đang cho thấy tiềm năng nhân rộng ở Quảng Ngãi (Ảnh: BQN).

Thế nhưng, sự dũng cảm và nỗ lực không biết mệt mỏi của anh Hạnh nay đã cho trái ngọt. Vườn sầu riêng chỉ vỏn vẹn 40 cây, nhưng năng suất cao, mẫu mã đẹp và giá bán cao, nên năm nào cũng giúp anh thu về trên 100 triệu đồng.

Cộng với nguồn thu từ các loại cây trồng xen canh khác, kinh tế gia đình anh Hạnh ngày càng khấm khá. “Vụ vừa qua thời tiết không thực sự ủng hộ nên sầu riêng không cho sản lượng như mong đợi, nhưng đổi lại giá bán ổn, tôi thu về khoảng 105 triệu đồng. Cùng với sả, hồ tiêu, cau, cả vườn cho khoảng 200 triệu đồng”, anh Hạnh nói.

Không chỉ là những “cánh chim lẻ”, những nông dân thoát nghèo, làm giàu từ cây sầu riêng ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều. Riêng huyện Nghĩa Hành được xem là “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh, diện tích trồng sầu riêng đạt trên 200 ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành, sầu riêng đang cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Xã Hành Thiện đang là vùng trồng chủ lực của huyện với khoảng gần 40 ha, trong đó 30% diện tích đã cho quả.

Để đảm bảo hướng phát triển bền vững, huyện Nghĩa Hành nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung đang chủ động định hướng, hỗ trợ các hộ sản xuất theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại từng địa phương.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ để nâng cao nội lực sản xuất, ổn định thị trường, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Đa dạng hóa cây trồng

Có thể thấy cây sầu riêng đang cho thấy tiềm năng lớn, song ở Quảng Ngãi không chỉ có loại “siêu trái cây” này mà còn nhiều loại cây ăn trái cho hiệu quả cao khác.

Như ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây những năm qua đã đưa nhiều loại cây ăn quả vào trồng để mở hướng thoát nghèo cho người dân, trong đó có cây mắc ca. Qua nhiều năm trồng, hiện cây mắc ca đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, người dân nơi đây còn đầu tư trồng nhiều loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, ổi, chuối mốc. Sơn Liên là một trong số ít các xã ở Sơn Tây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các loại cây hiệu quả kinh tế không cao sang trồng các loại cây ăn quả để tăng thu nhập cho người dân.

Quảng Ngãi đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: BQN).

Quảng Ngãi đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: BQN).

Anh Đinh Văn Vân, thôn Tang Tong, đang là một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả ở Sơn Liên. Đến nay, anh đã xây dựng được vùng trồng 700 cây bưởi da xanh, 4 ha ổi nữ hoàng.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hiện cây bưởi đang phát triển rất tốt. Cây ổi thì đã cho thu hoạch. Dự kiến, nếu không có bất lợi quá lớn về thời tiết hay thị trường, trang trại của anh Vân có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh cây ăn quả, nhiều địa phương tỉnh Quảng Ngãi cũng đang gặt hái thành công với cây dược liệu và rau hữu cơ.

Như ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức), hàng chục vườn rau của người dân được chuyển từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau hữu cơ. HTX sản xuất rau hữu cơ theo hướng VietGAP đã được thành lập.

Các hộ tham gia HTX đang hưởng “lợi kép” từ mô hình này. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường từ 15 - 20 tấn rau các loại, với giá cao gấp 2-3 lần so với rau trồng theo cách truyền thống.

Ngoài ra, những phần rau già, sâu được người nông dân tận dụng để chăn nuôi gà, lợn. Người dân phấn khởi khi đời sống đã thay đổi hẳn từ khi trồng rau theo hướng hữu cơ.

Cũng ở Mộ Đức, mô hình trồng nấm của HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (xã Đức Nhuận) đang cho giá trị kinh tế vượt trội. Được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc năm 2023, HTX hiện có nhiều sản phẩm chất lượng, được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, số lượng thành viên tham gia góp vốn đã tăng lên hơn 30 người. Với hoạt động sản xuất ổn định, HTX dự kiến tiếp tục mở rộng và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Hiện, HTX sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trên địa bàn về chăm sóc, sau đó thu mua nấm tươi về chế biến thành các sản phẩm công nghiệp như nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược nấm linh chi, rượu nấm linh chi, bột nêm nấm… đã có mặt trên thị trường ở các siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Giám đốc HTX Lê Giang Phong cho biết: "Trung bình mỗi năm, HTX đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt từ 10-15 triệu đồng/tháng".

Có thể thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang bước đầu phát huy hiệu quả, hình thành nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giúp hàng nghìn người dân thoát nghèo, làm giàu.

Hiện, các địa phương trong tỉnh đang tập trung xây dựng mô hình số hóa hồ sơ sản phẩm OCOP, cơ sở dữ liệu, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chat-keo-trong-sau-rieng-va-nhung-cu-quay-xe-giup-nong-dan-quang-ngai-doi-doi-1102459.html