Chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn ở mức xấu, khu vực nào chỉ số ô nhiễm cao?

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau là 'mùa' ô nhiễm không khí tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Lúc 8h sáng ngày 1/11, kết quả quan trắc của 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội và các tỉnh lân cận ở mức xấu.

Cụ thể, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 169; cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) là 190; Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 174.

Kết quả quan trắc được đăng tải trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội cho thấy tại điểm đo Chi cục Bảo vệ môi trường (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy) chỉ số AQI là 159; tại Trường Mầm non Khương Trung (quận Thanh Xuân) là 152; UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) là 167; Trụ sở Công an xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) là 158.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 đến 200) người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), nên tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khỏe. Nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi-van-o-muc-xau-khu-vuc-nao-chi-so-o-nhiem-cao-post1687516.tpo