Chất vấn nhiều vấn đề về an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19

Tiếp tục phiên chất vấn chiều 10/11, Bộ Trưởng Bộ Lao Động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm, liên quan đến việc rà soát chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế.

Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung chất vấn về những nội dung được dư luận và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc như: Công tác bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19; bất cập trong chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, diễn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hiệu quả, mức độ tiếp cận đối với các chính sách đã triển khai và các chính sách trong thời gian tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tình trạng “phát nhầm” và “nhận nhầm” tiền hỗ trợ tại một số địa phương; giải pháp đào tạo nghề, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc; tình hình dự báo, liên kết thị trường lao động; chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần; giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật trong thời gian tới; vấn đề điều chỉnh lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995; thực trạng, giải pháp cho vấn đề xâm hại trẻ em; việc giải quyết quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi hết kết dư; áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các gói hỗ trợ cho người lao động; chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách;…

Chất vấn về nội dung này, ĐBQH đơn vị Lâm Đồng Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt vấn đề với Bộ trưởng: Do tác động của đại dịch Covid-19, công tác giảm nghèo, thành tựu giảm nghèo đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng, người nghèo, người khó khăn lại lâm vào tình trạng chật vật hơn, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đô thị. Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Bộ trưởng có giải pháp đột pháp gì trong công tác giảm nghèo thời gian tới, để người nghèo, người khó khăn, người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, tuy trong quá trình thực hiện còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý. Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này phần đa (khoảng 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết 116/NQ-CP quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Như vậy, có thể thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng.

Về việc chậm triển khai hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chính sách chưa có tiền lệ và nhiều nội dung chưa có trong quy định pháp luật, Chính phủ không có thẩm quyền, thậm chí vượt thẩm quyền. Do đó, khi có yêu cầu không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, ngành lao động, thương binh và xã hội cùng với các ngành chức năng làm ngày làm đêm. Việc xây dựng chính sách được triển khai rất nhanh. Bộ trưởng khẳng định tất cả các thủ tục, các quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đều ở mức độ thông thoáng nhất có thể, không thể thông thoáng hơn nữa. Người lao động không phải kê khaibgì, bảo hiểm tự động chuyển tiền vào tài khoản của mình. Doanh nghiệp cũng vậy, chỉ trong 5 ngày đã có 365 nghìn doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phương châm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là chính sách ban hành dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ thụ hưởng. Do đó, trong một tháng rưỡi thực hiện Nghị quyết 68 chỉ phát hiện 2 vướng mắc, 1 trường hợp ở Bình Dương và 1 vướng mắc liên quan đến xác định thu thuế. Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép sửa Nghị quyết 68 bằng Nghị quyết 126, thay Quyết định 23 bằng Quyết định 33.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 với nguồn vốn 75 nghìn tỉ đồng sẽ hỗ trợ cả những hộ nghèo phát sinh do Covid-19, cả ở nông thôn, thành thị.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202111/chat-van-nhieu-van-de-ve-an-sinh-xa-hoi-trong-dai-dich-covid-19-3088702/