Chất vấn tại phiên họp 36 UBTVQH: Nóng vấn đề BOT

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau chất vấn và giám sát chuyên đề kể từ đầu nhiệm kỳ.

Đến 31/12 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng

Đến 31/12 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng

Quyết tâm và lời hứa

Có 15 bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được mời đến để trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phiên chất vấn còn được kết nối trực tiếp đến các đoàn ĐBQH của 63 tỉnh, thành phố. Số lượng ý kiến chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, ngành rất nhiều, trải rộng trên khắp các lĩnh vực, ngành và liên ngành, cả tầm vĩ mô và vi mô (các vụ việc, vấn đề cụ thể). Trong đó, một trong những tư lệnh ngành nhận được nhiều ý kiến chất vấn nhất là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Trước chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và lo lắng của đại biểu Nguyễn Văn Giàu về tiến độ thi công để đảm bảo đạt mục tiêu tới cuối năm 2020 thông tuyến và khai thác từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết về tiến độ đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa qua Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ đồng, còn phần vốn của nhà đầu tư (NĐT) hiện nay đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Phần vốn còn lại đến từ các TCTD. Chính phủ cũng đã họp và giao cho Thống đốc NHNN chỉ đạo 4 ngân hàng để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án này.

“Với sự chỉ đạo tập trung của Thủ tướng Chính phủ, các TCTD phối kết hợp để bổ sung vốn thì dự án này đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận và sẽ hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021 đúng như chỉ đạo hiện nay của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa.

Dự án thứ hai là cầu Mỹ Thuận 2, được Quốc hội bố trí vốn 5.100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, theo kế hoạch quý I/2020 sẽ khởi công cầu Mỹ Thuận 2 và hai đường vào cầu sẽ khởi công vào tháng 12/2019. Đoạn cuối cùng từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, đến thời điểm này chưa mở thầu. Lý do là hiện nay cần phải bổ sung nguồn vốn là 932 tỷ đồng thì phương án tài chính mới khả thi.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung nguồn vốn vượt thu năm 2018 là 932 tỷ đồng cho dự án này. Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở thầu dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ; đồng thời Bộ GTVT sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long để bàn giao mặt bằng. Tiếp đó trong đầu năm 2020 sẽ tập trung vào tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cố gắng nhanh nhất, sớm nhất để có thể thông tuyến được xuống Cần Thơ đúng kế hoạch.

Trả lời các chất vấn về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn xác định ĐBSCL có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp nên rất cần tập trung đầu tư.

Bổ sung thông tin về dự án đường cao tốc này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã nhất trí sẽ bố trí các khoản 2.186 tỷ đồng và 932 tỷ đồng trong phần vượt thu ngân sách năm nay cho các dự án này và đã ủy quyền cho Bộ Tài chính trình UBTVQH theo thẩm quyền. “Khi được phê chuẩn thì Thủ tướng sẽ có quyết định phân bổ ngay. Vấn đề quan trọng hiện nay là tổ chức thực hiện và Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.

Tự động không dừng, không làm được thì đừng thu

Tiếp tục các vấn đề liên quan đến Bộ GTVT, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chất vấn, Chính phủ đang quyết tâm đến 31/12 năm nay sẽ hoàn thành toàn tuyến việc thu phí BOT theo hình thức điện tử với 44 trạm và 620 làn, nhưng đến nay mới triển khai được ở 29 trạm và 161 làn, vậy giải pháp nào để đạt được kế hoạch?

Khi giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định mốc thời gian trên sẽ không thay đổi và mới đây Thủ tướng đã tiếp tục có chỉ thị trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ cùng với các NĐT phải khẩn trương thực hiện công việc này. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện có 2 NĐT đang cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng và đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT. “Tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng của các NĐT trong các điều kiện hợp đồng và trong việc phối hợp để thực hiện là rất quan trọng. Nếu các NĐT phối hợp tốt thì chúng ta sẽ triển khai nhanh”, Bộ trưởng Thể thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết, hiện có một đơn vị “đáng quan ngại” là Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam. Đây là công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này tiến độ rất chậm.

“Chúng tôi đã sử dụng giải pháp là gửi các văn bản báo cáo thẳng Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn. Nếu tình hình không cải thiện và chậm thì trách nhiệm hoàn toàn của các NĐT”, Tư lệnh ngành giao thông khẳng định và cảnh báo: “Đến 31/12 theo Chỉ thị của Thủ tướng, chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng. Do đó, hiện nay chúng tôi sẽ kiểm tra tiến độ hàng tháng và có các giải pháp để các nhà đầu tư không có bất ngờ. Nếu các NĐT cố tình trây ì thì chắc chắn phải chấp nhận hậu quả kinh tế”.

Chia sẻ với quyết tâm của ngành giao thông nhưng đại biểu Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý cần phải lường hết những vấn đề mà nếu kết thúc thời hạn trên các doanh nghiệp vẫn không chấp hành. “Việc không thu rồi tiếp tục thu sẽ là vấn đề rất lớn. Bên cạnh đó, khi thực hiện thu điện tử thì cần phổ biến, tuyên truyền tốt cho người sử dụng dịch vụ. Tôi được biết hiện nay có nhiều triệu đầu xe. Đây là vấn đề rất lớn, có xáo trộn trong xã hội chứ không phải nói đơn giản về mặt nhà nước chúng ta chỉ đạo thì dân chấp hành”, đại biểu Nguyễn Văn Giàu góp ý.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chat-van-tai-phien-hop-36-ubtvqh-nong-van-de-bot-91122.html