'Chật vật' cân đối ngân sách trong bối cảnh COVID-19
Nền kinh tế đang chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 khiến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm; đồng nghĩa nguồn thu thuế bị ảnh hưởng. Bên cạnh việc kiểm soát chặt nguồn chi, ngành tài chính vẫn đang dồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Tiết kiệm chi triệt để nhưng ưu tiên chống dịch
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 9/2020, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số thu ngân sách chưa tăng trưởng song đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế và Hải quan trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ quản lý thuế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dồn gánh nặng lên ngân sách thì việc chống thất thu, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nữa mà trở thành nhiệm vụ trọng yếu. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, mặc dù hụt thu, nhưng Việt Nam vẫn đặc biệt ưu tiên cho việc chi ngân sách, dự phòng các thiết bị y tế, lương thực để chống dịch COVID-19. Tính đến ngày 24/9, Việt Nam đã chi ngân sách gần 18.000 tỷ đồng. Lũy kế chi NSNN trong 9 tháng năm 2020 là 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong khi thâm hụt ngân sách dự kiến giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, giá dầu thô giảm thấp, điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì nhu cầu chi đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng…lại lớn khiến việc bội chi NSNN là không tránh khỏi’, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Để đảm bảo cân đối nguồn chi, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, cấp bách; giảm chi thường xuyên 10% và giảm công tác nước ngoài 70%; đồng thời đã chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và huy động nguồn lực từ xã hội...
Theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, nếu chi ngân sách lãng phí, không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu NSNN mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu NSNN bền vững. Do vậy, cần thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu cân đối NSNN, thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu NSNN.
“Cùng với cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, chi NSNN nói riêng có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên và thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, phổ biến và không có ngoại lệ. Từ đó, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển; tăng cường công khai minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của các cấp ngân sách”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Để tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng: Việc quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công cần được tăng cường. Đến nay, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công và triển khai xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.
“Tiếp tục xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát danh mục mua sắm tập trung để sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua sắm tập trung tài sản công được thực hiện nghiêm túc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi NSNN, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Đặng Ngọc Tuyến nói.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, năm 2020, bội chi có thể lên đến 5,59% GDP. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì bội chi sẽ tăng lên khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.
‘Cứu’ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu
Dự toán NSNN năm 2020 được Quốc hội quyết định với tổng số thu NSNN là 1.512,3 nghìn tỷ đồng; tổng số chi là 1.747,1 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP).
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thực hiện 9 tháng năm 2020, tổng thu NSNN đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm 2020, thu cân đối NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán.
Tuy nhiên mới đây, Chính phủ vẫn quyết định ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Nghị định này hiện thực hóa chính sách hỗ trợ trực tiếp cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) để vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Nghị định quy định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Việc giảm này sẽ có hiệu lực thi hành ngay lập tức và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020.
Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), những giải pháp về thuế được đề xuất sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNN&V, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DNN&V giảm bớt khó khăn, tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, ngành Hải quan đã thực hiện hàng loạt các chính sách về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, công tác giám sát, quản lý hải quan cũng đã được nghiên cứu, cải tiến theo hướng tìm kiếm những giải pháp thiết thực, phù hợp để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp; không yêu cầu phải ký tên, đóng dấu trên các chứng từ này khi gửi qua hệ thống.
"Dưới góc độ quản lý thuế nội địa, song song với việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ quan Thuế các cấp sẽ tập trung lực lượng cho công tác quản lý thu, chống thất thu như: Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế trên hệ thống quản lý người nộp thuế, tập trung thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp có rủi ro cao, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước để trục lợi, vi phạm pháp luật thuế; tổ chức rà soát kịp thời đối với người nộp thuế không thuộc diện được gia hạn, miễn giảm tiền thuế và tiền thuê đất theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đôn đốc nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN", ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế nói.