Chật vật khôi phục vùng cây ăn quả

Bão số 9 năm 2020 đã làm hư hại trên 400ha cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, riêng huyện Nghĩa Hành là 365ha. Mặc dù chính quyền và người dân các địa phương đã nỗ lực, nhưng việc khôi phục vùng cây ăn quả hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vì sâu bệnh, hạ tầng vừa thiếu, vừa hư hỏng...

Nỗ lực khôi phục

“Sau bão, cây bưởi bị ngả, lay gốc khá nhiều. Nhưng nhờ được bón phân, chăm sóc kỹ, nên tỷ lệ cây chết giảm đáng kể. Tuy nhiên, tôi lo nhất hiện nay là vấn đề nước tưới. Vì đường điện hư hỏng, cộng với giếng khơi dần cạn, nên vườn bưởi đối mặt với nguy cơ khô hạn”, ông Nguyễn Văn Thảo, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) cho biết. Dù đã đầu tư 2 giếng, nhưng mới tháng Giêng mà giếng cạn nước, điện chập chờn, nên máy bơm cũng hoạt động kiểu “giã gạo”, vừa tốn thời gian, vừa không đảm bảo hiệu quả tưới.

Thiếu điện, đường và nước tưới nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Không chỉ ông Thảo, mà 18 hộ trồng bưởi, với tổng diện tích tập trung hơn 10ha ở khu vực xóm Trũng, thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện hiện cũng đang thấp thỏm âu lo. Bởi phần lớn diện tích bưởi đang được phục hồi, nếu không được cấp đủ nước, cây sẽ bị chết. Vì vậy, thời gian qua, người trồng bưởi ở xóm Trũng phải chia lịch, vận hành máy bơm nước luân phiên.

Tại xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), người dân cũng đang nỗ lực chăm sóc diện tích cây ăn quả vừa được phục hồi và trồng mới sau thiên tai. Từ nguồn hỗ trợ của UBND huyện, ông Nguyễn Đức Hiền, ở xã Hành Nhân đã trồng mới hàng trăm cây chôm chôm, sầu riêng, mít thái và phục hồi gần 0,5ha bưởi. Mặc dù được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tích cực hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nhưng hiện nay, nhiều diện tích cây ăn quả của gia đình ông Hiền đang bị sâu bệnh gây hại. Cộng với thời tiết nắng nóng, giếng dần cạn nước sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Mong được “tiếp sức”

Theo Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Phạm Thị Ngọc Hoa, toàn xã hiện có 80ha cây ăn quả và tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích trong thời gian đến. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là điện, đường, nước chưa đáp ứng yêu cầu, nên người trồng cây ăn quả gặp rất nhiều khó khăn. Như tại thôn Ngọc Sơn, dù là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất xã, nhưng điện và nước chưa được đầu tư bài bản. Vì vậy, người dân phải đào giếng khơi, đấu nối điện tạm thời để vận hành máy bơm, nên vừa tốn kém thời gian và chi phí, vừa mất an toàn.

Ngoài ra, dù đã được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, nhưng khi áp dụng vào thực tế, không ít hộ lúng túng, dẫn đến việc... làm ngược! Nhất là tình trạng cắt, tỉa “nhầm” các cành, nhánh của cây. Thay vì cắt bỏ những nhánh vô hiệu (hoa tập trung ở phần ngọn), thì người dân cứ áp dụng phương châm “tốt giữ xấu bỏ”, khiến nhiều nhánh hữu hiệu (hoa tập trung ở nách) đã bị cắt bỏ.

Chia sẻ khó khăn với người dân, thời gian qua, huyện Nghĩa Hành đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ kỹ thuật bám sát vườn cây, thường xuyên trao đổi thông tin và giải đáp thắc mắc cho người dân. Thậm chí “cầm tay chỉ việc” những hộ mới trồng, hoặc còn lúng túng trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. “Đối với vấn đề đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, huyện sẽ cố gắng huy động và cân đối các nguồn lực, đồng thời kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo động lực khôi phục và phát triển diện tích cây ăn quả ổn định, bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202103/chat-vat-khoi-phuc-vung-cay-an-qua-3048013/