Chật vật vì giá gas leo thang

Cùng với các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, nguyên vật liệu, thực phẩm, những ngày gần đây, giá gas cũng tiếp tục tăng "phi mã "khiến người tiêu dùng lo lắng. Để cắt giảm chi phí, đảm bảo đời sống, nhiều người dân đang loay hoay tìm giải pháp ứng phó với vấn đề này.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình đã chuyển sang dùng bếp điện thay cho bếp gas. Ảnh: Trà Hương

Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình đã chuyển sang dùng bếp điện thay cho bếp gas. Ảnh: Trà Hương

Từ năm 2021 đến nay, giá bán lẻ gas trong nước đã 9 lần tăng liên tục. Đến tháng 3/2022, giá gas bán lẻ của các thương hiệu như Saigon Petro, Gia đình, ELF, Petro Việt Nam, Gas Thủ Đức… với 2 loại 12kg và 45kg đều tăng so với thời điểm đầu năm vài chục nghìn đồng/bình. Một số loại gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã chạm ngưỡng gần 550 nghìn đồng/bình 12kg.

Giá gas tăng mạnh trong thời điểm hiện nay được các chuyên gia lý giải nguyên nhân là do mặt hàng này phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu, nguồn cung ứng trong nước chỉ chiếm khoảng 40%. Vì vậy, khi giá khí đốt thế giới tăng mạnh thì giá gas đến tay người tiêu dùng cũng tăng theo. Thậm chí, mức giá gas và một số mặt hàng khí đốt khác được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do biến động của thị trường.

Là mặt hàng thiết yếu được phần lớn các gia đình sử dụng hằng ngày, bởi vậy, khi mức giá bán lẻ của sản phẩm này liên tục leo thang đã khiến nhiều gia đình gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Hoàng Quỳnh, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Trước đây, mỗi tháng gia đình tôi dùng hết khoảng 2 bình gas 12kg. Nếu với giá gas hiện nay thì tôi phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để trang trải chi phí này, vì vậy, để tiết kiệm, mới đây, tôi đã quyết định mua bếp từ đơn của Trung Quốc thương hiệu Xiaomi để nấu ăn. Theo tôi tính toán, việc sử dụng loại bếp này cũng giảm được một phần chi phí đáng kể so với dùng bếp gas ở thời điểm hiện tại”.

Không riêng gia đình anh Quỳnh, việc chuyển hướng sử dụng từ bếp gas sang bếp từ, bếp hồng ngoại cũng là xu hướng phổ biến của nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, đối với một bộ phận người lao động là công nhân có mức thu nhập thấp, việc bỏ ra vài triệu đồng để đầu tư loại bếp khác thay thế cho bếp gas cũng không dễ dàng.

Anh Trần Đức Tịnh, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, công nhân Công ty Hữu hạn công nghiệp Lâm Viễn Vĩnh Phúc, hiện đang thuê trọ tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, thu nhập chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, nếu phải bỏ ra một khoản tiền để đổi sang loại bếp khác thì cũng rất khó khăn. Vì vậy, tôi phải sử dụng tiết kiệm hơn; đồng thời, kết hợp dùng bếp than tổ ong để giảm chi phí hằng tháng”.

Giá gas tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình mà chủ các cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng “đau đầu” tìm giải pháp xoay sở. Theo chia sẻ của nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống, giá gas tăng là thêm một áp lực đối với công việc bán hàng ăn vốn đã bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Khi mặt hàng gas và các loại nguyên liệu đầu vào đều đồng loạt tăng giá thì để cầm chừng buộc họ phải “thắt lưng buộc bụng”, tìm mọi giải pháp tiết kiệm chi phí.

Một số chủ cửa hàng kinh doanh đã nghĩ đến phương án tăng giá thực phẩm bán ra cho thực khách, tuy nhiên, họ cũng lo lắng bởi khi tăng giá thì có thể doanh số bán hàng sẽ sụt giảm đáng kể.

Sử dụng các năng lượng khác thay cho gas là xu thế tất yếu của nhiều người, nhiều gia đình trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu người dân chuyển sang dùng điện nhiều hơn thì đó cũng chưa phải là giải pháp tối ưu. Bởi, khi chỉ số tiêu thụ điện tăng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nhất là vào mùa nắng nóng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện hoặc làm gia tăng hóa đơn tiền điện với các bậc thang giá cao nên chưa thể so sánh sử dụng loại năng lượng nào sẽ lợi hơn, vì vậy, người dân cần có sự tính toán hợp lý.

Trước tình trạng giá gas và nhiều mặt hàng đều có mức tăng đột biến như hiện nay, không chỉ người tiêu dùng mà nhiều doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng mạnh khiến giá thành sản xuất các mặt hàng, chi phí đầu vào bị đội lên đáng kể.

Nhằm bình ổn giá, giảm áp lực, người dân mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng cần xem xét và sớm áp dụng những giải pháp bình ổn giá góp phần tạo tác động giảm giá thành mặt hàng gas nói riêng và các mặt hàng khác nói chung, tăng năng lực sản xuất trong nước, đảm bảo cung cầu ổn định cho thị trường.

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74905/chat-vat-vi-gia-gas-leo-thang.html