Châu Á, động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 đạt 3% và ba nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới ở mức thấp hơn 2%, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á vẫn đạt 6,1%. Đây là con số khá ấn tượng, cho thấy châu Á tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cầu quốc tế Mê Công thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cầu quốc tế Mê Công thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tân Hoa Xã phân tích, thực tế chứng minh rằng, tăng cường hội nhập kinh tế và hợp tác giữa các quốc gia châu Á là công cụ đáng tin cậy nhất cho sự phát triển bền vững ở khu vực. Những năm gần đây, châu Á luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Với hơn bốn tỷ người, châu Á tạo một nguồn lao động dồi dào, đóng góp một phần ba GDP toàn cầu, có nhiều tiềm năng phát triển to lớn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á lên 6,2% trong năm nay và 6,4% trong năm tới do có nhiều yếu tố tích cực cho sự tăng trưởng. Sự tăng trưởng nhanh và mạnh phản ánh mối quan hệ kinh tế thương mại ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia châu Á. Sự hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ khiến không quốc gia nào trong khu vực có thể phát triển thịnh vượng mà không hội nhập. Hội nhập ở châu Á tiếp tục tiến về phía trước bất chấp sự phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo của Diễn đàn Bác Ngao (BFA) 2014 cho thấy, hợp tác thương mại nội khối ở châu Á tăng lên mức cao kỷ lục, đạt xấp xỉ 60% năm 2012. Xu hướng hội nhập và hợp tác ngày càng được cụ thể hóa. Các nước châu Á đang tiếp tục đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại phù hợp cơ cấu công nghiệp, mô hình kinh tế và xã hội truyền thống ở khu vực.

Tại BFA 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, để duy trì đà phát triển trong điều kiện mới, châu Á cần tìm nguồn lực mới để tiếp thêm sinh lực cho chính khu vực này. "Chìa khóa" khai thông nguồn lực mới chính là tăng cường hội nhập và hợp tác khu vực. Cơ sở hạ tầng cũng mở đường cho hội nhập kinh tế. Hàng loạt dự án, kế hoạch dài hạn trong lĩnh vực này đã và đang được thực thi, như Hành lang kinh tế Băng-la-đét - Trung Quốc - Ấn Độ - Mi-an-ma, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pa-ki-xtan, Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, thỏa thuận tăng cường tự do thương mại Trung Quốc -ASEAN...

Một động lực khác thúc đẩy mô hình phát triển mới của châu Á, đó là sự sáng tạo và đổi mới công nghệ. Trong quá trình này, cần tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực thông qua các khuôn khổ hợp tác như ASEAN, RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Trong lĩnh vực tài chính, châu Á được nhận định sẽ tạo một cuộc cách mạng song hành cuộc cách mạng kinh tế diễn ra mấy thập kỷ qua. Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ M.Xmít nhận định, đến năm 2030, hệ thống tài chính châu Á nhiều khả năng sẽ phát triển trở thành một hệ thống tài chính lớn hơn của Mỹ và châu Âu gộp lại; trong vòng 15 năm nữa, thị trường trái phiếu châu Á (không gồm Nhật Bản) có thể tăng gấp sáu lần so quy mô hiện nay. Các tổ chức tài chính châu Á sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc tài chính toàn cầu và khu vực này cũng trở thành nơi tập trung các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cảnh báo châu Á cần tăng cường giám sát và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh tình trạng nợ xấu trước nguy cơ xảy ra những rủi ro mang tính hệ thống cho khu vực.

Với những tiềm năng sẵn có, châu Á đang đón nhận những vận hội mới để vươn lên mạnh mẽ. Châu Á cần một môi trường khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác nhằm bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của cả khu vực cũng như thế giới, góp phần ngày càng quan trọng trong giải quyết những vấn đề chung toàn cầu.

THẠCH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/23646702-chau-a-dong-luc-tang-truong-kinh-te-toan-cau.html