Châu Âu chia rẽ sâu sắc sau khi ông Putin tái đắc cử

Ba Lan và Gruzia cảnh báo Nga là mối đe dọa ngày càng lớn, trong khi phe dân túy ở Italy cố gắng đạt được quan hệ đối tác gần gũi hơn với Nga.

Theo Guardian, phản ứng của các nước châu Âu về việc ông Putin tái đắc cử có sự khác biệt rất lớn. Trong khi một số chính trị gia coi việc hàn gắn mối quan hệ là cần thiết, những người khác nhận định rằng nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Putin đã quay lưng với những giá trị tự do phương tây và quy tắc quốc tế. Một nhóm khác, thuộc chủ nghĩa dân túy cánh hữu, lại đang ăn mừng thắng lợi này.

Tại các nước không thuộc châu Âu như Trung Quốc, Venezuela, Iran và Nhật Bản, các nhà lãnh đạo gửi điện mừng và lời hứa hợp tác cùng Moscow, nhưng trong nội bộ châu Âu, mọi thứ dường như ít trực tiếp hơn.

Mâu thuẫn trong EU

Mâu thuẫn giữa các chính trị gia chủ đạo của châu Âu được thể hiện trong cuộc họp vào ngày 19/3 giữa chính phủ Ba Lan, vốn là nước phản đối Nga trong Liên minh châu Âu (EU), và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo đang muốn dùng mọi cách để cải thiện quan hệ với ông Vladimir Putin.

Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, cho rằng lệnh trừng phạt với Nga sẽ không được dỡ bỏ. Ảnh: Getty.

Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, cho rằng lệnh trừng phạt với Nga sẽ không được dỡ bỏ. Ảnh: Getty.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Konrad Szymański, kêu gọi Đức hủy bỏ xây dựng đường ống Nord Stream 2, dự án dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức và châu Âu.

Cấp dưới của bà Merkel từ chối yêu cầu này, chỉ ra rằng đường ống dài 1.225 km với chi phí 11 tỷ USD là dự án tư nhân và không có cơ sở pháp lý để ngăn cản. Trợ lý của bà Merkel cũng hy vọng ông Putin sẽ hướng tới hợp tác về vấn đề Ukraine, lý do lớn nhất cho những lệnh trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga.

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, vừa có chuyến thăm tới Ukraine tuần trước, nhận định rằng nới lỏng cấm vận với Nga là điều bất khả thi.

Trong khi đó, phát ngôn viên của thủ tướng Đức cho hay nước này chúc mừng ông Putin tái đắc cử, nhưng sẽ kèm theo lời cảnh báo về những thách thức đặt ra cho mối quan hệ Đức – Nga. Khảo sát ý kiến tại Đức cho kết quả ủng hộ mạnh mẽ một cuộc đối thoại mới với nước Nga, đặc biệt là trong nhóm người ủng hộ đảng cực hữu AfD.

Trả lời phỏng vấn với tờ Bild, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Van der Leyen thể hiện quan điểm cân bằng, cho rằng ông Putin không còn là đối tác, nhưng cũng phản đối việc vạch ra lằn ranh đỏ với Nga.

Ông Sigmar Gabriel, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, nghĩ rằng các lệnh cấm vận cần được xóa bỏ và EU nên chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Putin, cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tiến vào Ukraine.

“Chúng tôi không e sợ việc đề nghị Nga đối thoại về kiểm soát vũ khí và sẵn sàng giải trừ quân bị. Tiếng nói của nước Đức phải luôn là tiếng nói của lý lẽ”, Guardian dẫn lời ông Gabriel.

Pháp chưa rõ ràng trong quan điểm

Tương tự, thái độ của Pháp cũng có mâu thuẫn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng làm ông Putin thất vọng khi hướng dòng chủ nghĩa dân túy theo chiều chống lại EU năm ngoái. Nhưng sau đó, chính ông đưa tay hợp tác với ông Putin trong hội nghị cấp cao tại Versailles.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, và Tổng thống Nga, Vladimir Putin, gặp mặt tại cung điện Versailles năm ngoái. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, và Tổng thống Nga, Vladimir Putin, gặp mặt tại cung điện Versailles năm ngoái. Ảnh: Sputnik.

Tuy nhiên, thái độ của ông Macron dần lạnh nhạt khi Tổng thống Nga từ chối gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Tổng thống Macron đặt ra giới hạn cho việc quốc gia sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng do thiếu sự ủng hộ thực tế của quân đội Mỹ trong vấn đề sử dụng vũ khí, ông Macron đã phải đứng nhìn ông Assad vượt qua ranh giới dưới sự bảo hộ của Nga tại Liên Hợp Quốc.

Tình huống thất bại này đã khiến ông Macron phải chịu sự chỉ trích hiếm có từ người tiền nhiệm, François Hollande.

Thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước. Tổng thống Pháp dự kiến sẽ đưa đoàn đại biểu doanh nghiệp tới St. Petersburg vào tháng 5, đồng thời tham dự cuộc họp với Tổng thống Putin tại Moscow.

Nhóm trí thức cánh hữu tại Pháp tranh luận rằng về phương diện lịch sử, nước Nga xứng đáng với nhiều sự tôn trọng hơn và nếu có được sự tôn trọng đó thì Nga sẽ đáp lại.

Italy ủng hộ ông Putin

Nhưng nếu nói tới sự thay đổi lớn nhất trong nền chính trị châu Âu thì phải kể đến Italy, với thành công của Phong trào 5 sao và Liên đoàn Phía bắc ủng hộ Điện Kremlin trong cuộc bầu cử.

Phong trào 5 sao tại Italy kêu gọi bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: AFP.

Phong trào 5 sao tại Italy kêu gọi bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: AFP.

Liên đoàn đã chính thức tham gia phe đồng minh chính trị với Liên bang Nga, và người lãnh đạo, Matteo Salvini, được bắt gặp tại Quảng trường Đỏ trong chiếc áo ủng hộ Tổng thống Putin.

Trong lúc đó, các thành viên của Phong trào 5 sao khen ngợi sự can thiệp quân sự của Moscow tại Syria và cáo buộc NATO xúi giục các cuộc biểu tình Maidan nhằm lật đổ Viktor Yanukovych, đồng minh của Moscow, tại Ukraine. Phong trào 5 sao cũng đã kêu gọi bãi bỏ lệnh trừng phạt của EU với Nga.

Ngoài EU, sự phản đối lớn nhất với ông Putin đến từ các quốc gia tại khu vực trung tâm Châu Âu trên tiền tuyến với Nga.

Thủ tướng Gruzia, Giorgi Margvelashvili, đánh giá chắc chắn rằng đang có một bước ngoặt trong sự thay đổi thái độ với Nga. Ông nhận định đối với Mỹ, London hay Brussels, "đây là thời điểm nhận thức các mối đe dọa an ninh mà các quốc gia bị Nga thách thức phải đối mặt”.

Ông Putin ăn mừng chiến thắng cùng người ủng hộ Sau khi kiểm tra 90% phiếu bầu, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết ông Putin giành được tỷ lệ ủng hộ áp đảo đến hơn 76% trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/3.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chau-au-chia-re-sau-sac-sau-khi-ong-putin-tai-dac-cu-post827594.html