Châu Âu khởi động cơ chế cứu Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước còn lại trong thỏa thuận quốc tế này vẫn tiếp tục bám trụ. Nhưng Tehran yêu cầu các nước này phải tìm cách để giúp Iran tránh thiệt hại về kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra nếu không muốn quốc gia Hồi giáo này xé bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tại Vienna.
Từ năm ngoái, các nước châu Âu đã bàn cách giúp Iran né các lệnh trừng phạt của Mỹ và họ thiết lập một cơ chế gọi là INSTEX (Instrument in Support of Trade Exchanges), cho phép Tehran tiếp tục trao đổi kinh tế với EU bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng từ đó đến nay, cơ chế này vẫn chưa được kích hoạt.
Trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ, Iran đã ra tối hậu thư cho EU yêu cầu tiến hành các cam kết như đã hứa. Và chỉ khi Tehran thông báo phá bỏ hai trong số nhiều cam kết về chương trình hạt của mình thì EU mới kích hoạt INSTEX.
Các giao dịch đầu tiên của EU với Iran thông qua cơ chế INSTEX đã được thực hiện, Tổng thư ký Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, Helga Schmid, công bố trên Twitter ngày 28/6.
"INSTEX hiện đang hoạt động, với các giao dịch đầu tiên đã được tiến hành và nhiều quốc gia thành viên EU sắp tới sẽ tham gia", bà Schmid viết.
Trong một tweet khác, bà Schmid đã đề cập đến "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về Thỏa thuận hạt nhân Vienna”. Việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân Iran của tất cả các bên là điều cần thiết.
Ngày 27/6, Iran thông báo trữ lượng uranium làm giàu của họ đã vượt quá giới hạn 300 kg cho phép của thỏa thuận 2015. Điều này có thể khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cáo buộc Iran đã vi phạm các cam kết của mình. Ngay sau tuyên bố của Tehran, Pháp cảnh báo: nếu Iran vi phạm thỏa thuận, đây sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng, một phản ứng tồi trước các áp lực từ Mỹ”.