Châu Âu sẵn sàng cho chiến tranh thương mại với Mỹ

Các chính trị gia và nhà hoạch định chính châu Âu đang bận rộn chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại với Mỹ sau bầu cử tổng thống. Quan chức châu Âu lo ngại chiến tranh thương mại

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong vài ngày tới và các cuộc khảo sát cho thấy cơ hội chiến thắng của hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đang ngang ngửa nhau tại các bang chiến địa và trên toàn quốc.

Quan chức châu Âu lo ngại chiến tranh thương mại

Chia sẻ với CNBC, một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Âu bình luận: “Bất kể ai thắng, họ cũng sẽ theo đuổi phương châm ‘nước Mỹ trên hết’. Mối quan tâm chính của người Mỹ là nền kinh tế và Nhà Trắng sẽ phản ứng bằng chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Tôi không tán thành tư tưởng đó nhưng chắc chắn họ sẽ làm vậy”.

Hôm 25/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cũng nói với CNBC rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể đáp trả trong trường hợp Mỹ khởi xướng chiến tranh thương mại.

Vị Bộ trưởng phát biểu tại cuộc họp thường niên của IMF tại thủ đô Washington: “Chúng ta cần thực hiện các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng rằng nước Mỹ sẽ không được lợi khi xung đột thương mại với EU”.

Hoạt động thương mại với Mỹ có vai trò cực kỳ quan trọng với các nước châu Âu. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, EU và Mỹ có mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương lớn nhất thế giới, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.290 tỷ USD vào năm 2021.

Các chính trị gia châu Âu cho rằng bà Harris nhiều khả năng sẽ tiếp nối các chính sách của Tổng thống Joe Biden - tiêu biểu là Đạo luật Giảm Lạm phát trị giá 369 tỷ USD nhằm đẩy mạnh các chương trình năng lượng và khí hậu. Đạo luật Giảm Lạm phát làm phật ý nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bởi họ coi nó có tính bảo hộ.

Tuy nhiên, phương châm “nước Mỹ trên hết” sẽ gây nhiều ảnh hưởng tới châu Âu hơn trong trường hợp tỷ phú Donald Trump nắm quyền. Goldman Sachs ước tính đề xuất áp thuế quan 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào nước Mỹ của cựu tổng thống sẽ gây áp lực lên các nhà xuất khẩu châu Âu và khiến đồng euro suy yếu tới 10%.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tỷ phú Donald Trump, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã đánh giá tiêu cực phong cách và giọng điệu đối đầu của ông. Hai bên thường có quan điểm khác nhau về thương mại, quốc phòng, công nghệ và những vấn đề khác.

Các "sáng kiến táo bạo"

Một quan chức EU khác bình luận: “Châu Âu không hoảng sợ. Chúng tôi đang chuẩn bị cho cả hai kịch bản ông Trump hoặc bà Harris thắng cử”. Vị quan chức nói thêm rằng Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu các sáng kiến “táo bạo” bất kể ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.

Vào tháng 5/2023, CNBC từng đưa tin các quan chức châu Âu đã bắt đầu âm thầm chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump trên chính trường. Theo đó, EU sẽ tập trung giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc và đến giờ đây vẫn là mục tiêu của các nhà lãnh đạo.

Vị quan chức ngoại giao tiết lộ với CNBC: “Donald Trump không thể khiến chúng tôi bất ngờ nữa. Chúng tôi đã biết cách đối phó với ông ta từ kinh nghiệm trước đây”.

Trong tuyên bố hồi tháng 10 năm nay, 27 nguyên thủ quốc gia của khối kinh tế chung kêu gọi: “Chúng ta cần tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của EU, cải thiện sức bền kinh tế, thúc đẩy sự đổi mới của lĩnh vực công nghiệp và khai thác tiềm năng tối đa của thị trường chung. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta cần thực hiện các hành động hiệu quả”.

Bên ngoài các cơ quan EU ở Brussels, chính phủ một số quốc gia có cái nhìn khác về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các nguyên thủ quốc gia châu Âu từng đưa ra những nhận xét khác nhau về khả năng ông Trump có được nhiệm kỳ thứ hai.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban được cho là đã chia sẻ với các phóng viên rằng ông sẽ “mở vài chai sâm panh” nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Chỉ hai ngày sau khi cử tri Mỹ tới điểm bỏ phiếu, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ gặp mặt tại thủ đô Budapest của Hungary và thảo luận về kết quả cuộc bầu cử.

Một quan chức EU khác nói: “Chắc chắn tôi sẽ không ăn mừng nếu ông Trump thắng cử”. Ông nhận xét tình hình bầu cử ở Mỹ “rất đáng lo ngại” và có lẽ sẽ được định đoạt bởi 200 phiếu bầu ở bang chiến địa Pennsylvania.

Nhưng ông nói thêm: “Bất kể kết quả thế nào, châu Âu cũng sẽ không sốc như xưa. Kể từ đó chúng tôi đã cải thiện sự tự chủ của nền kinh tế và chi tiêu cho quốc phòng”.

Như Hằng/CNBC

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chau-au-san-sang-cho-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-d53313.html