Châu Âu sẽ thoát suy thoái nhờ khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt?

Theo dự báo mới nhất của EC, các nước thành viên EU sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 0,8% vào năm 2023, tăng từ mức 0,3% trong dự báo trước đó.

Châu Âu có thể thoát nguy cơ suy thoái nhờ khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt. Ảnh: AFP

Châu Âu có thể thoát nguy cơ suy thoái nhờ khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt. Ảnh: AFP

Trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tránh được một cuộc suy thoái đáng sợ trong năm nay khi lạm phát được kiểm soát và giá khí đốt tiếp tục giảm mạnh.

Báo cáo trên nhen nhóm hy vọng tích cực cho nền kinh tế các nước thành viên EU trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức do chịu tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.

EC dự đoán rằng, toàn bộ EU sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 0,8% vào năm 2023, cao hơn mức 0,3% trong dự báo đưa ra trước đó.

"Tốt hơn kỳ vọng không có nghĩa là không còn nhiều lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay và triển vọng còn phụ thuộc vào chính sách. Người dân châu Âu vẫn phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn phía trước, trong đó tốc độ tăng trưởng dự kiến vẫn sẽ chậm và mức lạm phát cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng” - Euronews dẫn báo cáo do ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế châu Âu trình bày hôm 13/2.

Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là nền kinh tế bị suy giảm trong hai quý liên tiếp, điều vẫn có thể xảy ra tại một số quốc gia EU ngay cả khi kinh tế khu vực châu Âu (Eurozone) đạt tăng trưởng dương trong năm 2023.

Trong số 27 nước thành viên EU, Thụy Điển là quốc gia duy nhất dự kiến có tăng trưởng âm trong năm nay (-0,8%), trong khi các quốc gia còn lại có mức tăng trưởng hạn chế nhưng vẫn ở mức dương.

Hai quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga là Đức và Italia được cho là sẽ rơi vào suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, theo dự báo mới của EC, mức tăng trưởng của Đức là Italia trong năm nay dự kiến lần lượt 0,2% và 0,8%.

Ông Gentiloni cho rằng dự báo khả quan này là "sự thay đổi đáng kể" đối với Đức do nền kinh tế lớn nhất EU được dự đoán giảm 0,6% trong báo cáo trước đó.

Bên cạnh đó, Pháp được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6%, còn nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2023.

Ireland vẫn là nền kinh tế hoạt động tốt nhất với mức tăng trưởng dự kiến là 4,9%, chủ yếu nhờ đầu tư của các công ty đa quốc gia.

EC tin rằng, EU đã xoay chuyển tình thế lạm phát kỷ lục và giá sẽ duy trì xu hướng giảm bắt đầu vào cuối năm ngoái khi chỉ báo được theo dõi chặt chẽ quay trở lại mức tăng trưởng một con số.

Dư báo khả quan này được EC đưa ra dựa trên một số dữ liệu kinh tế mới nhất trong khu vực trong thời gian gần đây. Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm mạnh nhờ việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, thời tiết ôn hòa và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Chốt phiên giao dịch ngày 10/2 vừa qua, giá khí đốt của châu Âu giao dịch ở mức gần gần 54 euro/MWh, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Ngoài ra, lạm phát tại Eurozone được dự đoán sẽ giảm xuống 5,6% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024, đưa con số này tiến sát mục tiêu 2% hàng năm do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Tuy nhiên, quan chức EU lưu ý rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao tại các nước Đông Âu.

Bên cạnh đó, dự báo của EC được xây dựng dựa trên một loạt báo cáo khả quan của các tổ chức quốc tế về triển vọng tăng trưởng của khối, bao gồm những dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngân hàng JPMorgan và Goldman Sachs. Các báo cáo này đều đánh giá cao khả năng phục hồi và thích ứng của EU khi đối mặt với xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-se-thoat-suy-thoai-nho-khung-hoang-nang-luong-ha-nhiet.html