Châu Âu vẫn 'miệt mài' nhập khí đốt Nga; hợp đồng Moscow-Kiev sắp kết thúc, EU 'ủ mưu'

Theo hãng tin Reuters (Anh), khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu vẫn đi qua tuyến trung chuyển tại Ukraine. Trong khi đó, nửa còn lại chảy qua đường ống dẫn khí đốt Turkstream nằm dưới Biển Đen.

Sudzha là điểm trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng của Nga đến khu vực Tây và Trung Âu vẫn còn hoạt động. (Nguồn: AFP)

Sudzha là điểm trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng của Nga đến khu vực Tây và Trung Âu vẫn còn hoạt động. (Nguồn: AFP)

Hiện tại, Gazprom cung cấp khoảng 42 triệu m3 khí đốt mỗi ngày cho châu Âu qua Ukraine, qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod, chạy qua Sudzhain, vùng Kursk, gần Ukraine.

Sudzha là điểm trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng của Nga đến khu vực Tây và Trung Âu vẫn còn hoạt động.

Khoảng 14,65 tỷ m3 khí đốt Moscow được cung cấp qua Sudzha vào năm 2023, tương đương khoảng 1 nửa lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống 295 tỷ m3 vào năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khí đốt Moscow vận chuyển qua Kiev đã tăng 10,5% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8 tỷ m3.

Các đường ống dẫn khí đốt là một phần của hành lang Ukraine, đóng vai trò cung cấp dịch vụ vận chuyển khí đốt theo hướng Slovakia.

* Hầu hết các quốc gia EU đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga sau xung đột ở Ukraine.

Trước đây, các nước tiếp nhận chính khí đốt Moscow qua trung chuyển Ukraine bao gồm Áo, Slovakia, Italy, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova.

Hiện Áo vẫn tiếp nhận phần lớn khí đốt tiêu thụ qua Ukraine, trong khi các nước khác đã đa dạng hóa nguồn cung và triển khai các biện pháp để giảm nhu cầu.

Hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine - hợp đồng thương mại duy nhất của Moscow và Kiev - sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Năm ngoái, Moldova - một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu - đã nhập toàn bộ khí đốt từ các thị trường châu Âu.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), lượng khí đốt nhập khẩu của Croatia hiện rất ít và của Slovenia đã giảm xuống gần bằng 0 sau khi hợp đồng của nhà cung cấp khí đốt Geoplin với Gazprom kết thúc năm ngoái.

Đầu năm nay, Ủy ban châu Âu tuyên bố có các nguồn cung khí đốt thay thế.

Áo có thể nhập khẩu từ Italy, Đức, và các công ty năng lượng nước này tuyên bố đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguồn cung khí đốt của Nga ngừng lại.

Trong khi đó, Hungary dựa vào khí đốt Nga nhưng thông qua tuyến đường khác: Đường ống dẫn khí TurkStream trong khi Slovenia lấy khí đốt từ Algeria và các nguồn khác.

Một cố vấn của Tổng thống Azerbaijan tiết lộ, khối 27 thành viên và Kiev cũng đã yêu cầu Azerbaijan tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận với Nga liên quan đến thỏa thuận vận chuyển khí đốt.

EU đã nỗ lực đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt và ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỉ m3/năm vào năm 2027.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters nói rằng, cơ sở hạ tầng và tài chính vẫn chưa sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc mở rộng này.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-van-miet-mai-nhap-khi-dot-nga-hop-dong-moscow-kiev-sap-ket-thuc-eu-u-muu-282179.html